23/11/2013 06:24 GMT+7

Xe hốt rác của Nhiên

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TT - Khoảng sân đầy lá. Cô sinh viên Lê An Nhiên - khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM - đẩy chiếc xe màu vàng chanh có kích cỡ như xe nôi đi tới đi lui. Xe đến đâu lá cây tự động sạch trơn đến đó mà không phải đụng tay đụng chân.

mYSLaeVM.jpgPhóng to
Lê An Nhiên với tác phẩm của mình Ảnh: Hà Bình

Chiếc xe hốt rác tự động ấy là đồ án tốt nghiệp của sinh viên Lê An Nhiên - thủ khoa ngành mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2013. Nhìn bề ngoài chiếc xe có vẻ giống... xe hơi cỡ nhỏ với kiểu dáng đường nét thẩm mỹ cao. Chỉ khác là xe hoạt động hoàn toàn bằng cơ. Phía trước xe gắn hai chổi tròn xoay theo hướng bánh xe. Khi người đẩy xe đi tới, hai chổi này sẽ xoay để lùa rác vào giữa. Ở đó, một chổi ngang sẽ chặn rác lại, đẩy vào một dây chuyền rồi đưa vào thùng chứa được thiết kế như chiếc hộc tủ. Thùng chứa này lót bọc nilông. Khi rác đầy chỉ cần “mở tủ” lấy rác ra để tiếp tục công việc.

Nhiên bảo ý tưởng xe hốt rác tự động nhen nhóm khi bạn thấy cô chú công nhân vệ sinh thường xuyên phải tiếp xúc với rác, ảnh hưởng đến sức khỏe. Và để hiện thực hóa ý tưởng, việc đầu tiên Nhiên làm là đi... phỏng vấn các cô chú lao công. “Bất tiện thì nhiều - cô Lý, nhân viên có 20 năm làm nghề quét rác tại một công viên, trao đổi với Nhiên - đôi khi chổi bị te đầu, quét nặng lắm. Cả khi bệnh cũng không dám nghỉ...”.

Rồi Nhiên nghiên cứu thêm về các loại chổi, ki hốt rác. Sau cả tháng ròng rã đi thực tế, Nhiên bắt tay vào phác thảo chiếc xe trên máy tính rồi mang ra tiệm cơ khí. Chiếc xe ra đời. Tay đẩy có thể nâng lên, hạ xuống phù hợp với chiều cao người sử dụng. “Lúc đẩy thử rác cũng lùa hết vào thùng, nhưng khi lùi xe lại rác... chạy ngược trở ra. Nghĩ mãi, cuối cùng mình giải quyết bằng cách lắp một cái líp của xe đạp. Dây chuyền chuyển rác chỉ hoạt động khi xe đi tới, lúc xe đi lui thì rác nằm im” - Nhiên nói.

Xe hốt rác tự động hoạt động đơn giản nhưng rất hiệu quả. Nhiên bảo mình làm chiếc xe cho cô chú lao công dùng nên càng đơn giản càng tốt.

Đồ án của Nhiên tốn trên 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu được sản xuất hàng loạt thì theo Nhiên chi phí chỉ khoảng 5 triệu đồng/chiếc. “Mong ước của mình khi làm ra chiếc xe này là giúp các cô chú lao công nhẹ nhàng hơn với công việc, không phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải. Và xe hốt rác làm việc sẽ tạo cảnh quan văn minh hơn cho đời sống” - Nhiên nói.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên