Bốn bị cáo: Lâm Nghĩa Hòa - Nguyễn Phúc Tín - Phan Viết Thanh và Nguyễn Văn Phương |
Khoảng 200 người (trong số 310 người được tòa triệu tập) là thân nhân của 60 nạn nhân đã thiệt mạng trong đám cháy, những người bị thương may mắn thoát chết và cả những người bị tổn thất nặng nề về tài sản đã đến tham dự phiên tòa.
Nỗi đau của những nạn nhân và thân nhân của họ tưởng đã ngủ yên gần hai năm sau thảm họa này, nay lại được tái diễn...
Thảm họa đã được cảnh báo!
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM công bố cáo trạng truy tố 11 bị cáo. Những thân nhân nạn nhân, người bị hại trong vụ án ngồi im lặng, nhiều người thẫn thờ, nguyên nhân và diễn biến của thảm họa được tái hiện qua từng trang cáo trạng được công bố.
Nguyên nhân phát cháy là do sự bất cẩn của các thợ hàn: Nguyễn Phú Tín, Phan Viết Thanh và Giang Quốc Trung (đã chết trong đám cháy).
Tại phiên tòa, Nguyễn Phú Tín và Phan Viết Thanh thừa nhận dù biết rõ việc thực hiện các thao tác kỹ thuật hàn trong vũ trường có gắn các miếng mút cách âm rất dễ bắt lửa nhưng họ vẫn vô tâm làm việc, không che chắn gì.
Thảm họa đã được lường định trước từ lời nhắc nhở của Huỳnh Quang, nhân viên điều chỉnh ánh sáng trong vũ trường, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các thợ hàn làm việc.
Bị cáo Quang nói: “Khi các thợ hàn làm việc tôi thấy họ làm bắn ra các tia lửa rất mạnh, rất lo có khả năng làm cháy các tấm mút lót và các ghế bằng simili kê cạnh đó. Chính vì vậy, tôi mới đem xuống một số tấm ván ép để che và nói thợ lấy hai xô nước đem lên để dự phòng”.
Nhưng những cảnh báo của Quang không được những người thợ này quan tâm.
Chủ tọa hỏi bị cáo Quang: “Bị cáo nói các thợ hàn che chắn và chuẩn bị nước nhưng có kiểm tra xem họ có làm hay không?”.
Quang khai sau khi nhắc nhở thợ, bị cáo đã đi lên phòng máy trên lầu 4, không quay lại. Cùng với việc thừa nhận hành vi thiếu kiểm tra, giám sát của mình, bị cáo Huỳnh Quang nói trong nỗi ân hận: “Từ lương tâm mình, bị cáo thấy nếu mình cương quyết hơn hậu quả đã không xảy ra...”.
Bị cáo Lâm Nghĩa Hòa đã khiến cho những người tham dự phiên tòa, những người bị mất mát, tổn thương do đám cháy cảm thấy an ủi phần nào khi bị cáo thành khẩn nhận lỗi về mình:
“VKS truy tố tôi là đúng tội, không có gì oan. Trước hậu quả đau thương này, tôi không biết nói làm sao bây giờ. Không ai nghĩ được là nó khủng khiếp đến thế”.
Trong khi trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX) về quá trình nhận thi công công trình sửa chữa vũ trường Blue, bị cáo Hòa thừa nhận chỉ tới xem qua rồi điều thợ tới làm, không kiểm tra hay chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) nào cho thợ của mình.
Cơ sở cửa sắt Thông Nam của bị cáo có khoảng 20 người thợ và họ chẳng qua lớp đào tạo nghề, không được trang bị chút kiến thức nào về nguyên tắc phòng chống cháy nổ.
Đứng trước vành móng ngựa, ông chủ tiệm sắt Thông Nam đã bật khóc: “Thấy Thanh đẩy xe về nói đã gây cháy, tôi vội xách xe chạy ngay ra xem sao, không ngờ lại nghiêm trọng quá.
Làm người, đã làm thì phải chịu, tôi ra tự thú và vận động những người thợ của mình ra để cơ quan luật pháp muốn xét xử sao cũng chịu. Với tôi, không chỉ chịu hình phạt của luật pháp mà còn là hình phạt của lương tâm!”.
Nguyễn Văn Phương (chủ vũ trường Blue) cũng thừa nhận đã trang bị các thiết bị cách âm vũ trường không đảm bảo nguyên tắc PCCC.
Bản thân Phương cũng ghé ngang nơi làm việc của các thợ hàn vào buổi sáng 29-10-2002 và đã nhắc nhở không để xảy ra cháy nổ. Nhưng đã làm động tác gì cụ thể để ngăn ngừa cháy nổ thì bị cáo Phương thừa nhận chưa làm.
Trước tòa, Phương cũng nói đã rất hối hận và thấy được trách nhiệm của mình ở một mức độ nhất định.
Trách nhiệm của cảnh sát PCCC ra sao?
Vấn đề được nhiều luật sư tham gia bào chữa trong vụ án đặt ra là trách nhiệm của cơ quan công an PCCC trong quá trình kiểm tra công tác PCCC tại tòa nhà ITC.
HĐXX đã cho các luật sư thẩm vấn ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ Phòng cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, người được giao nhiệm vụ kiểm tra PCCC tại tòa nhà ITC. Tất cả các câu hỏi của luật sư đối với ông Dũng đều xoáy vào
Vấn đề vì sao trong quá trình kiểm tra, giám sát, ông Dũng không phát hiện được các vi phạm tại tòa nhà ITC và có biện pháp để ngăn ngừa thảm họa?
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết đã nhiều lần kiểm tra tòa nhà ITC theo định kỳ và cả những lúc đột xuất.
Trong lần kiểm tra gần nhất vào ngày 28-5-2002, chính ông Dũng đã thấy cửa thoát hiểm của vũ trường Blue bị chốt chặt, hành lang thoát hiểm bị che chắn bởi nhiều bàn ghế, vật dụng lung tung khác nên đã đề nghị khắc phục.
Ông Dũng cho biết ông cũng biết vũ trường Blue trang bị các vật liệu dễ cháy nổ, đã có kiến nghị nhưng đơn vị này không sửa chữa triệt để.
(Cơ quan điều tra xác định thượng úy Nguyễn Văn Dũng cũng có sai phạm nhưng ít nghiêm trọng. Nguyễn Văn Dũng đã bị Công an TP.HCM xử lý hành chính, giáng cấp hàm từ thượng úy xuống trung úy, cảnh cáo về mặt Đảng).
Đến cuối buổi chiều, nhóm các bị cáo thuộc nhóm tội “Vi phạm các qui định về PCCC” đã được thẩm vấn xong. Hôm nay, HĐXX bước vào thẩm vấn nhóm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
60 người chết, 70 người bị thương Đám cháy bắt đầu lúc 13g30 ngày 29-10-2002 tại tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), số 95-101 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM. Ngọn lửa bùng phát từ vũ trường Blue tại tầng 3. Do tòa nhà ITC cấu trúc nhiều tầng, mỗi tầng lại có nhiều tổ chức đơn vị thuê mặt bằng, tài sản hàng hóa nhiều và dễ cháy, hệ thống cầu thang lên xuống chật hẹp và bị hạn chế do thiết kế cũ của tòa nhà nên đến 21g30 cùng ngày ngọn lửa mới được khống chế. Hậu quả vụ cháy làm chết 60 người, bị thương 70 người (phỏng, ngạt và chấn thương do nhảy từ trên cao xuống). Tổng thiệt hại về tài sản của vụ cháy trên 40 tỉ đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận