05/06/2017 11:16 GMT+7

Xin đừng đưa những bức xúc lên bục giảng!

PHẠM NGỌC LUẬN
PHẠM NGỌC LUẬN

TTO - Đầu kỳ nghỉ hè, cô cháu gái ở miền Trung vào thăm kể cho tôi nghe câu chuyện không vui ở trường của cháu.

nop

“Nhà trường không phải chỉ có nghĩa vụ trang bị kiến thức phổ thông cho học trò, mà còn phải có trách nhiệm giáo dục các em, hướng các em lối sống chan hòa, sống có lý tưởng, có niềm tin về cuộc đời, dẫu cuộc đời vẫn luôn tồn tại hai mặt phải trái"

Cháu kể thầy giáo của cháu dạy môn lý có chuyên môn vững lắm. Kiến thức mà thầy truyền đạt cho học trò rất tốt... Chỉ có điều hình như thầy bức xúc với nhiều vấn đề xã hội nên thầy thường đưa những vấn đề này lên bục giảng.

Chính vì vậy, mỗi lần thấy thầy lên lớp là y như rằng bọn học trò vừa căng thẳng vừa nhắc nhở nhau: “Chúng mình ngồi yên cho lành...”.

Thường cứ đầu mỗi tiết dạy thầy lại dành 5-10 phút để điểm qua tình hình thời sự “nóng” trong ngày cho các em nghe. Giúp các em nắm bắt tình hình thời sự cũng tốt thôi. Nhưng những gì thầy kể đã khiến các em chán chường hơn và bi quan trước cuộc đời.

Buổi học cuối học kỳ 2 vừa rồi trong lớp có hơn 1/3 học sinh không làm bài tập nên thầy la: Học hành kiểu này chỉ có nước ra đứng đường. Toàn là kẻ bất hiếu không biết ba mẹ đang kỳ vọng lắm à...

Kể đến đó cháu tôi lại buồn vì cháu từng là đối tượng bị thầy la mắng bởi có lần đã được thầy gọi bằng “chị” và nói những lời thiếu tế nhị khi chính thầy phát hiện trong cuốn tập của cháu có bức thư của một bạn trai học trên một lớp...

Câu chuyện của cháu làm ký ức tuổi học trò trong tôi sống dậy. Thời tôi đi học, thầy cô cũng như bạn bè tôi tuy nghèo khó nhưng sống luôn chan hòa và ăm ắp tình thân. Mỗi lần trò không thuộc bài thầy chỉ nhìn vào mắt trò là trò đã hiểu, đã cảm thấy có lỗi lớn.

Thầy cô luôn nhắc nhở các trò sống trên đời phải lấy chữ tin và sự hiếu thảo làm trọng. Nam lấy nghĩa khí, nữ lấy chữ thủy chung tận tụy làm đầu. Lời thầy cô nhẹ nhàng nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ bởi ngày ngày trước bao thế hệ học trò thầy cô vẫn luôn là tấm gương soi. Tấm gương ấy chính là bài học trên bục giảng, lẽ sống và nhân cách sống của thầy cô đối với mọi người xung quanh.

Tự hào thay trên bục giảng ngày nay vẫn còn rất nhiều những tấm gương nhà giáo đáng được chúng ta tôn vinh về sự tận tụy, hi sinh một đời cầm phấn. Người thầy như cô cháu vừa kể chỉ là số ít, thậm chí rất ít. Ai cũng biết trường học phải là nơi có môi trường lành mạnh nhất, đẹp đẽ nhất nên câu chuyện của thầy giáo này là một điều đáng suy nghĩ.

Trên thực tế, thầy cô giáo cũng là người chứng kiến bao nhiêu vấn đề tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên thay vì bi quan, rồi trút bao nặng nề tuyệt vọng lên học trò, mỗi người thầy, người cô phải cố gắng làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc của mình, để từ đó lan tỏa cách sống đẹp, cách ứng xử có văn hóa đến học sinh.

Chuyện thầy cô giáo dùng những lời lẽ thiếu tế nhị trong lớp học hiện nay là có nhưng không nhiều. Có thể do các thầy cô bị áp lực từ việc giảng dạy tận tâm nhưng học sinh không chịu học, lớp học thường mất trật tự, nhiều học sinh ở nhà được cưng chiều quá lố nên hỗn hào với thầy cô.

Và trong một phút giây nào đó thầy cô đã không kiểm soát được lời nói, hành động của mình và có cách ứng xử thiếu tế nhị như câu chuyện mà cháu tôi vừa kể.

Hi vọng môi trường giáo dục càng ngày càng được cải thiện, và nhà trường thực sự là nơi khởi nguồn cho sự sáng tạo và nuôi dưỡng tâm hồn học sinh bằng những giá trị nhân văn.

PHẠM NGỌC LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên