11/03/2024 10:14 GMT+7

Xử lý mạnh, ngăn chặn nhận hối lộ

Thời gian qua một loạt bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc nhận hối lộ. Các vụ hối lộ đặc biệt lớn và liên tiếp lập "kỷ lục" về số tiền gây nhức nhối xã hội.

Chiều 8-3, lực lượng công an chốt chặn ở khu vực ngã tư Phố Chiến - Đội Cấn (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - nơi có nhà riêng của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan. Sau đó có thông tin bà Lan bị bắt - Ảnh: ANH KHÔI

Chiều 8-3, lực lượng công an chốt chặn ở khu vực ngã tư Phố Chiến - Đội Cấn (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - nơi có nhà riêng của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan. Sau đó có thông tin bà Lan bị bắt - Ảnh: ANH KHÔI

Vậy làm gì để ngăn chặn nạn hối lộ, để các quan chức "tai to mặt lớn" khi nhìn thấy khối tiền bất minh trước mặt thì biết sợ, không dám cầm? Tuổi Trẻ đã có cuộc gặp gỡ với PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này.

Xử lý mạnh, ngăn chặn nhận hối lộ- Ảnh 2.

Ông Phúc nói: Không chỉ tôi mà bất cứ đảng viên chân chính nào cũng cảm thấy rất buồn, đau xót khi thời gian qua phải chứng kiến việc nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật Đảng, xử lý hình sự.

Mới đây nhất là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và trước đó là bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, chủ tịch tỉnh An Giang bị công an khởi tố, bắt tạm giam vì theo điều tra ban đầu xác định liên quan tham nhũng, tiêu cực.

Qua việc xử lý này tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ, không vùng cấm, không có ngoại lệ. Bất cứ người nào vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, tùy vào mức độ đều bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm minh trong thời gian qua với các trường hợp cho thấy sự thực thi, vào cuộc chỉ đạo hiệu quả của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng bí thư.

Đây là dấu hiệu, xu hướng rất tích cực và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, không khoan nhượng. Từ đó làm trong sạch bộ máy của Đảng, hệ thống chính trị và đáp ứng nguyện vọng của đảng viên chân chính, nhân dân.

Phải có biện pháp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, "tuýt còi" từ sớm, từ xa các sai phạm. Còn khi đã vi phạm rồi là điều buộc phải xử lý.
Ông NGUYỄN TRỌNG PHÚC

Xử lý nghiêm quan chức đương chức vi phạm

* Ông suy nghĩ gì khi phải nghe những tin cả bí thư, chủ tịch tỉnh này tỉnh kia bị khởi tố, bắt tạm giam về các hành vi liên quan tham nhũng, tiêu cực, cụ thể là nhận hối lộ?

- Điều này thể hiện rõ quyết tâm và sự quyết liệt, mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy. Nhưng đây là dấu hiệu đáng buồn khi trong hàng ngũ của chúng ta, nhất là lãnh đạo chủ chốt ở một số địa phương, đã có những vi phạm rất nghiêm trọng.

Một số tỉnh như An Giang, Quảng Ngãi là chủ tịch tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam nhưng Lâm Đồng và Vĩnh Phúc thì cả bí thư cùng chủ tịch tỉnh đều bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc ban đầu của cơ quan công an có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, cả bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đều bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Chưa kể bí thư Vĩnh Phúc và Lâm Đồng đều là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan còn là ủy viên Trung ương Đảng ở khóa thứ 2.

Là người nghiên cứu về Đảng nhiều năm, tôi thấy rõ có lẽ chưa có nhiệm kỳ nào trong lịch sử Đảng, dù chưa hết nhiệm kỳ nhưng đã phải kỷ luật, xử lý cán bộ cao cấp và cán bộ trong Trung ương nhiều đến như vậy.

Qua việc xử lý này, có lẽ các cơ quan có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước cần phải có sự suy nghĩ nghiêm túc, nhìn nhận lại về việc lựa chọn, quản lý cán bộ, nhất là kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chính mỗi cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là những người bị xử lý hình sự, có lẽ chính bản thân cũng cần phải suy nghĩ lại rất nghiêm túc xem sai phạm của họ đã làm ảnh hưởng như thế nào với uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm với nhân dân, địa phương, ngành, lĩnh vực được giao nhiệm vụ.

Ngoài việc xử lý nghiêm minh cũng cần thiết có biện pháp nào đó như yêu cầu họ phải sám hối để thấy rõ những vi phạm rất nghiêm trọng của mình. Bởi chúng ta đã xử lý rất nghiêm minh ở nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này nhưng vẫn có những cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền tiếp tục lao vào vi phạm.

* Gần đây đương kim bí thư và chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng hay chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi... đều bị khởi tố, bắt tạm giam cho thấy điều gì?

- Trước đây chúng ta hay thấy khi cán bộ, quan chức nghỉ chức vụ, nghỉ hưu thì ung dung hưởng thụ những thứ vơ vét được rồi mới phát hiện vi phạm và xử lý. Nhưng hiện nay, với sự quyết liệt của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy những bước chuyển mạnh mẽ. Nhất là trong vài năm gần đây đã phát hiện, xử lý kịp thời rất nhiều cán bộ, quan chức đương chức kể cả trung ương, địa phương chứ không phải đến lúc "hạ cánh" rồi mới khui ra.

Đây là điều rất cần thiết và sắp tới phải làm mạnh mẽ việc này hơn nữa để xử lý kịp thời các cán bộ, quan chức sai phạm. Những quan chức đương chức, đương quyền mà hư hỏng, phá hoại như vậy sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với những người đã rút lui. Đồng thời việc xử lý quyết liệt, nghiêm minh như vậy thể hiện ý nghĩa cao hơn, mạnh mẽ hơn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua việc xử lý này gióng lên tiếng chuông, lời cảnh tỉnh sâu sắc với đội ngũ cán bộ, quan chức hiện nay là dù ở cấp cao, trung ương hay địa phương, nếu có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc ngay chứ không phải chờ đến lúc về hưu, nghỉ rồi mới xử lý.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Kiểm soát quyền lực, ngăn "ông vua con"

* Trước đây, các vi phạm của quan chức thường ở hành vi cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ quyền hạn... Nhưng các trường hợp gần đây như bí thư và chủ tịch Vĩnh Phúc, chủ tịch Quảng Ngãi đều bị khởi tố về tội nhận hối lộ.

- Nhận hối lộ, tham nhũng là điều tệ hại nhất của đạo đức, tức là lợi dụng chức vụ và quyền lực để bắt người khác phải hối lộ mình, nhận tiền của người ta, sống bằng đồng tiền không phải do mình lao động, cống hiến mà có. Việc phát hiện ra rất nhiều cán bộ nhận hối lộ, thậm chí nhận rất nhiều tiền như ở vụ chuyến bay giải cứu hay trưởng đoàn thanh tra ở vụ Vạn Thịnh Phát nhận đến 5,2 triệu USD... cho thấy sự rất nghiêm trọng, thoái hóa, biến chất, sa đọa của một bộ phận cán bộ, quan chức.

Cùng với đó, việc khởi tố lãnh đạo đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc, chủ tịch Quảng Ngãi cùng về tội nhận hối lộ tiếp tục cho thấy sự phức tạp trong mối quan hệ giữa người đứng đầu chính quyền các địa phương này với doanh nghiệp tư nhân bên ngoài mà cụ thể ở đây là Tập đoàn Phúc Sơn.

Trước đó là vụ Việt Á hay chuyến bay giải cứu cũng như vậy. Thực tế câu chuyện lợi ích nhóm giữa cán bộ và doanh nghiệp tư nhân đã được cảnh cáo từ lâu, nhưng thời gian qua càng cho thấy rõ. Rõ ràng ở đây đã có dấu hiệu hình thành nên các nhóm lợi ích rất lớn. Do vậy cần tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đồng thời trong việc quản lý của Đảng thời gian tới cần nhìn nhận hết sức nghiêm túc mới có thể xử lý triệt để được.

* Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai từng đặt câu hỏi về việc vừa qua dù chống tham nhũng quyết liệt nhưng có phải cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy nên còn xảy ra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp? Qua xử lý ở Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... có phải do cán bộ quá tham hay không biết sợ, hay vẫn còn những kẽ hở?

- Ở đây cần thấy tất cả cán bộ, đảng viên mà có chức có quyền ngay từ cấp phường, xã, huyện, tỉnh, chưa nói đến trung ương, chỉ cần hưởng đúng chế độ của Nhà nước thì cũng không thiếu thốn gì. Với bí thư hay chủ tịch tỉnh thì chắc chắn càng không thiếu.

Thời gian vừa qua chúng ta cũng đã xử lý rất quyết liệt, rất nghiêm minh, kể cả ở cấp rất cao. Thế nhưng nhiều quan chức vẫn tham lam, vơ vét, trục lợi. Có phải đồng tiền đã đứng trên tất cả danh dự, đạo đức, nhân phẩm... làm mờ mắt họ. Đó là điều rất đáng phải suy nghĩ và có giải pháp triệt để.

Ở đây, theo tôi, cần các giải pháp từ hai phía. Trong đó phải quản lý, kiểm soát tốt mọi động tĩnh của cán bộ, quan chức. Ví dụ trung ương quản lý cán bộ nào phải nắm chắc người đó đang làm gì hay các cấp ủy quản lý cán bộ nào cũng phải nắm kỹ. Đồng thời tiếp tục xử lý nghiêm minh các vi phạm, không có vùng cấm. Khi quản lý, kiểm soát tốt sẽ giúp hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Cùng với đó chính mỗi cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện tu dưỡng mình, phải lấy những việc xử lý quan chức thời gian qua làm bài học cho mình để không mắc phải. Đồng thời, như Tổng bí thư nhiều lần nhắc nhở, mỗi người phải tự đề cao danh dự, liêm sỉ của bản thân, nhất là người đảng viên. Thực tế nếu quản lý tốt nhưng họ vẫn bất chấp tất cả để tha hóa, biến chất thì rất khó. Do vậy phải có sự phối hợp cả hai mới mong hạn chế được.

* Qua việc xử lý nghiêm minh vừa qua, theo ông, bài học quan trọng nhất cần rút ra là gì?

- Qua việc xử lý ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Lâm Đồng... là bài học lớn về lựa chọn cán bộ. Có thể lúc lựa chọn các cán bộ này vào Trung ương, vị trí người lãnh đạo thì họ có đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng. Nhưng đứng trước quyền lực thì họ đã tha hóa và bản thân đồng tiền đã chi phối, làm mờ mắt họ, khiến họ trở thành người xấu xa.

Vì vậy các cơ quan có thẩm quyền cần suy nghĩ nghiêm túc lại về quy trình, các bước lựa chọn cán bộ cần thực hiện như thế nào để có thể chọn được chính xác, đúng, trúng cán bộ uy tín, đủ đức lẫn tài chuẩn bị cho Đại hội XIV sắp tới.

Sau khi lựa chọn rồi thì việc giáo dục, quản lý cán bộ thế nào cũng là điều cần phải đánh giá, xem xét thật kỹ. Nhiều ý kiến cho rằng việc giáo dục, quản lý với đảng viên thường thì không sao nhưng có lẽ với đảng viên có chức có quyền hiện nay vẫn còn chưa đạt yêu cầu.

Vì vậy có nơi, có khi họ tự biến mình thành lớp "đảng viên, cán bộ đặc biệt", thậm chí như Tổng bí thư đã có lần nói có nơi cán bộ "như ông vua con" bất chấp các quy định của Đảng, Nhà nước. Do đó phải có biện pháp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, "tuýt còi" từ sớm, từ xa các sai phạm. Còn khi đã vi phạm rồi là điều buộc phải xử lý.

Từng rao giảng về chống tham nhũng nhưng lại nhận hối lộ

Xử lý mạnh, ngăn chặn nhận hối lộ- Ảnh 6.

Ở Vĩnh Phúc hay Lâm Đồng đều là hai lãnh đạo đứng đầu tỉnh, còn Quảng Ngãi là chủ tịch tỉnh - đứng đầu chính quyền. Trong đó, bí thư tỉnh ủy còn là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Những cán bộ, lãnh đạo này từng thường xuyên đứng trên bục ở địa phương rao giảng đạo đức, rao giảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng thực tế lại tha hóa, biến chất, tham lam, tham nhũng, tiêu cực.

Như cả bí thư và chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đều bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ. Đây là điều rất đáng suy ngẫm, nhìn nhận thấu đáo và phải có biện pháp thực chất để xử lý, ngăn chặn.

Ông Nguyễn Trọng Phúc

* Đại biểu Quốc hội VŨ TRỌNG KIM (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam): Cán bộ còn ý đồ tham nhũng hãy dừng lại ngay

Xử lý mạnh, ngăn chặn nhận hối lộ- Ảnh 7.

Qua việc xử lý hình sự cả đương kim bí thư, chủ tịch ở Lâm Đồng hay mới đây là Vĩnh Phúc, chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cho thấy sự việc rất đáng tiếc.

Nhưng rõ ràng với những cáo buộc sai phạm rất nghiêm trọng của họ thì việc xử lý là điều cần phải làm và thời gian tới cần làm mạnh hơn nữa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh vi phạm dù đó là ai, ở cương vị nào.

Từ những vụ việc được phát giác vừa qua cho thấy có những cán bộ, lãnh đạo cấp cao, đứng đầu địa phương nhưng rõ ràng nhận thức về vai trò, trách nhiệm quá kém.

Quan trọng hơn là việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức của họ quá thấp. Hằng ngày họ là những người đứng đầu tỉnh, đứng trên bục rao giảng, quán triệt về phẩm chất đạo đức, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho người khác. Nhưng cuối cùng chính họ lại là người vi phạm rất nghiêm trọng về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Nếu họ vi phạm về làm trái, sai sót trong công tác thì còn đổ cho cái này cái khác nhưng như bí thư, chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đều bị bắt về hành vi nhận hối lộ. Với sai phạm này là do chính bản thân họ đã không giữ được mình và câu kết với doanh nghiệp bên ngoài để "ăn đêm, ăn trong bóng tối".

Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vừa qua chính là tiếng chuông thức tỉnh cho những cán bộ nào còn có ý đồ tham nhũng, tiêu cực thì hãy dừng ngay lại đi.

* Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật): Cần kiểm soát quyền lực người đứng đầu

Xử lý mạnh, ngăn chặn nhận hối lộ- Ảnh 8.

Việc các quan chức lãnh đạo các bộ và gần đây tiếp tục là bí thư, chủ tịch một số tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam về các hành vi tham nhũng, tiêu cực rõ ràng là rất nghiêm trọng.

Các bí thư, chủ tịch tỉnh như ở Lâm Đồng, Vĩnh Phúc bị xử lý hình sự vừa qua đều là những người thường xuyên đứng trên bục kêu gọi cán bộ, đảng viên thuộc quyền của mình phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Song chính bản thân họ nếu như cáo buộc thì đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dối trên dối dưới, vi phạm chính những điều họ hô hào chống.

Cùng với đó, qua việc bắt bí thư và chủ tịch Vĩnh Phúc, chủ tịch Quảng Ngãi tiếp tục cho thấy có bóng dáng của doanh nghiệp đứng phía sau. Qua đây cũng cho thấy ngoài việc tham chức quyền thì có lẽ chính sức mạnh của đồng tiền đã làm mờ mắt một số cán bộ lãnh đạo, thậm chí người đứng đầu các ngành và địa phương.

Do vậy thời gian tới, cùng với việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, cần có giải pháp mạnh mẽ để có thể kiểm soát quyền lực của các cán bộ, nhất là người đứng đầu. Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, lãnh đạo.

Bắt bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy ThànhBắt bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam để làm rõ những sai phạm trong vụ án liên quan đến chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (biệt danh Hậu Pháo).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên