12/01/2016 11:49 GMT+7

Xét xử CSGT lái xe biển số giả tông 9 người

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Tại phiên tòa, CSGT Phạm Hồng Tuân nói sau khi tông vào tổ công tác làm 2 người chết, 7 người bị thương bị cáo đã không đủ can đảm đối mặt với tất cả bị hại.

Phạm Hồng Tuân tại phiên tòa - Ảnh: Đ.Hà

Sáng 12-1, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở phiên tòa xét xử Phạm Hồng Tuân (30 tuổi, nguyên cán bộ CSGT Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Lái xe biển số giả, tông 9 người

Theo hồ sơ vụ án, rạng sáng ngày 6-12-2014, Phạm Hồng Tuân đi xe BMW 750i mang biển kiểm soát 29A-410.86 chạy trên đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao theo hướng từ huyện Tân Thành sang huyện Châu Đức.

Khi đến km 20 thuộc xã Láng Lớn (H. Châu Đức) thì Tuân đã lạc tay lái, đâm sang bên trái đường. Lúc này, vị trí đó có tổ công tác gồm chín người là dân phòng, dân quân của xã Láng Lớn và thị trấn Ngãi Giao đang tập trung để đi tuần.

Xe của Tuân đã đâm thẳng vào nơi chín người đang đứng làm 2 người tử vong tại chỗ và 7 người bị thương.

Hai nạn nhân tử vong là anh Hồ Xuân Thu (sinh năm 1954) và Võ Xuân Đồng - đều là dân phòng xã Láng Lớn.

Trong số 7 người bị thương, có nhiều người bị thương nặng trong đó có anh Mai Văn Quốc (35 tuổi, dân quân xã Láng Lớn) bị thương tật 100%, hiện đang phải nằm một chỗ.

Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do Phạm Hồng Tuân lái xe không làm chủ tốc độ, lấn trái đường.

Kết quả điều tra cũng xác định biển số xe BMW 29A-410.86 mà Tuân lái khi gây tai nạn là giả. Còn biển số thật của chiếc xe là 50Z-2039, do bà Võ Thanh Ngọc (trú đường Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) đứng tên đăng ký.

Trước khi Tuân lái gây tai nạn, xe này đã được bà Ngọc đem thế chấp tại Ngân hàng Phương Đông từ năm 2007. Sau đó, chiếc xe lần lượt qua tay nhiều người, cầm cố, thế chấp tiếp cho đến khi được Hồ Đại Dương (trú phường Tân Tiến, TP Biên Hòa - là bạn của Phạm Hồng Tuân) sử dụng.

Đêm 5-12-2014, sau khi đi chơi về, Dương đã cho Tuân mượn xe để lái về Châu Đức thì gây tai nạn trên.

Con bị hại Võ Xuân Đồng ôm di ảnh cha tại tòa - Ảnh: Đ.Hà

Không dám đối mặt gia đình nạn nhân

Tại phiên tòa, CSGT Phạm Hồng Tuân khai nhận do là bạn thân của Dương nên khi mượn xe đã không hỏi giấy tờ cũng như không nhìn xem xe có dán giấy đăng kiểm hay không. “Vì xe này Dương vẫn đi nên bị cáo nghĩ xe có đầy đủ giấy tờ”, Tuân khai trước tòa.

Theo Tuân, lúc lưu thông ngoài quốc lộ 51, Tuân lái xe với tốc độ khoảng 80-90 km/giờ và trước khi gây tai nạn thì chạy khoảng 50-60 km/giờ nhưng bị cáo cũng không để ý chính xác là bao nhiêu.

Vị chủ tọa chất vấn: “Mình là CSGT, cũng từng xử lý người vi phạm tốc độ, sao chạy xe mà không để ý tốc độ được?”.

Bị cáo Tuân cũng nói ngay sau khi xảy ra tai nạn, bị cáo bị bắt giam nên không có điều kiện để hỏi thăm nạn nhân mà nhờ người nhà và đồng đội đi thăm. Sau này khi được tại ngoại, Tuân chỉ đến thăm được vài người mà không thăm được hết vì “không đủ can đảm để đối mặt”.

“Có phải vì hậu quả bị cáo gây ra quá nghiêm trọng nên bị cáo không dám đối mặt?” - Đáp lại câu hỏi này của vị chủ tọa, bị cáo Tuân im lặng.

Tòa cũng đã xét hỏi các đại diện gia đình nạn nhân, bị hại liên quan yêu cầu đòi bị cáo Tuân phải bồi thường. 

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc sau đó hội đồng xét xử sẽ tuyên án với bị cáo Tuân. 

Xe BMW dúm dó sau tai nạn - Ảnh: Đông Hà
Xe BMW dúm dó sau tai nạn - Ảnh: Đông Hà
ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên