13/07/2016 08:30 GMT+7

Xử lý việc tháo dỡ trái phép biệt thự cũ có giá trị

MAI HOA
MAI HOA

TTO - UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn chỉ đạo các cơ quan khẩn trương kiểm tra, xử lý đúng quy định pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị tự ý tháo dỡ các công trình biệt thự cũ có giá trị.

Ngôi biệt thự số 12 Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) mang kiến trúc Pháp bị đập bỏ vào đầu tháng 7-2016 - Ảnh: SANH TÀI
Biệt thự số 12 Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) mang kiến trúc Pháp bị đập bỏ vào đầu tháng 7-2016 - Ảnh: SANH TÀI

Liên quan đến việc tháo dỡ trái phép các biệt thự cũ có giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử tại số 237 Nơ Trang Long (P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và số 12 Lý Tự Trọng (P.Bến Nghé, Q.1), UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn chỉ đạo các cơ quan khẩn trương kiểm tra, đề xuất xử lý kiên quyết, đúng quy định pháp luật đối với các cá nhân và đơn vị tự ý tháo dỡ các công trình biệt thự cũ có giá trị, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển phối hợp với các cơ quan hoàn chỉnh dự thảo “Tiêu chí đánh giá và phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn TP” và “Quy định quản lý công trình xây dựng trên các khu đất biệt thự cũ không thuộc nhóm bảo tồn”, trình UBND TP ban hành gấp để có cơ sở xem xét, giải quyết nhanh việc cho phép tháo dỡ và cấp phép xây dựng cho người dân (đối với các biệt thự không có giá trị bảo tồn).

Ngày 13-5-2015, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 2176 về thành lập hội đồng phân loại biệt thự và tổ kỹ thuật. Hội đồng phân loại biệt thự gồm 17 thành viên có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn tổ kỹ thuật trong việc xây dựng bộ tiêu chí phân loại biệt thự cũ và tiến hành phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn TP; thẩm định kết quả phân loại các biệt thự cũ do tổ kỹ thuật đề xuất trước khi trình UBND TP phê duyệt.

Tổ kỹ thuật gồm 12 thành viên có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại biệt thự cũ, trình hội đồng phân loại biệt thự quyết định; đồng thời tiến hành phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn TP. Các biệt thự cũ được chia thành hai loại: loại cần bảo tồn, phải giữ lại và loại không cần bảo tồn, cho phép tháo dỡ khi có nhu cầu.

Chiều 12-7, trả lời Tuổi Trẻ, ông Hoàng Minh Trí - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết bộ tiêu chí đánh giá và phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn TP hiện nay đã hoàn thành. Các sở ngành, chuyên gia đã góp ý về dự thảo bộ tiêu chí.

Ngày 1-7, dự thảo này được gửi qua Sở Tư pháp TP.HCM để thẩm định về trình tự, hình thức ban hành văn bản.

“Quá trình hoàn thiện bộ tiêu chí chậm là do TP chỉ đạo lấy ý kiến của Cục Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trước khi gửi cho Sở Tư pháp TP. Nếu không có vấn đề gì, Sở Tư pháp sẽ trình UBND TP để ký ban hành bộ tiêu chí này” - ông Trí cho biết.

Còn “Quy định quản lý công trình xây dựng trên các khu đất biệt thự cũ không thuộc nhóm bảo tồn” được UBND TP giao Sở Quy hoạch - kiến trúc xây dựng, hoàn thiện.

Tháng 12-2015, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - kiến trúc về việc tháo dỡ 17 biệt thự không còn là biệt thự gốc do đã bị phá bỏ, hiện chỉ là khu đất trống hoặc công trình khác và 12 biệt thự đã bị chia cắt, có nhiều chủ sở hữu với pháp lý sở hữu riêng trong khuôn viên biệt thự, bị xây dựng thêm hoặc sửa chữa chắp vá.

Các quận, huyện khi đó thống kê được khoảng 1.350 nhà cổ, biệt thự cổ, tập trung ở các quận 1, 3. Đáng chú ý, trong quá trình kiểm kê, phát hiện tình trạng một số căn “biến mất” do bị tháo dỡ để xây công trình mới.

Tới chiều 12-7, lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc cho biết quy định này sở vẫn đang tiếp tục làm.

Phải quản lý chặt chẽ các công trình có nguồn gốc biệt thự cũ

TP chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện có biện pháp chấn chỉnh, phải quản lý chặt chẽ các công trình có nguồn gốc biệt thự cũ nhằm tránh trường hợp chủ đầu tư tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự trái pháp luật. Nếu để dắt dây, xảy ra các trường hợp tương tự nêu trên, thủ trưởng các cơ quan liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm.

Theo UBND TP.HCM, vào tháng 12-2015, sau đó là tháng 5-2016, TP có ý kiến chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ các công trình có nguồn gốc biệt thự cũ, nhằm tránh trường hợp chủ đầu tư tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự trái pháp luật.

Tuy nhiên, các cơ quan liên quan vẫn để xảy ra sự cố đáng tiếc như phản ánh của các báo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên