29/06/2015 11:38 GMT+7

Xét danh hiệu nghệ sĩ: Không chỉ dựa vào huy chương

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TT - Ông Phùng Huy Cẩn - vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch) - nói như trên.

Thiếu huy chương vàng quốc gia, NSƯT Chí Trung (bìa phải) rớt khỏi danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSNDẢnh: NGUYỄN KHÁNH
Thiếu huy chương vàng quốc gia, NSƯT Chí Trung (bìa phải) rớt khỏi danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND - Ảnh: Nguyễn Khánh

Phát biểu của ông Cẩn trong bối cảnh bộ này công bố “Danh sách kết quả họp hội đồng cấp bộ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 8 năm 2015, đủ điều kiện trình hội đồng cấp nhà nước” để lấy ý kiến góp ý rộng rãi và đã gây nhiều tranh cãi.

Chuyện ai xứng đáng - ai không xứng đáng như mọi lần lại được dư luận đặt lên bàn cân. Năm nay là chuyện hai NSƯT Chí Trung, Minh Hằng bị rớt khỏi danh sách được đề nghị phong tặng NSND. Trao đổi với Tuổi Trẻ, cũng bắt đầu từ vụ việc cụ thể này, ông Phùng Huy Cẩn nói:

- Rất đơn giản, vì những nghệ sĩ này khi đưa ra hội đồng xét, bỏ phiếu thì số phiếu không đạt, nên đương nhiên là không được nằm trong danh sách của hội đồng cấp bộ trình cấp nhà nước.

Trong bất kỳ một cuộc thi nào, từ lớn đến nhỏ, từ thi “Bé khỏe, bé đẹp” đến thi hoa hậu... khi kết thúc đều có người thỏa mãn, có người chưa thỏa mãn. Đó là câu chuyện, theo tôi, là bình thường, miễn là ban tổ chức cuộc thi, hội đồng làm việc theo đúng quy chế.

Ông Phùng Huy Cẩn - Ảnh: V.V.T.
Ông Phùng Huy Cẩn - Ảnh: V.V.T.

* Nhưng nhiều nghệ sĩ cho rằng các tiêu chí để xét phong tặng NSND, NSƯT trong Quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (nghị định 89/2014/NĐ-CP) còn mơ hồ và quy định bắt buộc phải có huy chương vàng (tức giải vàng) quốc gia là không thỏa đáng?

- Bộ VH-TT&DL là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn. Các cuộc thi do Bộ VH-TT&DL (mà bộ là nhân danh Nhà nước) tổ chức, có nghĩa là khi Nhà nước tổ chức thì các nghệ sĩ phải tham gia để chúng tôi đánh giá tài năng của họ chứ. Nhưng Bộ VH-TT&DL không độc đoán trong chuyện đó. Bởi các hội thi do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Tiếng nói VN, Đài truyền hình VN... tổ chức đều được tính để xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Các cuộc thi do các hội chuyên ngành cấp trung ương tổ chức thì được quy đổi.

Trong cơ cấu hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, những người hiểu biết sâu về từng lĩnh vực chuyên ngành chiếm tỉ lệ khá lớn. Có những nghệ sĩ thông qua các trang cá nhân hoặc thông qua báo chí nói rằng những người trong chính quyền, dạng như chúng tôi, ngồi trong hội đồng nhiều quá.

Nhưng theo quy định, trong nghị định 89/2014/NĐ-CP, tỉ lệ những người như chúng tôi rất vừa phải, đủ để đảm bảo quản lý nhà nước. Còn chủ yếu là các bạn nghề đánh giá nhau, người thì đại diện cho hội chuyên ngành, người là NSND, người được Giải thưởng Hồ Chí Minh... Tôi nghĩ như vậy là phù hợp để đánh giá tài năng các nghệ sĩ.

Với hai trường hợp cụ thể đang được dư luận quan tâm là NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Hằng, khi đưa ra hội đồng cả hai đều không đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách trình lên hội đồng xét tặng cấp nhà nước.

Trường hợp anh Chí Trung sau khi đạt danh hiệu NSƯT xong, anh ấy không đoạt được bất cứ huy chương vàng nào của các hội diễn quốc gia. Mà theo quy định sau khi nghệ sĩ được phong NSƯT xong, nếu được hai huy chương vàng trong các cuộc thi như quy định thì sẽ đủ điều kiện trình xét NSND.

Trước đây, thời gian tối thiểu phải cách nhau năm năm. Như vậy là chúng tôi đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được khẳng định tài năng của mình không kể thời gian.

* Quy định bắt buộc phải có huy chương mới được xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND nhiều năm nay đã làm nảy sinh không ít nghịch lý, có nghệ sĩ dù có đóng góp nhiều, được khán giả yêu mến, nhưng lúc còn sống không được xét tặng bất cứ danh hiệu nào. Khi qua đời họ mới được xét tặng danh hiệu như “vé vớt”. Vậy theo ông có nên sửa đổi điều này?

- Đây là lần đầu tiên chúng tôi triển khai nghị định 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Một văn bản khi ban hành ít nhất phải thực hiện vài lần sau đó mới xem xét, nếu có điều gì không phù hợp sẽ chỉnh sửa. Tất nhiên là cơ quan nhà nước không quá cứng nhắc chuyện điều chỉnh văn bản. Nhưng đây là lần đầu tiên làm nên phải tiếp tục lắng nghe, chứ chưa thể vì những ý kiến dư luận mà sửa ngay được.

Hơn nữa, trong bốn tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, “có huy chương” chỉ là một tiêu chuẩn để xem xét, tính toán thôi chứ không phải là tiêu chuẩn có tính chất quyết định. Nếu tiêu chuẩn huy chương có tính chất quyết định thì chúng tôi chỉ cài cho máy tính duyệt, cần gì phải thành lập hội đồng nữa?

Nếu các nghệ sĩ không có huy chương, thế thì mọi người phải tự biết mình có xứng đáng hay không vì các hội thi quốc gia được tổ chức thường xuyên, đấy là nơi để so tài. Khi đất nước đã hòa bình, thống nhất rồi, điều kiện đào tạo có rồi thì các nghệ sĩ phải được đào tạo nghiêm túc và phải được thể hiện tài năng đó bằng các cuộc thi nghiêm túc của Nhà nước để chứng minh được tài năng của mình.

Sau khi kết thúc đợt xét phong tặng năm 2015, chúng tôi sẽ tổng kết xem điều gì đã làm được, điều gì còn bất cập để rút kinh nghiệm. Đến một mức độ nào đấy mới báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉnh sửa nghị định 89.

* Dư luận nhiều năm nay vẫn cho rằng việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện nay mang nặng cơ chế “xin - cho”. Chính việc xét phong tặng danh hiệu này đang làm tổn thương các nghệ sĩ, thưa ông?

- Việc làm hồ sơ đề nghị xét phong tặng là các nghệ sĩ đều tự nguyện làm. Và cần phải hiểu là khi xét phong tặng có người được, có người không được chứ chúng tôi đâu có ép buộc các nghệ sĩ phải làm hồ sơ?

Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của dư luận và nhân dân. Nhưng đây là giải thưởng của Nhà nước nên cần phải sử dụng bộ máy nhà nước để xem xét, đánh giá.

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên