22/05/2011 03:05 GMT+7

Xem Huyền sử thiên đô: Câu chuyện của lòng nhân

HỒNG HẠNH
HỒNG HẠNH

TT - Sự đối lập giữa tính cách của ba vị quân vương tương lai, những suy tư về quyền lực từ thiền sư Vạn Hạnh đến đức vua Lê Hoàn... Những ngẫm ngợi về đời, cuộc tranh đoạt chốn vương triều và sức mạnh của lòng dân.

Những chuyện xưa cũ ấy đang được tìm thấy trong Huyền sử thiên đô - bộ phim truyền hình lịch sử cổ trang được khán giả chú ý nhất hiện nay vào lúc 21g thứ năm và thứ sáu trên sóng VTV3.

kb4G3zWM.jpgPhóng to
Bối cảnh thành Đại La trong phim Huyền sử thiên đô, kịch bản 70 tập của Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Tất Bình, Phạm Thanh Phong. Phim do Công ty Sao Thế Giới sản xuất - Ảnh: đoàn làm phim cung cấp

Bên cạnh kịch bản, những yếu tố thuần Việt: không gian, khung cảnh, trang phục đã giúp Huyền sử thiên đô chiếm cảm tình của khán giả Việt. Dù đôi khi vì một lý do có vẻ nằm ngoài phim ảnh như cách nhìn của Ngọc Thảo, sinh viên năm 1 Trường đại học Quốc tế Sài Gòn: “Tôi thấy xúc động khi nhìn hình ảnh những danh lam thắng cảnh của đất nước mình trong phim...”.

Phim quay trải dài trên nhiều vùng đất: Mai Châu, Mộc Châu, Bắc Ninh, Ninh Bình, Huế...

Lê Long Việt - đủ nhân nhưng thiếu dũng, Lê Long Đĩnh - thừa trí, dũng nhưng thiếu nhân, Lý Công Uẩn - đủ nhân trí dũng nhưng non nớt nơi chính trường và đang hành xử trong vai trò một vị tướng...

Ba vị quân vương tương lai này là những mặt đối lập nhưng bổ khuyết cho nhau. Họ đã cùng làm rõ một thời đại và làm đầy đặn hình ảnh những nhân vật lịch sử vốn rất nổi tiếng nhưng chẳng mấy khi được “đến gần” khán giả thời nay đến thế.

Cuộc va chạm ngắn ngủi của “bộ ba” này ở tập 1, khi Long Việt (Bá Anh đóng) và Long Đĩnh (Trung Dũng) gặp Công Uẩn (Công Dũng) giữa đường đã thể hiện rất rõ bản chất con người họ, mở đầu cho những mâu thuẫn về sau này khi Công Uẩn không gông cùm những “kẻ phản loạn” dòng hoàng thất, Long Đĩnh đã nổi giận còn Long Việt tỏ ra chia sẻ hơn.

Người xem nhớ mãi cảnh tượng Lê Long Đĩnh tổ chức một cuộc thi cho 500 quân lính bơi đua trên sông, người lính nào bơi giỏi sẽ được lên bờ và ai dở sẽ bị chết đuối mà không cho người cứu. Cuộc thi đã gây nên xung đột giữa hai anh em khi Long Việt trách em quá bất nhân. Còn Long Đĩnh lại có cái nhìn của một vị thần chiến tranh: “Những tên lính không đủ sức bơi qua sông không chết đuối cũng chết trận, chớ tiếc... Phải đi dẹp loạn khắp nơi mới thấy có lúc lòng nhân đạo phải trả giá gấp mười sự tàn bạo”...

Sự lựa chọn giữa quyền lực và lòng nhân chính là sự lựa chọn mang tính sinh tử của những người trong cuộc. Trong Huyền sử thiên đô, mỗi nhân vật đều có một thế đứng. Và trên vị trí quyền lực ấy (không những thế, còn là quyền lực đỉnh cao), con người có đôi khi sẽ không thể làm chủ những hành động của mình...

Hình tượng đức vua Lê Hoàn (Duy Thanh) dù không phải là trung tâm của câu chuyện nhưng lại gợi nghĩ đến rất nhiều vấn đề thế sự. Ông như một biểu tượng quyền lực đã và đang phải chuyển giao, nhưng sự níu kéo trong ông đã dẫn đến những bi kịch cho cả một vương triều đã một thời uy dũng. Tha cho đứa con trai tội phản nghịch (mà ông cũng ngầm hiểu nó bị vu cáo) tức là thừa nhận mình đã sai. Đấng quân vương không muốn điều đó.

Quyền lực đã chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của con người trong Huyền sử thiên đô và kiến tạo hành xử của họ. Ca khúc mở đầu phim âm vang như một lời nhắc nhở thiêng liêng và sâu thẳm về những giá trị của lòng nhân. Ca sĩ Tùng Dương đã làm khán giả rung mình khi hát: Quân nào nhất thời, đế nào vạn đại, cả trời Nam Thái Tổ Lý cao vời... Thăng Long đất lành sông phúc, rồng chầu hổ phục, lồng lộng đấng minh quân.

Nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ: “Tôi viết ca khúc mở đầu cho từng tập phim trong trạng thái rất đặc biệt. Tôi đã chìm đắm trong tiếng gươm đao tự ngàn xưa vọng về, những tham vọng quyền lực, sự mâu thuẫn giữa lòng nhân và ham muốn quyền lực cuối cùng sẽ dẫn đến bại vong. Chỉ lòng yêu nước, yêu con người đích thực là tồn tại mãi”.

Thực hiện một bộ phim dài tập, nhất là trong bối cảnh phim lịch sử Việt thiếu thốn và khó khăn đủ điều, dù rất nỗ lực song các nhà làm phim vẫn chưa thể cho khán giả một tác phẩm hoàn hảo. Một số trang phục quá mới, đôi khi lại diêm dúa quá mức cần thiết, đôi ba cảnh quay chưa thật tốt, âm thanh trong phim có lúc chẳng liên quan gì đến không gian chung, lồng tiếng chưa khớp khẩu hình, diễn viên chính (Lý Công Uẩn, Giáng Bình) chưa gây được ấn tượng đẹp...

Đó là những gì mà khán giả nhận thấy cho đến tập thứ 10 đã phát trên kênh VTV3. Tuy nhiên, với những gì đã thể hiện, Huyền sử thiên đô là bộ phim xứng đáng được xem và khích lệ. Những bộ phim như thế được phát trên truyền hình sẽ góp phần không nhỏ giúp người Việt biết sử Việt và thêm yêu lịch sử nước nhà.

HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên