Tất cả mọi người phải chống tham nhũng
Phóng to |
Ông Phạm Anh Tuấn - Ảnh: V.Dũng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn - phó chánh văn phòng thường trực ban chỉ đạo - cho biết:
- Việc kiểm tra, giám sát này được thực hiện theo tinh thần nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và kế hoạch số 08 của Bộ Chính trị về thực hiện nghị quyết. Các đoàn công tác do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra trung ương, Đảng ủy công an trung ương, Ban cán sự Đảng TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Thanh tra Chính phủ... Dự kiến thành lập ba đoàn công tác: một là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; hai là kiểm tra, giám sát hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng ở cấp trung ương; ba là kiểm tra, giám sát hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng ở địa phương.
* Qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện có vấn đề nào đó trong quá trình thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
- Nếu thấy rằng làm tốt thì chỉ đạo đẩy nhanh lên, còn đương nhiên nếu phát hiện việc bỏ sót, bỏ lọt, làm sai, chậm tiến độ và thậm chí tiêu cực thì phải xử lý ngay. Các đoàn công tác lần này có đầy đủ thẩm quyền để chỉ đạo các vấn đề liên quan. Quá trình kiểm tra, giám sát sẽ tùy theo mức độ sai phạm được phát hiện (nếu có) để xử lý. Ví dụ nếu phát hiện các trường hợp như cố tình “dìm” hồ sơ, trường hợp đáng khởi tố thì không khởi tố hoặc khởi tố rồi nhưng đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án sai quy định, xét xử không đúng pháp luật... nói chung là tất cả sai sót, vi phạm trong lĩnh vực thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nếu được phát hiện thì sẽ có chỉ đạo xử lý nghiêm minh.
* Vừa qua dư luận băn khoăn về tình trạng tỉ lệ án treo nhiều trong xét xử các vụ án tham nhũng. Vấn đề này có đặt ra trong kiểm tra, giám sát lần này?
- Trước hết, phải khẳng định việc cho hưởng án treo không thể tùy tiện, phải theo đúng quy định pháp luật về những điều kiện được hưởng án treo. Vừa qua, về cơ bản một số bị cáo trong một số vụ án tham nhũng được cho hưởng án treo là có vận dụng các điều kiện pháp luật quy định về cho hưởng án treo. Tuy nhiên, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, cần hạn chế việc cho hưởng án treo để đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Ngoài ra, chúng ta hình dung bối cảnh chung án tham nhũng là những vụ án phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi chứ không như một số loại vụ án hình sự khác. Hành vi tham nhũng thường rất kín đáo, nhiều khi chỉ là quan hệ giữa hai người với nhau, ví dụ như đưa và nhận hối lộ thì rất khó bắt quả tang. Hơn nữa chủ thể của hành vi tham nhũng phải là những người có chức vụ, quyền hạn, có quan hệ, có trình độ nên việc phát hiện, xử lý là không dễ. Quá trình vừa qua nhiều ý kiến cho rằng: thứ nhất, việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng chưa tương xứng với tình hình (nhận xét này khó định lượng nên dễ đưa đến cảm nhận như vậy); thứ hai, tỉ lệ cho hưởng án treo còn cao; thứ ba, án tham nhũng thường bị kéo dài. Ở đây có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý án tham nhũng bị chậm là công tác giám định (trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng...) chưa theo kịp tình hình, mà có những vụ việc nếu thiếu giám định thì không kết luận điều tra được. Về việc này đã có chủ trương xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các hội đồng giám định đặc thù nhằm phục vụ yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng.
* Những loại vụ việc, vụ án tham nhũng như thế nào sẽ được đưa vào diện kiểm tra, giám sát. Liệu những vụ việc được dư luận quan tâm thời gian qua và đã được xử lý theo quy định pháp luật ở các mức độ khác nhau rồi, ví dụ như PMU18... thì có được xem xét lại?
- Về nguyên tắc không hạn chế thời gian, nhưng trước hết là kiểm tra, giám sát để chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài mà Ban Chỉ đạo trung ương đang theo dõi, chỉ đạo xử lý và cả những vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra ở các địa phương được dư luận quan tâm. Đối với những vụ đã xong, xét xử bản án có hiệu lực rồi nhưng quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện làm sai thì vẫn có thể yêu cầu làm lại. Việc này Thủ tướng Chính phủ (trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng) đã chỉ đạo là kể cả những vụ việc, vụ án nếu phát hiện xử lý sai cũng sẽ xem xét lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận