24/09/2013 10:50 GMT+7

Xây trung tâm hành chính: "Rằng hay thì thật là hay..."

ĐÔNG HÀ - ĐĂNG NAM
ĐÔNG HÀ - ĐĂNG NAM

TT - Cán bộ có trách nhiệm ở một số tỉnh thành đều cho rằng xây dựng trung tâm hành chính là cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho dân cũng như công tác quản lý. Nhưng cũng có ý kiến đặt vấn đề giữa lúc trường học, bệnh viện còn quá nghèo nàn thì có nên ưu tiên xây dựng các trung tâm hành chính hoành tráng?

UTXL9603.jpgPhóng to
Một góc trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Đ.Hà

Nói về hiệu quả của trung tâm hành chính chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau hơn một năm hoạt động, chiều 23-9 ông Võ Thành Kỳ, chánh văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: qua đánh giá của các ban, sở, ngành, việc đưa tất cả cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể vào trung tâm hành chính rất thuận lợi trong quan hệ công việc giữa các đơn vị. Ngoài việc cán bộ viên chức hài lòng thì người dân và doanh nghiệp cũng được thuận tiện khi đến cơ quan nhà nước làm việc. “Trung tâm hành chính chính trị tỉnh hoạt động hiệu quả, đem lại sự thuận tiện cho mọi người” - ông Kỳ nói.

Ông Tạ Quốc Trưởng, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết việc xây trung tâm hành chính rẻ hơn so với xây trụ sở của từng cơ quan. Đó là chưa kể đến việc xây từng trụ sở chiếm nhiều đất, chi phí quản lý, chi phí vận hành của từng trụ sở cũng tốn kém hơn nhiều so với một trung tâm.

Một cán bộ văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết có trung tâm hành chính làm cho các cơ quan nhà nước gọn hơn, đặc biệt giảm được chi phí xe, xăng đi lại, chi phí bưu điện chuyển công văn, chi phí bảo vệ, cây xanh... Tại trung tâm hành chính chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công văn từ cơ quan này đến cơ quan khác đều đưa trực tiếp. Theo cán bộ này, việc khó khăn hơn của trung tâm hành chính là công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự vì trung tâm rộng nên khó kiểm soát hơn so với từng trụ sở nhỏ.

Nói về sự tác động của trung tâm hành chính tỉnh đối với sự phát triển của TP Bà Rịa, một lãnh đạo TP Bà Rịa nói trung tâm mới dời về hơn một năm nay nên chưa thể nói được gì.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tâm - trưởng Ban quản lý dự án xây dựng Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án trung tâm hành chính TP) - cho biết khoảng cuối tháng 11 tới sẽ chính thức đưa trung tâm hành chính TP Đà Nẵng vào hoạt động. Theo đó, mỗi sở ngành có vị trí tầng làm việc riêng biệt. Toàn bộ khu vực tầng 1 sẽ là trung tâm giao dịch hành chính bảo đảm tất cả các sở ngành đều có phòng tiếp công dân, cũng như để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Đặc biệt là các sở ngành thường xuyên tiếp công dân như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - môi trường... sẽ được bố trí gần nhau để giúp người dân tiện bề liên thông. “Ví dụ như người dân có nhu cầu cấp giấy phép xây dựng thì ngày trước phải đi qua nhiều sở ngành với một cung đường khá xa, nay dồn lại ở trung tâm hành chính người dân di chuyển từ sở này qua sở khác chỉ vài chục bước chân” - ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, khi tập trung hết về một tòa nhà, việc quản lý nhân viên cũng như giám sát thái độ phục vụ của cán bộ các sở ngành với người dân sẽ tốt hơn thông qua hệ thống “Quản lý tòa nhà thông minh”. Ngoài cái lợi đó, về phía Nhà nước cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó là việc các sở ngành cùng sử dụng một đội xe công, hay đơn giản là sử dụng chung một hội trường họp... Trước mắt sau khi đưa vào sử dụng, TP Đà Nẵng sẽ thuê một đơn vị chuyên quản lý nhà cao tầng để điều hành, quản lý toàn bộ tòa nhà 34 tầng này trong hai năm đầu, sau đó sẽ chuyển giao dần cho ban quản lý tòa nhà.

Ông Tâm cho biết hiện toàn bộ hơn 1.700 tỉ đồng đầu tư xây dựng tòa nhà trung tâm hành chính đều lấy từ nguồn ngân sách chứ chưa có đồng nào lấy từ nguồn bán công sở. “Phía TP đang tập trung nhân lực, vật lực để kịp hoàn thành tòa nhà đúng tiến độ. Thực tiễn thế nào thì chưa lường hết được nhưng theo tôi, trước mắt trung tâm hành chính TP này sẽ mang lại nhiều cái lợi cho người dân lẫn bộ máy hành chính của TP” - ông Tâm nhận định.

Coi chừng hội chứng “gà tức nhau tiếng gáy”

Ông Lê Như Tiến - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề nhiều nơi đổ tiền xây công sở cũng như các trung tâm hành chính.

* Từng đi giám sát ở nhiều địa phương trên toàn quốc, ông có nhận xét gì liên quan đến quy mô của trụ sở các cơ quan hành chính địa phương?

- Nói đến trụ sở các cơ quan hành chính ở địa phương thì có nhiều cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Mỗi cấp có đặc thù riêng và ở cấp tỉnh cũng có nhiều loại trụ sở khác nhau. Khó có một nhận xét bao quát. Tuy nhiên, có thể nói với cấp xã nhiều nơi còn khó khăn, còn cấp tỉnh thì nhìn chung các trụ sở được xây dựng khang trang, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và là bộ mặt của cơ quan công quyền ở địa phương. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng trụ sở nơi này nơi khác còn lãng phí là hoàn toàn có cơ sở.

Theo tôi, đây là việc thực hiện không nghiêm túc chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngoài ra còn có dấu hiệu của bệnh thích hoành tráng, của hội chứng “gà tức nhau tiếng gáy” giữa các địa phương. Chúng ta chưa nói đến việc có tiêu cực hay không đằng sau một số công trình hoành tráng, nhưng rõ ràng việc một số địa phương đua xây dựng công trình to lớn là hết sức nguy hiểm, vừa lãng phí ngân sách vừa gây dư luận không hay. Ngân sách để xây dựng các công trình đều từ tiền thuế đóng góp của nhân dân, hiện nay nhu cầu xây dựng bệnh viện, trường học đang rất lớn. Đó là điều cần suy nghĩ.

* Một số tỉnh thành đang xúc tiến xây dựng trung tâm hành chính cấp tỉnh với tổng vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng, ông nghĩ sao?

- Ở đây chúng ta cần nhìn nhận khách quan rằng xu hướng xây dựng các trung tâm hành chính hiện đại, gom nhiều sở, ban ngành vào một chỗ tạo thuận lợi cho cả công tác quản lý nhà nước cũng như giao dịch của người dân là cần thiết. Ví dụ, vừa rồi đi Quảng Ninh, tôi thấy rằng mô hình khu hành chính liên cơ quan là phù hợp và phát huy tác dụng. Vấn đề là quy mô của trung tâm hành chính đến đâu và cách làm như thế nào. Đất nước còn nghèo thì tinh thần tiết kiệm nên đặt lên hàng đầu. Câu hỏi là nếu liệt kê danh sách các công trình đang cần xây dựng trên địa bàn như trụ sở hành chính, cầu qua sông, bệnh viện, trường học... thì nên đặt ưu tiên vào đâu? Tất nhiên ở nơi nào nhu cầu bức thiết nhất thì phải đặt thứ tự ưu tiên lên trên, ví dụ như giảm tải bệnh viện, trường học... Trong đầu tư công nên có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đổ tiền xây trung tâm hành chínhXây trung tâm hành chính TP.HCMXây trung tâm hành chính gây ngập nhà dân950 tỉ đồng xây trung tâm hành chính Đà NẵngBàn phương án xây dựng trung tâm hành chính Đồng Nai mới

ĐÔNG HÀ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên