Ngày 2-2 (mùng 5 Tết Ất Tỵ), dòng người đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đông đúc, nhộn nhịp. Tại khu bán vé và xin chữ, khách tham quan xếp hàng dài chờ mua vé và kiên nhẫn chờ đợi ông đồ viết chữ đầu xuân.
Càng về gần trưa, dòng người nườm nượp đổ về khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày càng đông. Dọc tuyến đường quanh khu di tích Nho học nổi tiếng, những con đường xung quanh khu di tích kẹt cứng khi lượng xe cộ và khách tham quan đến Văn Miếu tăng mạnh.
Vì vậy cùng với các điểm trông giữ xe trong khuôn viên, một số điểm giữ xe ô tô bên ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám được trưng dụng để đáp ứng nhu cầu khách tham quan. Tuy nhiên, giá giữ xe bên ngoài tăng gấp đôi so với bãi giữ xe trong khuôn viên khu di tích, lên tới 100.000 đồng/xe ô tô.
Chị Mai (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cho biết do đây là ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ cuối cùng nên sau khi ăn Tết ở quê, gia đình chị đã lựa chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm lý tưởng để xin chữ và cầu cho các con một năm học hành, thi cử đỗ đạt.
Mặc dù gia đình đi từ hơn 7h sáng, đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có dòng người xếp hàng dài từ bên ngoài để mua vé vào cổng. Vất vả tìm được chỗ gửi xe gần khu di tích, chị cho biết đã phải chờ đợi hơn 30 phút mới mua được vé.
Từ lầu Khuê Văn Các đi vào đến khu lưu giữ 82 tấm bia tiến sĩ, đến các công trình trong khu di tích như Văn Miếu, Quốc Tử Giám, vườn Giám, khu điện thờ, nhà Thái học.... gần như chật kín khách tham quan.
Nhiều du khách nước ngoài tỏ ra thích thú khi nhiều hoạt động văn hóa được tái hiện trong ngày ở khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám như xin chữ ông đồ, hát dân ca, chầu văn, lễ cúng...
Ngọc Anh (Long Biên - Hà Nội) cho biết năm nay học lớp 12 nên trong ngày nghỉ Tết cuối cùng của năm, em cùng gia đình tới Văn Miếu để xin chữ, cầu mong năm mới thi cử đỗ đạt. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Ngọc Anh rất ấn tượng khi nhiều khu nhà thiết kế, tái hiện lại truyền thống hiếu học, giúp em hiểu thêm về lịch sử khoa bảng của Việt Nam.
"Em đã xin chữ Đạt với mong muốn thi cử đỗ đạt, gặp nhiều may mắn trong năm nay khi tham gia kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Đến Văn Miếu đầu năm xin chữ là truyền thống lâu đời của nhiều thế hệ, nên dù phải xếp hàng chờ đợi gần một giờ đồng hồ song em vẫn muốn được chờ để xin chữ cầu may mắn" - Ngọc Anh chia sẻ.
Theo Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tính riêng trong 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón 65.000 lượt du khách.
Trong những ngày Tết, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có nhiều chương trình văn hóa đặc sắc như: Giáo dục di sản, không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, các trò chơi dân gian, chơi cờ, múa lân; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (quan họ, ca trù, chèo...).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận