18/07/2017 15:00 GMT+7

Xe đò, quá giang, con lươn và lời của nước

THS NGUYỄN HIẾU TÍN, (TRƯỜNG ĐH TÔN ĐỨC THẮNG)
THS NGUYỄN HIẾU TÍN, (TRƯỜNG ĐH TÔN ĐỨC THẮNG)

TTO - Trong ngôn ngữ hằng ngày, nước và những tính chất của nước luôn được người Việt sử dụng với nhiều lớp nghĩa rất phong phú và đa dạng. Đất cũng nước, làng cũng nước, nhà cũng nước, hồn cũng nước, lúa cũng nước, rối cũng nước...

.

Đối với những cư dân nông nghiệp vùng nhiệt đới với khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao như ở Việt Nam - nơi mà canh tác đất đai chủ yếu là trồng lúa nước, nước chi phối sâu sắc đến toàn bộ đời sống của người dân Việt.

Với người Việt, hình ảnh nước được lưu nhận, cố định trong ngôn ngữ dân tộc như một ký mã có thể lý giải được về mặt văn hóa, tiếp nguồn cho đạo lý của dân tộc để mang lại “hồn nước” thấm đẫm trong dòng chảy văn hóa của lịch sử.

Cách lập ý từ hình ảnh sông nước

Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm người Việt đến mức “nước” là danh từ với nghĩa ban đầu để chỉ chất lỏng, nhưng với người Việt bằng phương pháp hoán dụ đã chuyển “quê hương”, “tổ quốc”, “lãnh thổ” thành từ đồng nghĩa với “nước” - để chỉ “tổ quốc”, người Việt chỉ cần chữ “nước” là đủ - một hiện tượng hiếm thấy trên thế giới.

Người Trung Hoa có chữ “quốc” mang hình dáng vuông vắn, tượng hình một vùng đất; người Pháp dùng từ “nation” nhấn mạnh đến yếu tố “nơi tôi sinh ra”. Hoàn toàn không giống cách lập ý của người Việt.

Trong các quy luật hình thành ngôn ngữ, có một quy luật xuất phát từ những yếu tố sông nước hoặc những hoạt động trên sông nước, người Việt hay nói: anh ta ăn nói trôi chảy, hai đứa nhìn nhau đắm đuối, thời gian trôi nhanh, thân phận bọt bèo, mặt trời lặn, suối tóc, làn sóng đấu tranh, lặn lội đến thăm nhau, làm việc ngập đầu, chìm đắm trong suy tư, tràn trề hạnh phúc...

Đi nhờ xe một đoạn gọi là quá giang (qua sông), đi xe khách liên tỉnh thì người Nam Bộ gọi là xe đò, vách ngăn cách trên đường bộ thì gọi là con lươn (con vật sống dưới nước), rẻ như bèo (thực vật sống dưới nước)...

Nước đã ghi dấu ấn đậm nét trong tâm thức người Việt thông qua những câu ca dao - tục ngữ. Có nhiều công trình nghiên cứu về thiên nhiên sông nước trong ca dao - tục ngữ.

Các nhà nghiên cứu đã thống kê chỉ riêng trong ca dao, dân ca Nam Bộ có đến 48 hình tượng thiên nhiên liên quan đến sông nước, riêng nước xuất hiện 417 lần.

Ví như: nói về lòng biết ơn: uống nước nhớ nguồn; về nghị lực ý chí: chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo; về tình đoàn kết: thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn; về tính tiết kiệm: buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện; về cuộc đời: sông có khúc, người có lúc; về quan hệ vợ chồng, tình yêu nam nữ: thuyền theo lái, gái theo chồng...

Biểu tượng sinh thành

Đặc trưng sông nước này cũng ghi dấu trong các địa danh trên đất Việt như: Bến Nghé, Bến Thành, Bến Dược, An Giang, Hậu Giang, Hà Tiên, Hà Tĩnh, Cửa Đại, Cửa Lò, Hải Dương, Hải Hậu, Hải Ninh... Tính riêng trên địa bàn của TP.HCM cũng đã có tới 1.319 địa danh là tên sông rạch.

Thật thú vị thay, nước còn được xem là biểu tượng sinh thành của dân tộc.

Một linh vật của dân tộc Việt lại có nguồn gốc từ nước, đó chính là hình tượng “con Rồng cháu Tiên” qua truyền thuyết “Lạc Long Quân, Âu Cơ và cái bọc trăm trứng”. Rõ ràng nước trong trường hợp này được hiểu là nơi mà sự sống nguyên khai nảy sinh.

Tiếng Việt còn giữ lại một thành ngữ văn chương điển hình cho biểu tượng nước: “thuở còn trứng nước” chỉ đứa trẻ sơ sinh, có một ý nghĩa hồng hoang, khởi thủy.

Từ lúc còn “trứng nước” đến khi lìa đời, người Việt cũng hình dung về đến “thế giới bên kia” là một vùng sông nước - “về nơi chín suối”, “về với suối vàng”.

Và cũng không quên phương tiện tiễn đưa người mất - quan tài được mô phỏng hình là chiếc thuyền rồng (phương tiện vận chuyển trên nước) với nghi lễ chèo đưa linh trong phong tục tang ma truyền thống.

Như vậy, rõ ràng ngôn ngữ “tiếng nước tôi” đã hiển lộ rõ dấu ấn đậm nét của nước trong việc ứng xử, giao tiếp lời ăn tiếng nói hằng ngày, biết khôn ngoan “gạn đục khơi trong”, biết mạnh mẽ, bền bỉ với “nước chảy đá mòn”, biết mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển như nước để “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”... tạo nên nét đặc trưng của cư dân nông nghiệp từ một vùng sông nước mênh mông.

THS NGUYỄN HIẾU TÍN, (TRƯỜNG ĐH TÔN ĐỨC THẮNG)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên