Xe hơi nhập khẩu về VN ngày càng nhiều về chủng loại, giá cả, nguồn gốc. Trong ảnh: người dân tham quan một triển lãm xe hơi ở TP.HCM Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa có kiến nghị lần thứ hai cho rằng nhiều quy định nhập khẩu ôtô của Việt Nam đang gây khó khăn nên thay vì xin ưu đãi thuế các doanh nghiệp chuyển sang xin nới điều kiện nhập khẩu.
Và điều này đã khiến những doanh nghiệp đang đầu tư vào sản xuất giật mình...
Liên tiếp gửi kiến nghị
Trong tuần này, các bộ ngành sẽ họp bàn về các nội dung trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA, đồng thời là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, vừa gửi các bộ ngành bản kiến nghị thứ 2 về Nghị định 116 khẳng định nhiều điểm trong nghị định gây khó khăn, tăng chi phí.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Anh Tuấn,Trưởng tiểu ban chính sách của VAMA, xác nhận và cho biết Nghị định 116 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp chứng nhận chất lượng kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp là "thiếu khả thi".
Lý do là mỗi quốc gia thường chỉ tiến hành thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, yêu cầu thử nghiệm cho từng lô xe nhập khẩu và đường thử có tổng chiều dài 800m sẽ gây khó khăn và tốn kém thêm cho doanh nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam, cho biết việc nghị định ban hành và áp dụng quá nhanh khiến doanh nghiệp gặp khó vì chỉ có hơn hai tháng để xoay đủ các loại giấy tờ nếu không muốn bị tạm ngưng nhập khẩu sau ngày 31-12-2017.
Đại diện Toyota Việt Nam cũng cho rằng do vướng quy định kiểm định chất lượng từng lô xe nên hàng loạt mẫu xe nhập khẩu như Fortuner, Yaris... sắp tới có thể "lỡ hẹn" dịp đầu năm 2018, làm tăng chi phí khiến giá xe khó giảm.
Với những khó khăn trên, ông Phạm Anh Tuấn cho biết hiện nay một số doanh nghiệp thành viên đã phải hủy đơn hàng, gây tổn hại không nhỏ.
Do đó, VAMA đề nghị nới hàng loạt quy định: chỉ yêu cầu thử nghiệm khí thải và an toàn với lô hàng đầu tiên, không yêu cầu về đường thử...
“Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng phải chịu chi phí tốn kém như vậy và vẫn phải đáp ứng, tại sao doanh nghiệp nhập khẩu xe lại kêu khó?
Ông Lê Ngọc Đức
Doanh nghiệp trong nước: có gì mà kêu khó?
Dù là Phó chủ tịch VAMA nhưng ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), lại cho rằng những nội dung trong nghị định là hợp lý và tất cả xe nhập khẩu về VN cần đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam.
Do đó, doanh nghiệp trước khi nhập khẩu một kiểu loại ôtô phải kiểm tra, đối chiếu, không thể xảy ra trường hợp xe nhập về có sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải hay các đặc điểm kỹ thuật khác.
Với yêu cầu cấp "bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài", ông Kha cho rằng cần thiết để đảm bảo chất lượng xe nhập khẩu, hạn chế ôtô kém chất lượng.
Ngoài mục đích bảo vệ người tiêu dùng, theo ông Kha, điều này cũng tạo sự bình đẳng.
Lý do, ông Kha cho biết với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi kiểu loại xe đều phải qua các bước: thiết kế, thử nghiệm mẫu, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng linh kiện (trừ một số trường hợp), thử nghiệm khí thải, đánh giá điều kiện xuất xưởng...
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô Hyundai Thành Công, cũng cho rằng quy định như Nghị định 116 là cần thiết bởi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô là ngành kinh doanh có điều kiện và xe hơi là phương tiện cần đảm bảo an toàn.
Khẳng định các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đều phải qua các khâu kiểm tra, thẩm định, thử nghiệm các linh kiện vật tư cấu thành, nên với quan điểm cho rằng cơ quan quản lý nước ngoài không cấp chứng nhận kiểu loại cho xe xuất khẩu, theo ông Đức là "thiếu thuyết phục".
Lý do được ông Đức đưa ra là nếu quốc gia đó không cấp chứng nhận thì có thể đưa chiếc xe đó đi thử nghiệm ở các trung tâm, tổ chức thử nghiệm quốc tế.
Với yêu cầu về đường thử, ông Đức cho rằng tiêu chuẩn 800m mà VN đặt ra là không khắt khe, vì có nước yêu cầu đường thử 2km.
Cho rằng những yêu cầu của Nghị định 116 là để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, cũng thể hiện cam kết và trách nhiệm của nhà sản xuất, ông Đức băn khoăn: doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng phải chịu chi phí tốn kém như vậy và vẫn phải đáp ứng, tại sao xe nhập khẩu lại nói khó?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Công thương khẳng định các yêu cầu đặt ra trong Nghị định 116 là để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và cạnh tranh bình đẳng, tránh sản xuất trong nước bị bóp nghẹt.
Cả nhà nhập khẩu và sản xuất trong nước đều phải thực hiện nên sẽ công bằng, buộc doanh nghiệp trách nhiệm hơn với sản phẩm.
Chuyên gia kinh tế - luật sư Bùi Quang Tín cũng cho rằng nếu chỉ kiểm tra, thử nghiệm các lô xe đầu tiên có thể sẽ xảy ra thay thế linh kiện kém chất lượng. Tuy nhiên, ông Tín đề nghị việc kiểm tra nên rút ngắn thời gian.
Còn theo ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc siết chặt quy định nhập khẩu xe hơi để tránh Việt Nam thành bãi rác thải về công nghệ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho sản xuất trong nước, thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Lo ùn tắc cảng là không đúng?
Về lo ngại nghị định có hiệu lực nhanh có thể khiến hàng ùn tắc, không về kịp, ông Bùi Kim Kha cho rằng thực tế nhập khẩu xe hơi vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31-12-2017.
Như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu không quá khó để đưa hàng về cảng trước ngày 31-12-2017.
"Theo tôi, không thể có trường hợp ùn tắc tại cảng và không đăng kiểm được. Thaco cũng nhập xe Mazda 2, Mazda BT50, KIA, Peugeot về Việt Nam và chúng tôi không hề gặp vướng mắc gì", ông Kha nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận