29/09/2019 12:15 GMT+7

Xin đừng trách trẻ con!

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - "Thứ con nhà mất nết, gặp bố không chào, gặp bác không hỏi, mắt cứ trợn ngược như mắt mèo. Đẻ ra cái thứ ấy làm gì..." - những lời sỉ vả không ngớt ném về phía cậu bé 15 tuổi đang ngồi trong phòng xử của tòa án.

Xin đừng trách trẻ con! - Ảnh 1.

Xin đừng trách trẻ con vì trong vụ việc này trẻ con là người chịu tổn thương nhiều nhất.

Là trẻ chưa thành niên nên lẽ ra cậu không được phép có mặt ở đây - trong phòng xử phiên tòa ly hôn của chính bố mẹ mình. Nhưng vì "sợ mẹ bị bố và bên nội ăn hiếp" mà cậu đến tòa, để rồi phải hứng chịu những lời đay nghiến từ người chú ruột.

Nghĩa tình đã cạn

Phiên xét xử ly hôn của bố mẹ cậu bé được Tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM mở trong hai ngày đầu tháng 8 và đầu tháng 9.

Cậu sinh ra trong một gia đình đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì. Bố mẹ cậu có xưởng sản xuất quần áo. Làm ăn gặp thời, họ xây được căn nhà 4 tầng ngay trung tâm quận Tân Phú và có nhiều nhà đất giá trị khác. Rồi mâu thuẫn nảy sinh. 

Ở tòa, mẹ cậu nói do chồng thường xuyên uống rượu, cờ bạc, đi qua đêm, không phụ vợ chăm sóc gia đình... Nhiều lần anh còn đánh đập, chửi mắng cả 3 mẹ con. 

Chị đã nhiều lần về nhà than thở về việc bị chồng bạo hành, chồng không lo làm ăn. Thế nhưng, bố chị nói: "Là con gái chỉ lấy chồng một lần, có chết cũng không được phép bỏ chồng hay lấy chồng lần thứ hai". Chị đành nhẫn nhịn chịu đựng.

Đến khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, chị về nhà vừa khóc vừa xin bố cho ly hôn vì "con không thể chịu đựng thêm được nữa". Bố chị lúc này ốm nặng, không nói được gì nhưng gật đầu đồng ý. Năm 2016, sau một trận đòn roi của chồng, chị ôm hai đứa con trai ra khỏi nhà. Họ ly thân và tiến hành các thủ tục ly hôn.

Phản bác ý kiến của vợ, anh nói chị tự ý bỏ đi, khi đi còn mang theo trang sức, tài sản, xe cộ. "Cô ấy tốt nghiệp cấp III xong không có nghề nghiệp gì ổn định. Cưới nhau, cô ấy chỉ đem theo về nhà tôi bộ quần áo cũ. Nghề nghiệp do nhà tôi tạo dựng sẵn từ trước, cô ấy lấy về chỉ sinh hai đứa con. 4 năm đẻ hai đứa rồi nuôi con nhỏ thì còn thời gian đâu mà làm việc".

Chị nghe vậy giọng đầy bức xúc: "Anh ấy nói toàn bịa đặt. Anh ấy đánh tôi thâm tím mặt mày. Tôi phải đưa hai đứa con đi khỏi nhà. Tôi ra khỏi nhà thì anh ấy thay khóa cổng, thay mật khẩu camera. Tôi vừa mang thai vừa nuôi con nhỏ nhưng vẫn phụ chồng buôn bán và tạo lập tài sản. 

Khi đi mua nhà thì vợ chồng cùng đi nhưng anh ấy lại lừa tôi để đứng tên một mình. Anh ấy còn bắt tôi ký vào giấy xác nhận với nội dung tôi không có bất cứ đóng góp gì trong căn nhà ở Tân Phú. Đọc xong, tôi xé tờ giấy đó, anh ấy đánh tôi hộc máu miệng...".

Tòa vội ngắt lời chị vì "những lời này chúng tôi nghe nhiều lắm rồi". Tình nghĩa vợ chồng họ không còn nên cứ mở miệng ra là tranh cãi không dứt. Anh tố chị "bỏ nhà đi mang theo đứa con nhỏ, để lại đứa lớn". Chị thì bảo khi đi đã mang theo hai con nhưng con trai lớn về nhà lấy sách vở thì bị bố giữ lại không cho ở với mẹ. 

"Tôi đến nhà gặp con thì bị chửi. Mỗi lần con gặp mẹ là sau đó anh ấy bắt con nghỉ học. Mỗi lần tôi đến trường thăm con là anh ấy kiếm chuyện gây gổ, nổi tiếng cả trường" - chị vừa khóc vừa kể.

Khi tòa nghỉ hội ý, một người anh em của anh ngồi giữa phòng xử chửi đổng: "Cái gì của mình là của mình, cái gì không phải của mình thì có đi ăn cướp cũng không được...". Chị nghe vậy liền đứng phắt dậy chửi: "Mày nói ai ăn cướp, đừng thấy tao nhịn mà muốn nói gì thì nói...". Họ còn lớn tiếng lôi bố mẹ và những người đã khuất ra để chửi nhau làm náo động cả khu xét xử.

Đứa trẻ muốn bố mẹ ly hôn

Khi bố mẹ tranh cãi trong phòng xử thì đứa con trai của họ mở cửa xin vị chủ tọa cho được vào. Có lẽ những lời đôi co lớn tiếng đã làm cậu bé không thể ngồi yên trước cửa phòng xử.

Vị chủ tọa giải thích trẻ dưới 18 tuổi không được vào phòng xử, cậu bé lại thất vọng bước ra. 

Đến khi tòa nghỉ hội ý, cậu bước vào ngồi cạnh mẹ thì người chú ruột buông lời đay nghiến: "Thứ con nhà mất nết, gặp bố không chào, gặp bác không hỏi, mắt cứ trợn ngược như mắt mèo. Đẻ ra cái thứ ấy làm gì. Con mẹ nó không ra gì nên không biết dạy con. Đã làm mẹ thì phải biết cái nào đúng cái nào sai...". 

Vị luật sư phải ngăn cản: "Xin đừng trách trẻ con vì trong vụ việc này trẻ con là người chịu tổn thương nhiều nhất". Người đàn ông nghe vậy mới chịu dừng lại.

Làm sao có thể tránh được sự tổn thương cho đứa trẻ khi camera ghi lại hình ảnh bố mẹ cậu đánh chửi nhau, cậu sợ hãi đứng rúm ró ở chân cầu thang. Từ một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình không thiếu thứ gì, cậu trở nên bất mãn thay cho mẹ. 

Cậu viết trên Facebook cá nhân: "Mẹ và các con ra khỏi nhà. Hằng ngày, con nhìn mẹ làm để trả tiền thuê nhà trong khi bố ở nhà cao cửa rộng và mỗi tháng thu tiền cho thuê hai căn nhà khác. 

Con không muốn ở với bố vì bố ham chơi, mê cờ bạc, không quan tâm đến gia đình, bỏ mặc bọn con. Con không muốn gia đình bên nội gọi mẹ con là đĩ thêm một lần nào nữa bởi bố là người biết rất rõ mẹ con không phải là người như thế. Ai nói vậy con sẽ thù người đó cả cuộc đời".

Lần sau, vào dịp sinh nhật mình, cậu lại viết gửi bố: "Bố ơi, bố có biết hôm nay là ngày con được sinh ra trên cuộc đời không? Từ khi con ở với mẹ đến nay là 3 năm rồi nhưng có khi nào bố chúc mừng sinh nhật hay tặng quà gì cho con? Bố có biết con ước gì trong ngày sinh nhật không? 

Con ước vụ ly hôn của bố mẹ sẽ được tòa xử sớm vì con không muốn cả hai mệt mỏi nữa. Con xin lỗi vì ở tòa con không chào bố. Vì con nghe được câu nói bố không cần con mà chỉ cần tài sản...".

Tất nhiên là bố cậu đọc được những lời tâm sự của con. Nhưng anh lại nghĩ đó là do chị xúi con hoặc lấy Facebook của con để tự viết. Chị nhiều lần bắt con phải xóa đi vì sợ xấu hổ nhưng cậu nhất định không chịu xóa. 15 tuổi, chàng trai mới lớn đã thấu hiểu những đau khổ của mẹ. 

Trước khi phiên tòa diễn ra, cậu điện thoại sang hẹn gặp bố để nói chuyện. Nhưng khi cậu sang thì không có bố ở nhà. Cậu bé đứng ngoài cửa đợi bố giữa trời mưa. Hàng xóm thương tình gọi cậu vào nhà cho trú mưa nhờ. Cậu mượn máy gọi cho bố thì bố tắt máy.

Ngày tòa xử vụ ly hôn, trời cũng mưa tầm tã. Trong phòng xử, mẹ cậu đay nghiến chồng: "Thứ đàn ông chẳng ra sao, con gọi mà cũng chặn số con, khóa máy...". Riêng cậu bé phải ngồi bên ngoài. Cậu kê ghế, áp sát tai vào cánh cửa để nghe. Không biết cậu bé nghe được điều gì mà tan phiên tòa trở về, cậu đóng cửa phòng khóc mãi dù mẹ dỗ kiểu gì cũng không nín...

Chưa có hồi kết

Giữa vợ chồng họ có tài sản chung là các bất động sản được định giá khoảng 15 tỉ đồng. Tháng 2-2019, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên cho vợ chồng họ ly hôn, tài sản chia đôi, trong đó chị được sở hữu căn nhà ở quận Tân Phú.

Tuy nhiên, cả anh và chị đều kháng cáo. Anh không chấp nhận cho chị được ở căn nhà quận Tân Phú vì "đó là tài sản của bố mẹ tôi cho".

Còn chị, dù nói mình không muốn tranh giành tài sản vì vụ án kéo dài chỉ khiến các con tổn thương nhưng chị vẫn cương quyết đòi cho mình căn nhà ở quận Tân Phú vì tiện đưa con đi học.

Tòa án đưa ra phương án hòa giải họ đều không chấp nhận. Phiên tòa mở đầu tháng 8 rồi bất ngờ tạm hoãn. Đến đầu tháng 9, tòa án mở lại rồi tiếp tục tạm hoãn. Vụ án ly hôn của họ đã kéo dài đến năm thứ 4 và chưa biết ngày nào sẽ kết thúc...

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên