Theo công bố của Bộ Tài chính, rất khó có thể giữ niềm tin về sự trung thực của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Rất nhiều cách tăng lỗ, giảm lãi đã được áp dụng. Doanh nghiệp thì tăng chiết khấu cho đại lý vượt cả chi phí định mức (bao gồm nhiều khoản, trong đó có chiết khấu cho đại lý). Doanh nghiệp thì cho công ty con nợ vốn, tất cả lãi ngân hàng công ty mẹ gánh khiến công ty mẹ thêm lỗ và có cớ để tăng giá, trong khi các công ty thành viên lại có lãi. Thậm chí, có doanh nghiệp còn tính cả chi phí từ thiện, ủng hộ làm nhà tình nghĩa... vào chi phí kinh doanh để đẩy chi phí lên. Những hành động trên, không hiểu vô tình hay cố ý, nhưng đều giúp tạo bằng chứng hùng hồn: cần tăng giá!
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, điều đáng lo hơn cả là khi giá thế giới giảm, nhiều doanh nghiệp đã không hề tính đến chuyện giảm giá cho người tiêu dùng mà tăng ngay chiết khấu cho đại lý, dù điều đó có thể khiến họ đáng lẽ lãi thì lại lỗ thê thảm hơn. Bộ Tài chính chưa khẳng định là chuyển giá, nhưng rõ ràng các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam đã không muốn cạnh tranh để làm hài lòng người tiêu dùng?
Sự thật là một năm trở lại đây, đã không ít lần các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối vi phạm quy định nhưng không có hình thức xử lý nào được đề cập. Hồi tháng 2-2011, nhiều doanh nghiệp, trong đó có Petrolimex, dùng quỹ bình ổn xăng dầu sai quy định lên tới cả ngàn tỉ đồng nhưng biện pháp chỉ là nhắc nhở. Khi giá thế giới tăng, hàng loạt doanh nghiệp đầu mối đã không nhập xăng dầu về đúng định mức, đẩy cả hệ thống vào khó khăn nhưng đến giờ vẫn không ai bị xử lý...
Nay, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra, người dân đã thấy rõ hơn sự việc “lỗ” mà doanh nghiệp thường kêu. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước không thể tháng nào cũng đi kiểm tra, giá xăng dầu thì lên xuống hằng ngày. Vì vậy, rất cần xây dựng bộ quy tắc công bố thông tin để những chỉ số doanh nghiệp công bố phải phản ánh trung thực kết quả lỗ, lãi của họ... Ngoài ra, cũng cần có những hình thức chế tài nghiêm khắc để mọi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đều phải được xử lý và công khai cho dư luận biết.
Bên cạnh đó, cũng cần có sự trao đổi thông tin hiệu quả hơn giữa các bộ. Như quy định về mức thù lao được phép chi cho các đại lý mà Bộ Công thương bãi bỏ nếu được tham khảo Bộ Tài chính tốt hơn, chắc đến nay Bộ Tài chính không thẳng thừng tuyên bố việc bãi bỏ này “đẩy mức thù lao đại lý lên cao”; “tạo sự phức tạp, lộn xộn trong thị trường bán lẻ”... Ngược lại, nếu Bộ Tài chính lắng nghe, xử lý kịp thời hơn về chi phí định mức trong kinh doanh xăng dầu được cho là đã lạc hậu (hiện là 600 đồng/lít) thì có lẽ doanh nghiệp, Bộ Công thương cũng bớt lo lắng hơn về khả năng đứt nguồn cung do các cửa hàng bán lẻ đóng cửa...
Sau kiểm tra, vẫn còn nhiều điều cần các cơ quan quản lý giám sát, trong đó quan trọng nhất vẫn phải tạo cho được một thị trường cạnh tranh mà ở đó, doanh nghiệp luôn có động lực giảm giá xăng dầu cho người tiêu dùng, chứ không chỉ chăm chăm tăng giá và tăng hoa hồng cho đại lý...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận