06/07/2016 08:55 GMT+7

Xem phim nảy ý tưởng hỗ trợ người bại liệt

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Bằng một cái nháy mắt vào camera, vào màn hình máy tính, người bại liệt có thể mở quạt, bật tắt đèn, đọc báo, nghe nhạc, đóng mở cửa...

Đỗ Thanh Phong và Đậu Bá Kiên nhận giải nhì tại cuộc thi Monokon 2016 - Ảnh: NVCC
Đỗ Thanh Phong và Đậu Bá Kiên nhận giải nhì tại cuộc thi Monokon 2016 - Ảnh: NVCC

Đó là những ứng dụng của sản phẩm hỗ trợ người bại liệt của hai sinh viên Đỗ Thanh Phong và Đậu Bá Kiên, khoa công nghệ thông tin (CNTT) Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa giành giải nhì cuộc thi Monokon 2016 tại Đà Nẵng.

Đó là khi Kiên xem bộ phim mang tên The Diving Bell and the butterfly nói về một người đàn ông bại liệt và chỉ cử động được mắt.

Kiên kể: “Xem phim mình liên tưởng đến nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking. Ông cũng là nạn nhân của chứng liệt toàn thân, nhưng với sự hỗ trợ từ Intel ông vẫn nghiên cứu khoa học, sáng tạo nhiều sản phẩm khiến thế giới phải thán phục. Từ đó mình nảy sinh ý tưởng làm một sản phẩm để giúp những người bại liệt sử dụng mắt điều khiển các thiết bị thông thường trong cuộc sống”.

Phong và Kiên đều là sinh viên ngành CNTT năm nhất, kiến thức kinh nghiệm chưa nhiều, nên khi bắt tay thực hiện sản phẩm hai bạn trẻ gần như chỉ có “quyết tâm làm và làm”. Cả hai phân chia công việc, Phong chịu trách nhiệm về thiết kế mạch điều khiển điện tử, còn Kiên chuyên về lập trình.

Sau ba tháng miệt mài, với sản phẩm hỗ trợ người bại liệt của Phong và Kiên hoàn thành, người bại liệt chỉ cần giao tiếp với màn hình và nháy mắt, từ đó camera sẽ phân tích ánh mắt rồi điều khiển các động tác như bật/tắt quạt, đèn; đóng/mở cửa, lướt web; nghe nhạc, radio; đọc báo... Điểm nhấn của sản phẩm chính là tính năng thông báo khẩn cấp như gửi email, tin nhắn đến người thân khi gặp sự cố.

“Người bại liệt thường không có việc làm hoặc có việc làm thì thu nhập cũng thấp, phần lớn họ đều nghèo. Những sản phẩm hiện có trên thị trường quá đắt đỏ đối với họ. Đặc biệt là ở Việt Nam, hầu như cơ hội để người nghèo mua một sản phẩm với những tính năng trên là rất ít. Tụi mình hướng đến những chiếc máy có giá bình dân cho người nghèo” - Phong cho biết.

Hiện sản phẩm của hai bạn làm với giá 1.770.000 đồng trong khi các sản phẩm nhập khẩu tầm vài ngàn usd.

Kiên và Phong cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để sản phẩm hoàn thiện hơn nữa và rất mong một ngày sản phẩm này thu hút được nhà đầu tư, đưa ra thị trường để đến tay những người bại liệt.

Monokon 2016 là cuộc thi sáng tạo công nghệ dành cho sinh viên do Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng phối hợp với Công ty cổ phần Global CyberSoft Việt Nam tổ chức.

Đây là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức có chủ đề “Internet of things - now and future” thu hút 63 ý tưởng tham dự của sinh viên thuộc nhiều ngành như tự động hóa, điện tử viễn thông, CNTT, cơ điện tử... đến từ các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên