04/11/2006 10:07 GMT+7

Xóa nhà tranh tre dột nát ở Hà Tĩnh: Phía sau bản thành tích

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TTCT - Năm 2003, tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban trung ương MTTQVN và Bộ LĐ-TB&XH đánh giá là một trong ba tỉnh (cùng với Tuyên Quang, Hải Dương) dẫn đầu cả nước về phong trào xóa nhà tranh tre dột nát cho hàng vạn hộ nghèo.

KCyXaxdC.jpgPhóng to
Nhà cụ Tùy và túp lều nát
TTCT - Năm 2003, tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban trung ương MTTQVN và Bộ LĐ-TB&XH đánh giá là một trong ba tỉnh (cùng với Tuyên Quang, Hải Dương) dẫn đầu cả nước về phong trào xóa nhà tranh tre dột nát cho hàng vạn hộ nghèo.

Theo đơn thư phản ảnh, chúng tôi tiếp cận một số làng của ba huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn (Hà Tĩnh) và xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - những địa phương được đánh giá “đã xóa sổ 100% nhà tranh tre dột nát, ưu tiên cho những gia đình thương binh, liệt sĩ và hộ neo đơn”. Thực tế ở đây vẫn còn hàng ngàn căn nhà tranh tre, trong đó có những thương binh, bà mẹ liệt sĩ đang cam phận sống dưới những mái tranh tàn.

Dưới những mái tranh tàn

aiFAYUmq.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Sĩ Thiện: “Họ nói xóa nhà tranh tre dột nát cho thương binh là nói cho có thôi chứ làm gì thấy”
Cách cầu Già trên quốc lộ 1A khoảng 300m, rẽ vào xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, tôi sững sờ khi nhìn thấy túp lều “ổ chuột” nằm sát con đường đất vào xóm 5. Vừa lúc cụ Nguyễn Vân đi từ trong làng ra, bảo:

- Nhà báo về quay phim, chụp ảnh nhiều lần rồi mà cái lều của bà cụ thương binh Nguyễn Thị Tùy vẫn còn trơ trơ dưới mưa nắng.

Tôi hỏi:

- Phong trào xóa nhà tranh tre dột nát của huyện Can Lộc đứng nhất nhì tỉnh mà sao còn sót lại nhiều nhà, trong đó có cái lều của cụ Tùy?

Cụ Vân buồn bã nói:

“Cuộc vận động xóa nhà tranh tre dột nát của tỉnh Hà Tĩnh được phát động trong năm năm (2001-2005). Đây là nhiệm vụ quan trọng của nghị quyết Đảng bộ Hà Tĩnh nhiệm kỳ XV nhằm phấn đấu đến năm 2005 (cơ bản hoàn thành trong năm 2003) giúp hộ đói nghèo (ưu tiên gia đình thương binh, liệt sĩ) xóa hết nhà tranh tre dột nát. Phương thức cuộc vận động là huy động nội lực toàn dân, các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp và trích ngân sách của tỉnh để hỗ trợ. Toàn tỉnh đã huy động gần 60 tỉ đồng (trong đó có 4 tỉ đồng trích từ quĩ “Vì người nghèo” của tỉnh) và hàng vạn ngày công lao động cùng nhiều loại nguyên vật liệu trị giá hàng tỉ đồng. Kết quả đã xóa được 11.533 nhà tranh tre dột nát. Riêng huyện Thạch Hà đã huy động gần 15 tỉ đồng, hoàn thành việc xóa nhà tranh tre dột nát cho các hộ đói nghèo trên địa bàn huyện vào tháng 7-2003. Huyện Can Lộc đã xây dựng được 1.240 căn nhà mới và là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh hoàn thành ngói hóa toàn bộ nhà ở cho nhân dân trong huyện”.

(Trích báo cáo tổng kết cuộc vận động xóa nhà tranh tre dột nát của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ngày 18-9-2003)

- Chú nghe họ báo cáo thành tích mần chi. Bà Tùy bị bom đánh đứt ba ngón tay, đứt bảy khúc ruột hồi đi làm thủy lợi ngoài cầu Già, tưởng chết từ năm 1968. Dịp đó hai căn nhà tranh của bà trên nền đất này cũng bị bom đánh nát. Từ năm đó đến nay bà cụ được hưởng chế độ thương binh nhưng vẫn sống đơn côi trong túp lều.

Chồng mất sớm, tuổi già, bà Tùy lúc ở với hai con gái, lúc về lại túp lều nát. Trong túp lều chỉ vừa chỗ đặt một chiếc giường mộc, một cái ghế (đó cũng là tài sản duy nhất của đời bà). Bà nói với tôi từng tiếng một:

- Tôi già rồi, không mơ nhà cao cửa rộng mà chỉ ước một gian nhà nhỏ để sau này con cháu có nơi thờ phụng.

Rời Tiến Lộc, đi thêm 30km tới xóm 7, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà. Thấy tôi chụp ảnh những túp nhà tranh vách đất, nhiều người dân đến nói:

- Riêng xóm 7 còn 25 nhà cỡ đó. Cứ sau một trận bão những nhà này lại dột nát thêm. Bà con sống khổ lắm, không như báo cáo của huyện, tỉnh chú à.

Cách Thạch Bàn một cánh đồng khoai, lúa là xóm Đồng Lạc, xã Thạch Lạc. Trong mái nhà tranh, tôi lại nghe ông Trần Quốc Tuấn đọc tên mười chủ hộ gia đình thuộc xóm Đồng Lạc đang trú ngụ trong mười túp lều mái cọ rách nát như gia đình ông. Ông Tuấn bảo:

- Tôi cũng nghe đài phát thanh huyện và truyền hình tỉnh ca ngợi phong trào ngói hóa của huyện Thạch Hà từ lâu rồi nhưng hiện xã này vẫn còn nhiều nhà tranh tre dột nát lắm, tội nhất là gia cảnh anh Thiện thương binh.

Dưới mái tranh tàn, anh Thiện đang lúi húi lắp đồ vào chiếc xe đạp cộc để thồ phân ra ruộng. Tôi đến gần, anh mới biết nhà có khách vì “mắt khi mờ khi tỏ, còn cái lưng thì đau liên miên do hai mảnh đạn còn găm dọc xương sống”. Hỏi chuyện vì sao nhà anh không được ngói hóa theo diện ưu tiên, anh thẫn thờ:

- Tôi cũng nghe họ nói vậy nhưng có thấy gì đâu. Nhà dột nát quá, tôi mới vay tiền bà con trong xóm lợp lên mấy tấm fibroximăng. Còn những cái cột nối đang mọt thì chưa thay thế được.

Đơn côi mẹ Đương

Dwr1RPxp.jpgPhóng to
Mẹ Đương côi cút 38 năm chờ con
Hễ thấy bất cứ người nào vào là cụ Thái Thị Đương (83 tuổi, ở xóm 12, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn) nhổm người dậy khỏi giường bệnh, hỏi ngay: “Có giấy báo tử rồi hả?”. 38 năm rồi bà mẹ liệt sĩ này vẫn sống trong túp lều nát và mơ được nhìn thấy “tờ báo tử của thằng Sửu thì nhắm mắt mới yên được”.

Anh Nguyễn Sửu - con trai bà Đương - nhập ngũ tháng 7-1967 thuộc đơn vị độc lập 4011 của Bộ Quốc phòng, hi sinh cùng 37 chiến sĩ khác khi đang trên đường hành quân ở chiến trường Hạ Lào năm 1968. Mặc dù nhiều đồng đội cùng đơn vị của anh sống sót sau trận bom năm 1968 đã viết giấy cam đoan, chứng nhận anh Sửu đã hi sinh nhưng bà Đương làm đơn gửi nhiều cấp, ngành trong nhiều năm vẫn không có cơ quan nào cho giấy báo tử. Chồng bà phẫn uất rồi qua đời, để bà sống trong túp lều đơn côi.

Trưa 31-10, bà Đương vừa thở dốc trên giường bệnh vừa nói với tôi:

- Tôi mong con mà không thấy con về. Tôi chờ giấy báo tử nhưng không thấy giấy đâu, còn mơ chi ngói hóa hả chú?

Cái nhà “nạng” và sáu anh em con côi

“Tôi biết họ làm một nhưng báo cáo mười. Cái sâu xa, khó nhìn thấy ngay là nạn chạy chức, chạy quyền sau những bản thành tích ấy”.

Ông Nguyễn Bân (nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Hà Tĩnh)

“Mỗi năm tôi đi điền giã ba tháng. Đi về xóm nào cũng thấy nhà tranh tre dột nát. Xóm ít có vài ba nhà. Xóm nhiều còn hơn chục nhà. Như vậy mà họ vẫn báo cáo đã xóa hết nhà tranh. Cán bộ bây giờ cố tình không hiểu dân sống như thế nào, mong muốn những gì”.

Ông Thái Kim Đỉnh (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà địa phương học Hà Tĩnh)

Trên nền đất cũ tốt um cỏ dại nằm khuất sau những đồi mía, cái nhà “nạng” (nhà làm bằng những cây cột xoan đâu có nạng để chống đỡ lẫn nhau) mà em Nguyễn Duy Võ - học sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Thắng (hiện trú tại xóm 5 Đồng Tâm, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) - thay mặt sáu anh em mồ côi kể trong lá đơn xin làm nhà tình thương, nay “đã được bán cho người ta làm củi với giá 150.000 đồng sau khi bố mẹ qua đời cuối năm 1997”. Bà cụ Đặng Thị Hẻo - bà nội của sáu anh em mồ côi, năm nay đã 76 tuổi - mắt mờ, tai lảng, bước lẫm chẫm tới chiếc bàn mộc trong căn nhà cấp bốn nghèo nàn, kể:

- Năm 1997, mẹ của bọn trẻ đang mang thai đứa con thứ sáu thì bị bệnh tim, không tiền mua thuốc nên đã qua đời sau khi sinh con được ba tháng. Cha bọn trẻ choáng váng trước cảnh gà trống nuôi con nhưng cũng cầm cự được đúng 100 ngày sau khi vợ mất rồi thắt cổ chết.

Bà Hẻo hỏi:

- Xem tivi, tôi nghe nói nhiều đến chuyện xóa nhà tranh tre dột nát, làm nhà tình thương cho trẻ mồ côi, sao các cháu tôi không còn nhà mà không thấy xóm, xã dựng cho một chút nhà chú nhỉ?

Thờ chồng dưới mái nhà dột

H4gpCaot.jpgPhóng to
Bà Nguyệt trong căn nhà dột mái
Đi qua bản Ổ Gà của bà con dân tộc Thanh, tôi tới nhà bà Hồ Thị Nguyệt ở xóm 2, xã Quyết Thắng. Bà Nguyệt 52 tuổi nhưng đã 28 năm thờ người chồng liệt sĩ. Một nách hai con và chỉ có mươi thước đất ruộng cạn. Năm 1978 khi bà nhận giấy báo tử người chồng cũng là năm cơn bão ập đến xô đổ ba bức nhà phên đất. Sau đó, mẹ con dồn sức gia cố kiểu gì rồi ba phía tường cũng nứt. Một năm sau, bà mắc bệnh thần kinh.

Chiều tối 27-10 trời mưa như trút, tôi thấy bà Nguyệt đang ngồi ôm đứa cháu nội, ngước nhìn đăm đăm lên tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trên bức tường nứt, dưới mái nhà đang nhỏ nước tong tong xuống hai cái chậu tôn. Bà bảo:

- Tôi thờ chồng cảnh này quen rồi. Càng ngày nhà càng yếu nhưng vì gia cảnh nghèo hèn nên tôi không dám vay tiền ngân hàng, bởi một lần tôi làm đơn xin xã hỗ trợ để đảo lại mái nhà cho đỡ dột nhưng không nghe xã nói gì. Ngày nắng thì đỡ sợ, ngày mưa hễ nghe gió quất mạnh là bà cháu phải chạy ra ngoài trời lánh nạn.

QVBCRHXf.jpgPhóng to

“Tôi bất ngờ!”

9dNJLtpK.jpgPhóng to
Sáng 1-11, PV Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chất - chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - xung quanh báo cáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh về kết quả cuộc vận động xóa nhà tranh tre dột nát năm 2003.

* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả phong trào xóa nhà tranh tre dột nát cho hộ đói nghèo mà đối tượng ưu tiên là gia đình thương binh, liệt sĩ của tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2001-2003?

- Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đối tượng gia đình chính sách rồi đến các hộ neo đơn. Thạch Hà và Can Lộc là hai huyện làm tốt nhất tỉnh.

* Sau trường hợp thương tâm của bà cụ thương binh Nguyễn Thị Tùy ở xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc và gia đình anh Nguyễn Sĩ Thiện ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, thực tế ở Thạch Hà cho thấy hiện còn hơn 1.000 nhà tranh tre dột nát chưa được ngói hóa. Ông nghĩ gì về tồn tại không có trong báo cáo?

- Tôi thật sự bất ngờ. (Vừa nói xong ông Chất lấy điện thoại di động gọi ngay cho ông Đường - bí thư Huyện ủy Can Lộc). Nếu quả thật các huyện đang còn nhiều nhà tranh tre như vậy, chứng tỏ cấp dưới báo cáo láo lên cấp trên. Từ đó tỉnh báo cáo lên trung ương. Thái độ làm việc như vậy là quá đáng. Tôi sẽ kiểm tra và có thái độ kiên quyết vì đây không những biểu hiện ý thức kém mà còn là đạo đức.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên