09/08/2012 07:39 GMT+7

Xét tuyển bổ sung như thế nào?

V.HÀ - N.HÀ lược ghi
V.HÀ - N.HÀ lược ghi

TT - Chiều 8-8, Tuổi Trẻ đã có buổi giao lưu trực tuyến về cơ hội chọn nguyện vọng bổ sung sau khi Bộ GD-ĐT quyết định điểm sàn ĐH-CĐ năm 2012.

Phần lớn câu hỏi trong gần 1.000 câu hỏi của thí sinh, phụ huynh học sinh được gửi đến Tuổi Trẻ đã được ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT; ông Đỗ Thanh Duy - trưởng phòng thi và công nhận văn bằng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT; TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM và TS Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội giải đáp, tư vấn.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung thế nào?

Bạn Nguyễn Hoài Sơn băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT không quy định xét tuyển nguyện vọng 2, 3 như các năm trước nhưng lại cho phép nộp hồ sơ vào nhiều trường.

Giải đáp băn khoăn này, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: “Năm nay không quy định các nguyện vọng 2, 3 nhưng các em có nhiều cơ hội hơn để đăng ký các ngành học. Nếu em không trúng tuyển nguyện vọng 1 và có điểm thi trên điểm sàn thì sẽ được trường cấp cho hai giấy chứng nhận kết quả thi có dấu của trường. Hai giấy này có giá trị hoàn toàn giống nhau. Thí sinh có thể dùng các giấy chứng nhận này để đăng ký xét tuyển. Bộ GD-ĐT trao cho các trường quyền tự chủ trong việc xét tuyển. Chỉ cần đảm bảo các điều kiện sau: điểm xét tuyển phải cao hơn điểm sàn, không xét tuyển vượt chỉ tiêu đã được duyệt và tới 30-11 phải kết thúc việc xét tuyển. Trên cơ sở ba yêu cầu này, các trường chủ động đưa ra điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển, đồng thời công khai trên trang web của trường, của bộ, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Một trong những điểm đáng chú ý năm nay là Bộ GD-ĐT không quy định bắt buộc điểm xét tuyển nguyện vọng sau cao hơn nguyện vọng trước”.

Ông Trần Văn Nghĩa khuyên thí sinh cần xem xét kỹ các thông tin về xét tuyển mà các trường công bố để đăng ký. Các em có thể đăng ký qua đường bưu điện, hoặc trực tiếp tại trường và các trường cũng phải tạo điều kiện cho thí sinh rút hồ sơ nếu các em có nguyện vọng.

Bạn Hồ Thị Mỹ Trang và nhiều thí sinh khác thắc mắc về việc nộp bản gốc hay bản sao giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển bổ sung. Về điều này, ông Đỗ Thanh Duy cho biết việc nộp bản chính hay photo công chứng là tùy thuộc quy định của từng trường

Ông Duy cũng tư vấn cho thí sinh: “Hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung gồm: giấy chứng nhận kết quả thi, hai phong bì có dán tem và địa chỉ để giao dịch. Em có thể nộp tại trường hoặc chuyển phát nhanh. Khi em trúng tuyển, trường sẽ gửi giấy báo trúng tuyển vào phong bì em đã ghi sẵn địa chỉ trước đó. Trong giấy chứng nhận kết quả thi đã có các tiêu chí để thí sinh ghi nguyện vọng cụ thể vào các ngành học trong trường”. Thí sinh có thể nhận giấy chứng nhận kết quả thi hoặc phiếu báo điểm (đối với thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn) tại các sở GD-ĐT từ ngày 20-8.

Cơ hội nhiều hơn

Với quy định mới năm nay, thí sinh ít nhất có hai cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển (với hai giấy chứng nhận bản gốc) và các cơ hội xét tuyển khác (vào các trường chỉ yêu cầu giấy chứng nhận photo) - ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh khi nói đến cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung của thí sinh.

Đăng ký vào ngành nào, trường nào thì cơ hội trúng tuyển nhiều hơn, những con đường nào có thể lựa chọn sau khi trượt nguyện vọng 1 là điều mà nhiều thí sinh đặt ra. Ông Nguyễn Đức Nghĩa và ông Vũ Viết Bình đã tư vấn cho thí sinh nhiều thông tin cụ thể về những ngành thí sinh có thể đăng ký. Những ngành chỉ tiêu còn nhiều, điểm thi của thí sinh cao hơn điểm nhận hồ sơ xét tuyển thì cơ hội đậu nhiều hơn. Thí sinh cần theo dõi thông tin về xét tuyển trên trang web của các trường, của Bộ GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết thông tin trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.

V.HÀ - N.HÀ lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên