28/01/2021 12:45 GMT+7

Xây dựng nước Việt hùng cường: Hội nhập - động lực thúc đẩy nhanh cải cách kinh tế

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Hội nhập kinh tế quốc tế được Đảng đề ra từ Đại hội lần thứ VIII nhằm củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết tại các kỳ Đại hội IX, X, XI và XII.

Xây dựng nước Việt hùng cường: Hội nhập - động lực thúc đẩy nhanh cải cách kinh tế - Ảnh 1.

Hội nhập kinh tế đã giúp nhiều mặt hàng Việt Nam như cá tra chinh phục thị trường thế giới - Ảnh CHÍ QUỐC

Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Hội nhập đã tạo động lực để nền kinh tế chuyển đổi nhanh hơn, theo hướng thị trường hơn. Đến nay, Việt Nam đã ký kết khoảng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực khác nhau trên thế giới.

Hai làn sóng hội nhập

Trong số đó, có những hiệp định quan trọng như Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những thành tựu hội nhập 20 năm qua, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết thúc đẩy hội nhập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để thực hiện chiến lược kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Có thể nói, hội nhập là sức ép quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, trở thành một trong những động lực đổi mới, phát triển.

Hội nhập kinh tế quốc tế tác động trên hai phương diện: một là động lực cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, thể hiện mong muốn của Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu; thứ hai, hội nhập giúp nền kinh tế mở cửa thị trường thương mại, đầu tư.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam có hai dấu mốc quan trọng, đầu tiên phải nói tới việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, năm 2007) là đột phá trong chiến lược hội nhập, mở ra làn sóng hội nhập đầu tiên. Gia nhập WTO, áp lực cải cách thể chế kinh tế từ thế giới dội vào Việt Nam mạnh mẽ, vì đây là sân chơi lớn của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Làn sóng hội nhập thứ hai là quá trình Việt Nam tham gia hàng loạt các FTA song phương, đa phương trong những năm gần đây, đặc biệt FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Quá trình này cho thấy hội nhập là nhu cầu tự thân của nền kinh tế, là sự tự nguyện của Việt Nam trong quá trình vươn tới các chuẩn mực toàn cầu. 

Gần đây, Việt Nam tham gia thêm RCEP, dù các tiêu chuẩn của RCEP không đạt tới các tiêu chuẩn của FTA thế hệ mới, nhưng đây là hiệp định thương mại tự do có quy mô thị trường lớn nhất toàn cầu.

Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh trong nước thời gian qua rất lớn. Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam với thế giới về cải cách môi trường kinh doanh, thể chế, và phát triển bền vững, tạo niềm tin mạnh mẽ cho các nhà kinh doanh đến làm ăn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nhập, mở cửa thị trường đóng vai trò quyết định thúc đẩy tăng xuất khẩu, tăng đầu tư vào nước ta thời gian qua.

Hội nhập nền tảng để vượt qua năm COVID khó khăn

Việt Nam đi qua năm COVID-19 bằng ba nền tảng quan trọng, đó là nền tảng về cải cách thể chế nhiều năm qua. Nhờ cải cách, chúng ta có một thể chế kinh tế linh hoạt trong ứng phó với các biến động toàn cầu. Nền tảng thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát mức thấp, giảm bội chi, giảm nợ công, tạo dư địa, không gian cho chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh.

Nền tảng thứ ba giúp Việt Nam vượt qua thách thức dịch bệnh là hội nhập kinh tế quốc tế, trong điều kiện thị trường đứt gãy vì dịch bệnh thì các FTA như CPTPP, EVFTA đã mở ra cơ hội để doanh nghiệp (DN) trong nước có thể thâm nhập các thị trường mới. Vì thế mà ngay trong năm COVID khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh.

Trong hai giai đoạn hội nhập thì gia nhập WTO là quá trình Việt Nam buộc phải tham gia vào thị trường toàn cầu. Giai đoạn thứ hai, Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, chuẩn mực cao như CPTPP và EVFTA cho thấy quyết tâm về cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu với CPTPP, Việt Nam nỗ lực vươn tới các chuẩn mực toàn cầu cao nhất thì EVFTA là sự đột phá về thị trường và thu hút đầu tư công nghệ.

RCEP dù không có tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA nhưng lại mở ra cơ hội về liên kết chuỗi cho DN Việt. Các chuỗi cung ứng DN nội địa có thể tham gia hiện nay chủ yếu nằm trong khu vực Asean và Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vì thế, RCEP tạo điều kiện lớn cho DN tham gia các chuỗi sản xuất trong khu vực. Thực tế, trung tâm các chuỗi sản xuất toàn cầu đang nằm trong khu vực thị trường RCEP. Vì thế, RCEP là cơ hội lớn cho DN Việt tham gia sâu các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thúc đẩy cải cách quan trọng hơn mở rộng thị trường

Tác động của hội nhập đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh lớn hơn rất nhiều so với mở rộng thị trường. Bởi Việt Nam vẫn còn nhiều nuối tiếc khi không tận dụng tối đa các cơ hội, khả năng tận dụng thị trường có FTA còn hạn chế - TS Phạm Hùng Tiến, giám đốc Viện Friedrich Naumann Foundation For Freedom (FNF VN), đánh giá.

Vị này dẫn giải, theo khảo sát của VCCI, chỉ khoảng 30% DN tận dụng được lợi thế AEC mang lại. Số DN tận dụng lợi thế từ AEC còn thấp, trao đổi hàng hóa với các nước trong khu vực cũng thấp khi 99% thuế suất với các mặt hàng gần như bằng 0. Điều này một phần do chủng loại hàng hóa trong Asean khá giống nhau, nên ít trao đổi buôn bán.

Nhưng AEC đã mang đến dòng vốn đầu tư rất lớn từ các nước trong khu vực vào Việt Nam, đặc biệt từ Singapore. Dòng vốn từ Singapore vào Việt Nam rất phong phú, đa dạng, nhiều tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Singapore đã đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2020, vốn đầu tư FDI từ Singapore vào VN đạt khoảng 9 tỉ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư FDI.

EVFTA là hiệp định thương mại mang lại nhiều lợi ích nhất trong số các FTA đã ký kết. EVFTA giúp Việt Nam có thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu tỉ USD sang châu Âu như trái cây, lúa gạo, thủy hải sản. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với EU sẽ sôi động hơn khi tuyến cao tốc EVFTA được kết nối. Hàng hóa Việt Nam sẽ thâm nhập thị trường châu Âu dễ dàng hơn, giá trị xuất khẩu sẽ lớn hơn.

EVFTA và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam) được ký kết vào tháng 8-2020 kéo theo dòng vốn đầu tư chất lượng, công nghệ cao từ châu Âu tới Việt Nam thời gian tới. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam hiện nay vẫn nặng thâm dụng lao động, hàm lượng công nghệ các dự án FDI thấp.

Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc để đa dạng chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam có lợi thế, sức hút lớn trong thu hút dòng vốn FDI từ làn sóng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc. Các FTA đã tạo sức hút đầu tư lớn để Việt Nam có cơ hội đón các tập đoàn tốp 500 DN lớn nhất toàn cầu đến Việt Nam đầu tư. Qua đó, Việt Nam có cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực.

Năm 2007 (năm đầu tiên Việt Nam tham gia WTO): tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 111,2 tỉ USD, trong đó xuất khẩu khoảng 48,6 tỉ USD, nhập khẩu khoảng 62,6 tỉ USD.

Năm 2020: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 543,9 tỉ USD, trong đó xuất khẩu 281,5 tỉ USD, nhập khẩu 262,4 tỉ USD.

Việt Nam cần chính sách công nghiệp thông minh để vươn lên

ong vu tien loc

Ông Vũ Tiến Lộc

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam cần một chính sách công nghiệp khôn ngoan để tận dụng tốt nhất cơ hội mở cửa, hội nhập. Các nền kinh tế thành công trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều có chính sách công nghiệp khôn ngoan, định hướng nền kinh tế. Trung Quốc ngày nay cũng vậy, họ đề ra 25 ngành công nghiệp trọng tâm để dồn sức làm.

Việt Nam cũng cần một chính sách công nghiệp thông minh để đi tới thành công trong thời gian tới. Đây là một thách thức lớn trong quá trình vươn tới quốc gia hùng cường. Thời gian qua, Chính phủ đã làm một số việc như chính sách chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nhưng cần một chính sách mạch lạc hơn nữa.

Chẳng hạn chính sách phát triển công nghiệp ôtô nhiều năm qua chưa thành công, giờ tư nhân họ làm rất cần sự yểm trợ của Nhà nước; hay chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhiều năm qua chưa thành công thì cần chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển, khi nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã mạnh hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long: 35 năm thay da đổi thịt Đồng bằng sông Cửu Long: 35 năm thay da đổi thịt

TTO - Bốn mũi nhọn kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hạt gạo, con tôm, cá da trơn và trái cây đang không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân nơi đây, mà còn đang ngày càng khuếch trương thương hiệu Việt Nam...

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên