20/08/2015 13:28 GMT+7

Xem Inside out: táo bạo và ngập tràn cảm xúc

TRUNG VŨ
TRUNG VŨ

TTO - ​Inside out (Những mảnh ghép cảm xúc) tạo ra những cảm xúc khác nhau cho khán giả, đôi khi chỉ với vỏn vẹn một hình ảnh hoặc ánh mắt nhân vật.

Cảnh trong phim Inside Out

Sau khi "nhân cách hóa" động vật, robot, đồ chơi ở những phim hoạt hình trước, hãng Pixar xây dựng một ý tưởng đột phá trong Inside out : năm trạng thái cảm xúc cơ bản của con người (vui, buồn, sợ, ghét, giận - tương ứng với năm cái tên Joy, Sadness, Fear, Disgust, Anger) là năm nhân vật vận hành bảng điều khiển trong bộ não mỗi con người.

Nhân vật Riley, cô bé mười một tuổi dễ thương sinh ra trong một gia đình đầm ấm tại Minesota được khắc họa tuổi thơ bằng chuỗi hình ảnh đẹp trong trẻo, gợi nhớ cuộc đời của Carl và Ellie trong Up (2009, cũng được đạo diễn bởi Pete Doctor).

Ngay từ khi sinh ra, năm "người bạn cảm xúc" trong Riley hoạt động rất bận rộn. Với sự chỉ huy nhiệt thành của Joy (Amy Poehler lồng tiếng), tuổi thơ của Riley tại Minesota trôi qua trong vui tươi và hạnh phúc. Sau mỗi ngày làm việc, năm nhân viên tập hợp lại những ký ức và lưu trữ chúng, những ký ức “cốt lõi” được cất giữ riêng biệt một cách cẩn thận.

Khi Riley đi ngủ cũng là lúc năm người bạn nghỉ ngơi, ngoại trừ một người trực ca đêm với nhiệm vụ sản xuất giấc mơ – người xem sẽ tự khám phá ra bằng cách thức nào trong bộ phim với vô vàn những kiến thức về tâm lý con người được hiện thực hóa một cách sáng tạo lên màn ảnh.

Cảnh trong phim Inside Out

Thế rồi gia đình Riley dọn đến một nơi mới - San Francisco, một nơi hoàn toàn trái ngược với cuộc sống cũ của cô.

Joy phải cố gắng mang lại kinh nghiệm tích cực cho cô chủ Riley trước biến cố này. Một trong những thành công của phim là không có đối kháng chính diện – phản diện một cách công thức. Nhân vật Joy phần nào đóng cả hai vai trò, nhiệt tình và đầy thiện ý, nhưng luôn ra dáng cô chủ một cách khó chịu.

Cảnh trong phim Inside Out

Ngày đầu tiên đi học ở trường mới, Joy giao cho Sadness (Phyllis Smith) một “nhiệm vụ cực kỳ quan trọng” là đứng yên trong vòng tròn Joy vẽ, kẻo Sadness sẽ làm nhuốm màu ký ức của Riley.

Nhưng Sadness táy máy đã làm hỏng kế hoạch của Joy. Ngày đầu ở lớp học mới là ký ức buồn chính thức của Riley. Trong nỗ lực cứu vãn tình tình, Joy và Sadness cùng với túi ký ức cốt lõi bị hút ra khỏi trung khu điều khiển, lạc vào những vùng đất lạ trong não bộ Riley. 

Nơi đây, người xem được chiêu đãi những kỳ quan bằng hình ảnh, bao gồm những hòn đảo nhân cách, là những điều quan trọng nhất trong đời Riley, trong đó có một Bing Bong dễ thương - người bạn thân đầu đời mà từ lâu Riley chưa gặp lại.

Cảnh trong phim Inside Out

Trong một cảnh thể hiện sức sáng tạo táo bạo của các nhà làm phim, Joy, Sadness và Bing Bong lạc vào phòng “Tư duy trừu tượng,” và cả ba lần lượt biến thành hình khối, hình 2D và những đường kẻ màu! Nhân vật Bing Bong là một cú “hit” nữa của Pixar, được hãng phim khôn ngoan “ém” kỹ và sở hữu khoảnh khắc “ướt át” của phim.

Cảnh trong phim Inside Out

Bộ phim đi đến chỗ tìm ra vai trò không thể thiếu của Sadness, người rất mờ nhạt và bối rối kể từ đầu của bộ phim.

Khi Joy xem lại những quả cầu ký ức cốt lõi, vào ngày vui nhất của cuộc đời Riley, Joy nhận ra nó không hẳn là vui, mà là chuyển hóa từ rất buồn thành buồn, rồi thành vui.

Nỗi buồn mang lại những điều tích cực Joy không thể ngờ tới và bản thân cô cũng không thể làm được. Những giọt nước mắt của Joy trong một cú close-up là hình ảnh đẹp nhất của bộ phim với năng lượng sáng tạo và mật độ hài hước cao.

Inside Out là bộ phim hoạt hình dành cả cho thế hệ chúng ta, tất cả những ai vẫn còn phải vật lộn với các trạng thái cảm xúc, còn băn khoăn về giá trị của nỗi buồn và bối rối không biết phải làm gì với ký ức.

Cảnh trong phim Inside Out
Cảnh trong phim Inside Out
Cảnh trong phim Inside Out
Cảnh trong phim Inside Out
TRUNG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên