12/02/2009 09:17 GMT+7

Xứ sở "ngân hàng địa phủ"

HOÀNG NGUYÊN VŨ
HOÀNG NGUYÊN VŨ

TT - Hầu hết “cán bộ tín dụng” ở đó đều là nữ. Họ cần mẫn ngồi ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác để “sản xuất” tiền vàng cho khách hàng ở... cõi âm.

u6KUg3oV.jpgPhóng to

Sản xuất “tiền tỉ” nhưng hầu hết người làm ở “ngân hàng địa phủ” kiếm cơm qua ngày, vừa đủ nuôi con cái học hành - Ảnh: H.N.V.

Nơi đó là phường 14, Q.8, TP.HCM. Tại đây có gần 400 hộ làm vàng mã, tiền âm phủ, tạo nên một hệ thống “ngân hàng địa phủ” hơn 30 năm nay, không chỉ cung cấp cho thị trường lớn TP.HCM mà còn đưa về các tỉnh.

Nhà nhà vàng mã

Làm công

Vàng mã làm ra ở đây theo lối gia công. Mỗi ngày những người chủ ở Q.5, Q.6 mang giấy và màu, phụ liệu đến để dân ở đây làm công, làm xong thì nhận về theo kiểu khoán. Mỗi cây vàng mã lớn trả công khoảng 30.000 đồng, cây nhỏ 18.000 đồng. Mỗi lao động làm việc chăm chỉ có thể đạt hai cây lớn/ngày. Những năm gần đây người ta cúng kiếng nhiều nên người dân chốn “ngân hàng địa phủ” làm không hết việc.

Tháng giêng mùa lễ hội, xóm “ngân hàng” bận bịu hơn. Tại các con hẻm ở KP.1, KP.4, già trẻ lớn bé đều đua nhau làm những công việc như xếp giấy, gỡ bạc, trộn hồ, quét màu... Những căn phòng chật ních bởi người làm và vô thiên lủng những giấy to giấy nhỏ, bạc lớn bạc bé xếp chồng chất.

Khéo léo và nhanh nhẹn đặt những tấm bạc mỏng dính lên nền giấy trắng đục rồi quét hồ thoăn thoắt, bà Lê Thị Út (59 tuổi, ở KP.1) nói: “Ngày thường đủng đỉnh làm hơn một cây (mỗi cây hơn 3.000 tờ vàng mã), nhưng ngày lễ phải cố hơn hai cây để kịp cho các...cụ. Phải làm cẩn thận để các cụ có đồng tiền đồng bạc lành lặn, kẻo mang tội”. Bà Út thuộc thế hệ cao niên với gần 30 năm gắn bó với nghề.

Vào đầu những năm 1980, vợ chồng bà Út cùng hai đứa con gái từ Bạc Liêu lên Sài Gòn lập nghiệp, gặp được nghề vàng mã. Hai cô con gái chập chững phụ bóc bạc cho mẹ năm nào giờ một cô đã là cử nhân tin học, những lúc rảnh rỗi nhận hàng làm phụ mẹ; một cô tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, ra trường không làm cho ngân hàng “cõi dương” nào mà làm kế toán cho một công ty, rảnh rỗi thì tham gia công việc “ngân hàng địa phủ”, làm giấy tiền cho người cõi âm cùng mẹ và chị. Vợ chồng bà Út còn sinh thêm ba cô con gái nữa, 5-6 tuổi đã bắt đầu phụ mẹ và đến nay sáu mẹ con đã là những “cán bộ tín dụng” giỏi ở xứ sở “ngân hàng” này.

Với những nhà làm vàng mã, trẻ con 5-6 tuổi đã biết phụ giúp gia đình làm nghề. Chúng thoăn thoắt lăn, gỡ những mảnh bạc nhỏ hay nấu hồ hoặc nấu cơm, làm những việc vặt để phụ. Hai đứa con của chị Trần Thị Đào (đứa 14, đứa 17 tuổi) cũng có tuổi nghề gần bằng mẹ: 10 năm. Chị Đào tự hào: “Ở đây trò chơi điện tử, game online không đến với lũ trẻ vì chúng chẳng có thời gian. Các cháu có ý thức giúp đỡ gia đình sớm nên ở xóm này cũng hiếm đứa nào hư hỏng”.

Từ 6 tuổi, chị Phan Ngọc Tuyết, hiện là phó chủ tịch Hội LHPN P.14, đã làm vàng mã cùng mẹ và các anh chị em. Nhà chị đến mười anh chị em, ai cũng thạo nghề này. Chị vẫn luôn thầm cảm ơn nghề đã giúp gia đình chị vượt qua những khó khăn trong quá khứ, giúp anh em chị trưởng thành.

Nhưng điều chị Tuyết cảm động là chính nghề đã giúp nhiều người trong phường có việc làm, không lâm cảnh nhàn cư vi bất thiện. Chị Tuyết nói thời của chị những đứa trẻ cắm đầu cắm cổ phụ việc này cùng gia đình, chiều chiều ra sông tắm hoặc vui chơi một lúc, tối về chong đèn học. Bây giờ vẫn vậy. Cảnh tượng dễ thấy ở các khu phố sản xuất vàng mã là chiều chiều lũ trẻ kéo nhau đi đá bóng hoặc bơi sông sau những giây phút miệt mài phụ việc cùng mẹ, anh chị.

Cặm cụi vì chồng, con

“Chồng tôi nói nghề vàng mã chỉ dành cho đàn bà con gái nên ổng kiên trì với việc đạp xích lô mấy chục năm qua. Mẹ con tôi nhờ có nghề này nên cũng đỡ cực cho ổng” - bà Lê Thị Út cho biết. Ở P.14 có hơn 2.000 lao động làm nghề sản xuất tiền vàng này nhưng số đàn ông tham gia chỉ có ba người. Hai người trong số đó cũng vừa chuyển nghề. Người ta bảo đàn ông trong xóm không thèm làm nghề này.

Mà thật. Chồng chị Trần Thị Đào vừa thôi nghề đạp xích lô nhưng nhất quyết không phụ giúp vợ con làm việc này. Đến người vợ cũng không biết tại sao. “Ổng nhậu hoài, nói đến việc xếp giấy là lảng đi chỗ khác”, chị Đào cho biết. Cho nên những nhà làm nghề này kinh tế vững chãi thì đỡ, gặp lúc phải gánh thêm vài ba người thất nghiệp coi như làm bữa nào xào bữa đó.

Theo cách giải thích của ông Phạm Thành Hải, phó chủ tịch UBND P.14, đàn ông ở đây vốn thích xê dịch, có thể làm thợ hồ, đạp xích lô, chạy xe ba gác, miễn là những công việc gắn với sự đi lại. Còn việc làm vàng mã lại cần sự khéo léo, nhẹ nhàng, tỉ mẩn, không phù hợp với bàn tay đàn ông bởi mảnh giấy bạc mỏng dính vậy, nếu làm 10 tờ mà rách mất ba xem như làm không công. “Nói gì thì nói, dân có nghề nghiệp thì tệ nạn xã hội giảm, đó là điều chúng tôi thấy an tâm”- ông Hải nói.

Nghề coi nhẹ nhàng vậy nhưng không phải vậy. Chị Phan Ngọc Tuyết tâm sự lòng mình bao giờ cũng có chút gì xót xa khi thấy hầu hết phụ nữ làm nghề vàng mã đều có sống lưng không bình thường. Trong một lần ngành y tế về phường kiểm tra sức khỏe cho chị em, mới hay 100% phụ nữ theo nghề này đều bị đau lưng mà chính là do họ ngồi nhiều quên mất mình có bệnh.

Dầu vậy, các bà các chị vẫn không nề hà. Phía sau các chị, các bà còn có các em, các con cần được đến trường.

HOÀNG NGUYÊN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên