17/03/2022 09:34 GMT+7

Xem hiện vật văn hóa là đồ dùng thông thường?

THÁI LỘC - TUYẾT MAI
THÁI LỘC - TUYẾT MAI

TTO - Ngày 14-3, hội đồng xét xử phiên phúc thẩm Tòa án cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ "nhập nhằng" giữa "hàng tiêu dùng đã qua sử dụng" và "đồ giả cổ", giao cho tòa sơ thẩm giải quyết lại.

Xem hiện vật văn hóa là đồ dùng thông thường? - Ảnh 1.

Hình ảnh cặp đôn gốm và một phần họa tiết - Ảnh tư liệu

Ban đầu người ta đưa sang ngành văn hóa giám định, xác định không phải là cổ vật thì phải trả lại cho người ta chứ. Nếu là cổ vật đi nữa, người ta mua hợp pháp thì cũng phải trả cho người ta, nó nằm trong chủ trương Nhà nước khuyến khích đem những cổ vật thuộc văn hóa Việt Nam về lại Việt Nam, không có lý do gì mà tịch thu. Còn chuyện liệt nó vào như một loại đồ dùng thông thường để yêu cầu giám định vì một mục đích nào đó thì quả là quá buồn cười và tôi cũng không thể hiểu nổi nữa.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Sự việc bắt đầu khi ông Phạm Hoàng Việt (phường 8, quận 3, TP.HCM) thuê một công ty vận chuyển cặp đôn bằng gốm từ Pháp về TP.HCM, về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 11-8-2018. 

Đến ngày 14-8-2018, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP.HCM) đã không cho thông quan, lập phiếu trưng cầu giám định gửi Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM.

Hai bản giám định đối ngược

Ngày 22-8-2018, Phòng kiểm tra văn hóa phẩm xuất nhập khẩu (Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM) có "Giấy xác nhận nội dung văn hóa phẩm xuất, nhập khẩu", trong đó nêu rõ: Sau khi kiểm tra giám định, Phòng kiểm tra văn hóa phẩm xuất nhập khẩu xác nhận nội dung như sau: "01 (một) cặp đôn bằng gốm dùng để trang trí... 

Gốm men nhiều màu kiểu gốm Sài Gòn: Đồ giả cổ, mô phỏng một ngôi miếu, có thể hiện hình người và tượng thần hộ pháp (thần bảo vệ đền, miếu). Được phép nhập khẩu. Không vi phạm nghị định 32/2012/NĐ-CP...".

Đến ngày 14-9-2018, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh tiếp tục có công văn trưng cầu giám định gửi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. 

Ngày 26-9-2018, kết quả giám định của trung tâm này ghi rõ: "Đôn bằng gốm, dùng làm vật dụng trang trí; tại thời điểm giám định, hàng đã qua sử dụng, thuộc Phụ lục danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu được ban hành kèm theo thông tư số 12/TT-BCT ngày 15-6-2018 của bộ trưởng Bộ Công thương".

Ông Việt tiếp tục cử người đại diện làm đơn khiếu nại. Đến ngày 8-5-2019, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh ra quyết định tạm giữ cặp đôn, sau đó quyết định không chấp nhận khiếu nại... 

Ông Việt khởi kiện chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh ra Tòa án nhân dân TP.HCM, yêu cầu hủy các quyết định của chi cục này và đề nghị giải quyết thông quan cho lô hàng. Ngày 1-6-2020, phiên sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu của ông Phạm Hoàng Việt. Ông này tiếp tục kháng cáo bản án lên cấp phúc thẩm...

Tại phiên phúc thẩm, hội đồng xét xử đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Việt, tuyên hủy bản án sơ thẩm. Hội đồng đưa ra ba lý do chính, trong đó có việc tòa sơ thẩm chưa giải quyết rốt ráo sự mâu thuẫn dẫn đến trái ngược của hai bản giám định hiện vật.

Cách nhìn kỳ lạ

Không ít người thắc mắc về vụ việc rằng hiện vật như đã mô tả (một cái đôn gốm), đã được cơ quan hải quan đưa qua ngành văn hóa giám định với tư cách là một vật phẩm văn hóa là quá đúng, thì vì sao ba tuần sau lại tiếp tục đưa sang ngành đo lường chất lượng giám định với tư cách là "đồ dùng thông thường"?

Nhà nghiên cứu văn hóa cổ vật Trần Đình Sơn cho rằng thật quá buồn cười khi cặp đôn gốm này bị xem là đồ dùng thông thường đã qua sử dụng. Cũng có thể nó chưa phải là đồ cổ, nhưng ai cũng có thể nhận ra đây là đồ mỹ nghệ, có giá trị văn hóa. 

Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng việc Tòa án cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án nói trên là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật. Từ vụ án này, luật sư Cao cho rằng có những vấn đề cần được làm rõ.

Thứ nhất, cần được làm rõ về sự mâu thuẫn trong kết luận giám định về cặp đôn gốm bị thu giữ. 

Thứ hai, việc đang có những kết luận mâu thuẫn nhau đối với cặp đôn gốm nhưng lại dùng ý kiến bất lợi cho người khởi kiện để làm quan điểm xét xử mà chưa trưng cầu cơ quan thứ ba độc lập để giám định, cho kết luận độc lập là chưa khách quan. 

Thứ ba, đối với một vụ án hành chính, biên bản vi phạm hành chính và các chứng cứ, thông tin của những người làm chứng, các bên liên quan khi chứng kiến hành vi hành chính vi phạm là cần thiết cho việc giải quyết vụ án, nhưng nếu chưa được thu thập đầy đủ thì sẽ không đảm bảo căn cứ kết luận. 

Như vậy, cả về áp dụng pháp luật về nội dung lẫn trình tự tố tụng, vụ án cần thiết được xem xét giải quyết lại để có phán quyết chính xác và công minh.

Luật sư Lê Cao cho rằng khi xét xử các vấn đề liên quan đến những di vật, đồ vật có dính dáng đến tính văn hóa, lịch sử và không đơn thuần chỉ là một loại hàng hóa thông thường thì cần có các kết luận chuyên môn xác định chính xác bản chất thực sự, định nghĩa được giá trị, nêu được tên gọi cụ thể của vật phẩm và kết luận đó phải độc lập khách quan, có cơ sở khoa học thì mới đảm bảo làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án.

Cặp đôn gốm bao nhiêu tuổi?

Luật sư Lê Cao nói: "Việc xem một vật phẩm chỉ là một hàng hóa thông thường hay là vật mang giá trị văn hóa lịch sử thì sẽ có những đánh giá, nhận định khác nhau khi áp dụng pháp luật để xử lý.

Nếu chỉ là hàng hóa thông thường thì áp dụng các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh thông thường; nhưng nếu vật có giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học thì được xem là di vật và việc mua bán, nhập khẩu di vật lại còn phải được đối chiếu với quy định của Luật di sản văn hóa 2001 (sửa đổi năm 2009).

Ngoài ra, hiện người ta đang cho rằng cặp đôn gốm Cây Mai là đồ giả cổ. Vậy liệu đã có cơ quan giám định nào xác định chính xác độ tuổi, xem đã được 100 tuổi hay chưa, có giá trị tiêu biểu gì về khía cạnh văn hóa và lịch sử hay không. Vấn đề này chưa được làm rõ sẽ ảnh hưởng đến cơ sở giải quyết vụ án".

TH.LỘC ghi

Để tránh những “quả lừa” đồ cổ giả Để tránh những “quả lừa” đồ cổ giả

TT - Cùng với chia sẻ kinh nghiệm phân biệt cổ vật thật giả, nhà nghiên cứu và sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn còn khuyên cách ứng xử trước “thế giới” cổ vật vốn đầy rẫy những chiêu trò tinh vi.

THÁI LỘC - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên