![]() |
Ngoan, chăm học, sinh nhật bé được nhận quà của cha mẹ và người thân như đã hứa - Ảnh: N.C.T. |
Cháu Huỳnh Như Q. học lớp 6 ở Long Thành, Đồng Nai kể lại trong trạng thái thất vọng: “Mẹ cháu đã hứa nếu cháu được danh hiệu học sinh tiên tiến sẽ mua cho cháu một chiếc xe đạp. Thế rồi đã bước vào năm học mới gần hai tháng mẹ vẫn không mua cho cháu, hằng ngày cháu phải đi bộ tới 2km, bạn bè đều có xe đạp đến trường, cháu buồn lắm!”.
Còn bé Trần Thị Bảo N. học lớp 4 ở Xuân Lộc, Đồng Nai nói: “Cha mẹ cháu bảo tuần này cho cháu đến thăm ông bà nhưng cuối cùng cháu vẫn không được đi. Cháu không tin cha mẹ cháu nữa”.
Có những trường hợp khi cha mẹ thất hứa, các em có thể dẫn đến những hành động không thể kiểm soát được hành vi như chống đối, bỏ nhà ra đi... Khi ra đường phố với bao nhiêu cám dỗ các em không còn muốn về nhà, trở thành những đứa trẻ lang thang rồi dễ vi phạm pháp luật.
Lời hứa của người lớn, đặc biệt là cha mẹ với con cái là những lời hứa thể hiện tình cảm chân thực, lòng tin và hướng tới một điều gì đó cụ thể có thể thực hiện được. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ hay hứa suông và xem việc này rất bình thường, điều đó càng nguy hiểm khi kỳ vọng ở trẻ thành thất vọng. Nhiều trẻ không chịu ăn, thậm chí cứ ăn vào lại nôn ọe, phản ứng gay gắt với cha mẹ, thậm chí đổ cả cơm xuống đất... chỉ vì bị thất hứa. Chính vì vậy, cân nhắc kỹ càng trước khi hứa với trẻ và hứa chuyện có khả năng thực hiện được.
Đặc điểm tâm lý của trẻ từ khi hình thành ý thức độc lập đến hết lứa tuổi thiếu niên luôn đòi hỏi rất cao, chúng ta đừng tưởng trẻ không hay biết gì những cái chúng ta nói, chúng ta làm, có trẻ còn nhận biết trước cả chúng ta. Chính vì vậy, trẻ em luôn đặt ra những yêu cầu cho bản thân mình và mong muốn được đáp ứng. Khi cha mẹ đã hứa thì tạo cho tâm lý đứa trẻ luôn ở trạng thái chờ đợi một kết quả tốt đẹp. Đặc biệt chúng rất khó quên khi hình ảnh đẹp đẽ trong đầu lúc nào cũng hiện hữu và trở thành dấu ấn bền vững, ở đâu trẻ cũng muốn thể hiện với bạn cùng tuổi về niềm tự hào chúng sắp có được bởi lời hứa.
Tuy nhiên, hiện nay vì thiếu sự quan tâm đúng mức đến con cái mà một số cha mẹ thường hay hứa, lời hứa không còn giá trị vì chỉ là hứa suông. Có lẽ điều thất bại nhất là làm cho trẻ đánh mất dần niềm tin với chính người thân của mình. Đồng thời trẻ cũng dễ tập nhiễm thói hứa suông thành thói quen, cũng dễ đánh mất tính thật thà, trung thực.
Có trường hợp khi trẻ muốn được đáp ứng yêu cầu của lời hứa thì cha mẹ trách mắng, dọa nạt, nổi khùng, thậm chí đánh đập con cái... Điều này càng làm đậm thêm những vết đen trong đời sống tâm hồn. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng trầm cảm hay tự kỷ... ở trẻ.
Vì vậy, từ lời nói đến việc làm phải thống nhất, đã hứa thì nhất định làm bằng được, đừng bao giờ làm cho trẻ mất lòng tin chỉ vì lời hứa suông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận