29/11/2018 08:58 GMT+7

Xe máy cấp cứu vô hẻm

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - “Alô, alô! Bác sĩ ơi nhanh chân lên, vợ tôi đang rất đau bụng, cái thai trong bụng chỉ mới 31 tuần” - với giọng đầy âu lo, chồng sản phụ chỉ mong sao có người đến ngay.

Xe máy cấp cứu vô hẻm - Ảnh 1.

Xe cấp cứu 2 bánh len lỏi vào khu vực hẻm sâu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các ca cấp cứu phải chạy vào các hẻm sâu ngoằn ngoèo. Thời gian trung bình để tiếp cận nạn nhân từ 3-5 phút ở khu vực trung tâm Q.1, từ 10-15 phút ở các Q.4, Q.7 và đến nay may mắn chưa xảy ra sự cố đáng tiếc

Ông Nguyễn Khắc Vui (phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn)

Tiếp nhận yêu cầu cấp cứu khẩn cấp của chồng sản phụ, trong chớp mắt êkip cấp cứu ngoại viện gồm bác sĩ Dương Tú Nguyên cùng một nữ điều dưỡng (Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn) cưỡi xe máy được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, thuốc men phóng nhanh về một ngôi nhà nằm sâu trong đường Đoàn Văn Bơ (P.16, Q.4, TP.HCM) cứu thai phụ.

Chạy đua từng giây

Đường qua Q.4 bình thường vốn hay kẹt xe, cấp cứu rơi vào giờ cao điểm kẹt xe càng khủng khiếp. Không còi hú ưu tiên, chỉ gắn lên thân xe biểu tượng "cấp cứu 115", êkip cấp cứu như chạy đua với thời gian, len lỏi vào từng ngõ ngách để có thể tiếp cận người bệnh sớm nhất có thể.

Phải mất 10 phút mướt mồ hôi êkip cấp cứu mới có mặt tại nhà thai phụ T.T.N.N. (37 tuổi). Đây là lần sinh thứ 4 của chị N. và thai trong bụng đang rơi vào tình thế khá cấp bách: dọa sinh non khi thai vừa 31 tuần, thai phụ bị nhau tiền đạo.

"Khi đang đi đường, người nhà lo lắng gọi điện liên tục, thấy chúng tôi tới, họ mới phần nào yên tâm. Người vợ lúc này nằm trên giường đau quằn quại từng cơn. Khoảng 5 phút sơ cứu nhanh, chúng tôi nhanh chóng chuyển lên xe cứu thương 4 bánh vừa tới, đưa vào Bệnh viện Từ Dũ xử trí an toàn" - bác sĩ Nguyên nói.

Vừa xong ca đầu tiên, trong ngày 19-11 êkip cấp cứu ngoại viện của bệnh viện còn phải tất tả len lỏi vào sâu trong hẻm 55 đường Lê Thị Hồng Gấm (Q.1) để sơ cấp cứu cho thai phụ N.K.B. (27 tuổi) bị thai lưu 4 tuần, thai ngoài tử cung vỡ, tràn dịch ổ bụng. Rồi cũng sơ cấp cứu tại chỗ cho một cụ ông ở đường Đề Thám (Q.1) bị ngưng hô hấp tuần hoàn nghi nhồi máu cơ tim.

Bao năm qua cụ H.H.T. (82 tuổi, ngụ Q.1) bị căn bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường hành hạ và biết bao lần phải gọi xe cấp cứu vào bệnh viện điều trị. Vừa rồi đúng lúc mô hình cấp cứu xe hai bánh thí điểm, cụ T. trở thành một trong những người bệnh đầu tiên được sơ cấp cứu tại gia. "Tôi không ngờ xe cấp cứu tiếp cận nhanh chóng đến như thế, các bác sĩ lại tận tình thăm hỏi, khám chữa bệnh rất chu đáo" - cụ T. nói.

Xe máy cấp cứu vô hẻm - Ảnh 3.

Các bác sĩ cấp cứu nhanh chóng đến sớm với bệnh nhân - Ảnh: D.PHAN

Phối hợp nhịp nhàng

Ông Nguyễn Khắc Vui - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - cho biết từ ngày 7 đến 26-11 có 67 trường hợp xuất xe ngoại viện, trong đó có 26 ca cấp cứu bằng xe máy. Người gọi cấp cứu đa dạng từ người già, thanh niên, sản phụ, trẻ em với đủ loại bệnh tăng huyết áp, thiếu máu não, rối loạn tiêu hóa, tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh non...

Khi tiếp cận bệnh nhân, các bác sĩ đều thực hiện các thao tác hạ áp, hỗ trợ hô hấp, giảm đau, truyền đường, nẹp cố định... rồi tiếp tục chuyển đến bệnh viện điều trị hoặc cấp toa thuốc điều trị tại nhà.

Sau ba tuần thí điểm, đa phần ý kiến người bệnh đều hài lòng với mô hình cấp cứu này, một số người dân cảm thấy hơi "ngỡ ngàng" vì... mô hình cấp cứu khá lạ. "Trước khi đến nơi chúng tôi thường gọi điện thông báo, khu vực nào khó tìm thì người nhà có thể ra để đón. Đa phần người bệnh rất tin tưởng, mừng rỡ khi êkip cấp cứu của bệnh viện có mặt" - bác sĩ Trần Điền Tú (Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn) nói.

Xe máy cấp cứu vô hẻm - Ảnh 4.

Nhân viên cấp cứu ngoại viện sơ cấp cứu cho người bệnh - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn

Các bệnh viện xin được triển khai

Một số bệnh viện khác như Q.Thủ Đức, Q.1, Q.2, Q.4 xin Sở Y tế được triển khai mô hình cấp cứu ngoại viện bằng xe máy. Theo các lãnh đạo bệnh viện, trong bối cảnh tần suất cấp cứu ngoại viện tăng cao, số cuộc gọi cần cấp cứu rất lớn, địa bàn các quận nhiều hẻm chằng chịt cộng với nạn kẹt xe... đang là nỗi ám ảnh mỗi lần điều xe cấp cứu.

"Với ba xe cứu thương hiện có đơn vị rất khó khăn trong việc điều tiết xe mỗi khi người bệnh có nhu cầu. Có hôm trời mưa gió không đủ xe, bác sĩ phải xách đồ nghề gọi taxi xuống trước để sơ cứu ban đầu rồi đợi xe cấp cứu đến sau" - ông Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Q.2, nói.

Số cuộc gọi cấp cứu hiện nay lên đến 30 cuộc/ngày, trong khi chỉ có hai xe cấp cứu khá cũ, ông Nguyễn Minh Quân - giám đốc Bệnh viện Q.Thủ Đức - cho rằng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Thiếu xe cấp cứu, kẹt xe khiến xe cấp cứu đến chậm là lý do khiến nhiều người bệnh phàn nàn. "Nếu được thực hiện mô hình cấp cứu xe hai bánh, tôi nghĩ sẽ rất hiệu quả, đặc biệt đối với Q.Thủ Đức vốn dân cư đông đúc nhiều ngõ hẻm chằng chịt" - bác sĩ Quân trình bày.

Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế - cho rằng việc thí điểm thành công hay không phụ thuộc vào độ hài lòng của người bệnh và nhất trí tiếp tục nhân rộng mô hình này ở nhiều bệnh viện khác.

Ông Thượng lưu ý các đơn vị tham gia phải đảm bảo yêu cầu về nguồn nhân lực, phương tiện, thuốc men... Đồng thời yêu cầu thống nhất quy trình vận hành các loại xe khi có cuộc gọi cấp cứu đảm bảo "giờ vàng" sơ cấp cứu người bệnh. Dự kiến thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ kéo dài trong 3 tháng, sau đó sơ kết đánh giá hiệu quả trình UBND TP.HCM và Bộ Y tế được chính thức triển khai.

Xe máy cấp cứu vô hẻm - Ảnh 5.

Những khu vực hẻm sâu, ngập nước, kẹt xe..., mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh phát huy tác dụng

Quy trình 7 bước cấp cứu

Bước 1: Trực cấp cứu ngoại viện tiếp nhận cuộc gọi từ 115 hoặc cộng đồng và xác định lại thông tin với nơi cần cấp cứu.

Bước 2: Phân loại nhanh (tình trạng bệnh; tình trạng giao thông, khoảng cách; yêu cầu dịch vụ của người bệnh và báo cáo nhanh bác sĩ trực ngoại viện quyết định).

Bước 3: Xuất xe cấp cứu hai bánh cùng êkip bác sĩ, điều dưỡng (có thể cùng lúc xuất xe cấp cứu 4 chỗ theo sau).

Bước 4: Đánh giá tình hình bệnh nhân tại hiện trường. Bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu ngoại viện luôn giữ liên lạc với bệnh viện, nếu cần hỗ trợ gọi về trung tâm 115 hoặc bệnh viện.

Bước 5: Thực hiện các thủ thuật, cấp cứu cần thiết, chỉ định nhập viện hoặc cấp toa.

Bước 6: Nếu bệnh nhân tử vong lập biên bản tử vong và bàn giao với công an khu vực.

Bước 7: Thu gom dụng cụ, tạm tính chi phí ban đầu. Bệnh nhân, người nhà tới bệnh viện lấy phiếu công khai dịch vụ khám chữa bệnh và hóa đơn thanh toán tiền.

Bốn bệnh viện quận 1, 2, 4, Thủ Đức muốn cấp cứu bằng xe hai bánh Bốn bệnh viện quận 1, 2, 4, Thủ Đức muốn cấp cứu bằng xe hai bánh

TTO - Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Vui, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, cho biết từ ngày 7 đến 26-11 có 26 ca cấp cứu bằng xe hai bánh; đa số hài lòng dù một số thấy "lạ". Bốn bệnh viện khác đã muốn làm theo.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên