28/01/2019 10:24 GMT+7

Xây dựng thương hiệu cho V-League: CLB cần làm mới mình

HUY ĐĂNG ghi
HUY ĐĂNG ghi

TTO - Các chuyên gia trong và ngoài nước khi đóng góp ý kiến với Tuổi Trẻ đều cho rằng các CLB có vai trò quan trọng trong việc làm nên một V-League hấp dẫn đối với người hâm mộ.

Xây dựng thương hiệu cho V-League: CLB cần làm mới mình - Ảnh 1.

Sân bóng đủ chuẩn thi đấu, tiện nghi... cũng sẽ là một yếu tố thu hút khán giả tới sân - Ảnh: N.K.

Ông Trần Văn Nghĩa (cựu tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM):

Sân bóng phải cạnh tranh được với rạp chiếu phim

tranvannghia

"Muốn làm kinh tế thể thao, xây dựng thương hiệu cho đội bóng, những ông chủ CLB phải quan tâm đến những điều nhỏ nhặt nhất. Nói đơn giản là làm sao để sân vận động cạnh tranh được với rạp chiếu phim. 

Chúng ta vào rạp chiếu phim, nhà vệ sinh có máy lạnh, không có một miếng rác, muốn dịch vụ gì cũng có, cũng không phải xếp hàng mua vé. 

Sân bóng đá muốn mang cho CĐV sự thoải mái thì phải đáp ứng được những điều như vậy. Các CLB không thể chỉ trông chờ vào tình yêu bóng đá của CĐV trong việc lôi kéo họ đến sân.

Rồi cả cơ chế của các CLB. Các đội bóng cần phải minh bạch tài chính. Họ có thực sự sống bằng nguồn thu kinh doanh không, hay đơn giản chỉ cần đồng tiền của ông bầu bỏ ra? 

Đội bóng doanh thu thấp, trên lý thuyết thu không đủ chi mà quan chức, lãnh đạo đội vẫn ngồi ở đó thì làm sao tiến bộ được. Bóng đá Việt Nam phải làm sao khắc phục những vấn đề đó mới có thể làm giải đấu một cách chuyên nghiệp được.

Ông Steve Darby (cựu HLV tuyển bóng đá nữ Việt Nam):

Lòng tin rất quan trọng

stevedarby

Để đội tuyển quốc gia tiếp tục duy trì được phong độ, tôi nghĩ việc xây dựng giải đấu tốt hơn là chuyện bắt buộc. Hệ thống giải vô địch quốc gia sẽ là nền tảng để xây dựng một đội tuyển hùng mạnh.

Còn làm thế nào để xây dựng V-League cho tốt? Với những gì tôi biết về bóng đá Việt Nam việc đầu tiên là phải xây dựng niềm tin từ người hâm mộ. 

Theo đó, những vấn nạn mang tính gốc rễ khiến người hâm mộ không quan tâm đến giải đấu như: nghi vấn dàn xếp tỉ số, bạo lực trên sân... phải được loại bỏ. 

Khán giả không thể đến sân khi mà họ không tin tưởng về tính trung thực, sự cạnh tranh của trận đấu.

Các CLB V-League cũng nên tinh lọc lượng cầu thủ nước ngoài. Theo tôi, 2 cầu thủ ngôi sao tạo hiệu ứng mạnh sẽ tốt hơn 5 cầu thủ làng nhàng. Những ngoại binh này phải xuất sắc hơn cầu thủ trong nước và có thái độ chuyên nghiệp cả ở bên ngoài sân.

Ngoài ra, những yếu tố bên ngoài như cửa hàng bán đồ lưu niệm, trang web đội bóng, fanpage... cũng rất quan trọng đối với việc "hút" người hâm mộ đến sân.

Ông Ong-arj Kosinkar (cựu giám đốc Thai League):

Chọn học điều phù hợp

kosinkar

Cách đây nhiều năm, tôi được LĐBĐ Thái Lan (FAT) cử sang châu Âu học hỏi cách làm giải đấu.

Trước đó, tôi vẫn cho rằng bóng đá châu Âu sôi động, cuồng nhiệt vì họ có nhiều ngôi sao. Nhưng sang đến nơi rồi mới biết không phải vậy. 

Ngay cả những giải hạng nhì, hạng ba ở Anh, ở Đức vẫn rất đông vui, dù CĐV hoàn toàn có thể lựa chọn đến sân bóng của một CLB khác giàu mạnh hơn ở thành phố đó để ủng hộ.

Mỗi giải đấu, mỗi sân bóng ở châu Âu cuốn hút CĐV vì họ tạo ra được cảm giác vui chơi, giải trí phù hợp với giá vé dành cho CĐV. Để làm được điều này, họ tính toán từng chi tiết nhỏ nhặt trên sân. 

Trong lần đi đầu tiên, tôi chỉ nhận ra đại khái về điều đó. Sau này, tôi mang theo những bản thảo, tài liệu về chuẩn sân bóng, khán đài, công nghệ ở Giải vô địch Thái Lan để đối chiếu với châu Âu. Từ đó, tôi thấy rõ mình cần phải làm những gì.

Tất nhiên không thể copy toàn bộ công thức của những người thành công. Chúng ta phải biết chọn điều phù hợp, chẳng hạn chuyện mở rộng sân đấu. Những CLB trung bình của châu Âu không xây sân vận động hoành tráng ngay từ đầu, thay vào đó họ xây sân theo cách có thể mở rộng từ từ.

Sau này nếu đội bóng lớn mạnh, CĐV đến xem nhiều hơn thì sẽ tiếp tục mở rộng khán đài. CĐV cũng cần được gần gũi cầu thủ, như vậy họ sẽ gắn bó với đội bóng hơn và không khí cũng cuồng nhiệt hơn.

Ông Kan Jarat (giám đốc thể thao CLB Muang Thong, Thái Lan):

Xây dựng truyền thống cho CLB

Chúng tôi bắt đầu đoạt danh hiệu vô địch Thái Lan từ những năm 2009. Nhưng ngay sau chức vô địch và lần đầu tiên bước đến đấu trường AFC Champions League, chúng tôi nhận ra rằng ở đó, những điều chúng tôi đạt được chẳng là gì cả.

Bóng đá Thái Lan thật nhỏ bé. CLB Muang Thong thật nhỏ bé. Các CĐV nước ngoài không biết chúng tôi là ai. Và từ đây, ban lãnh đạo đội bóng quyết tâm xây dựng hình ảnh cùng thương hiệu cho CLB.

Tiền là vấn đề đầu tiên và cũng là cái đích cuối cùng. Trước đây, chúng tôi chỉ nhận tiền từ ông chủ đội bóng và 1, 2 nhà tài trợ, rồi mua sắm cầu thủ, mời HLV giỏi. Nhưng chừng đó là chưa đủ, bởi phải có thương hiệu rồi mới có nhiều nhà tài trợ lớn hơn nữa.

Tại Bangkok có đến 5, 6 đội bóng chơi ở Giải vô địch Thái Lan (Thai Premier League). Một CĐV ủng hộ Muang Thong United không có nghĩa là con trai ông ta sau này cũng sẽ ủng hộ Muang Thong United, mà không phải là Bangkok United hay BEC Tero (những CLB khác ở Bangkok)...

Nhưng nếu tuần nào ông ta cũng dắt con trai mình đến đây xem Muang Thong United thi đấu lại là chuyện khác. Sau này, cậu con trai lớn lên sẽ tự hào tuyên bố rằng: gia đình tôi là CĐV của Muang Thong United. Đó là điều chúng tôi mong muốn trong việc xây dựng truyền thống. Để có được truyền thống, chúng tôi phải có những dịch vụ tốt để phục vụ CĐV một cách tốt nhất. Tiếp đó là việc gầy dựng hội CĐV để ngày càng có nhiều CĐV trung thành hơn với CLB.

V-League phải mới hơn, hấp dẫn hơn V-League phải mới hơn, hấp dẫn hơn

TTO - Đây là ý kiến của cổ động viên lẫn giới chuyên gia về việc phải xem thành công của đội tuyển Việt Nam thời gian qua là động lực để V-League mới hơn, hấp dẫn hơn.

HUY ĐĂNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên