Giấy phép xây dựng hiện tại cho ban công ra 1,4m nhưng toàn bộ ban công vẫn nằm trong ranh đất được xây dựng, vậy có cần đổi giấy phép xây dựng không? Nếu vẫn dùng giấy phép xây dựng hiện tại mà xây có móng ra sát ranh lộ giới, ban công 3 lầu vươn ra lộ giới đúng 1,2m thì đúng hay sai? Nếu sai thì bị xử lý thế nào, phần ban công xây có được tồn tại không?
Tôi xây bảo đảm đúng mật độ xây dựng quy định ghi trong bản vẽ xin phép là khoảng 90% trên diện tích đất 92m2. Xây xong, nếu tôi không làm hoàn công thì có ảnh hưởng gì không? Hoặc để sau này có nhu cầu bán - thế chấp nhà thì mới làm hoàn công có lợi không? Hiện tôi đã có sổ hồng ghi nhà cấp 4, trong khi nhà tính xây 3,5 tấm.
Khánh, (daoquockhanh@...)
- Trả lời về việc xây ban công của căn nhà vươn ra lộ giới:
1. Về độ vươn ra của ban công so với ranh lộ giới
Theo thư trình bày thì lộ giới phía trước của căn nhà có lộ giới là 8m. Vì vậy, căn cứ điều 12, quyết định số 135/2007/QĐ-UBND ngày 8-12-2007 của UBND TP.HCM, đối với lộ giới có chiều rộng từ 6m đến nhỏ hơn 12m, độ vươn ra của ban công, ôvăng nhô ra trên không gian của lộ giới tối đa là 0,9m.
Như vậy, căn cứ theo quy định này, căn nhà của ông khi xây dựng sẽ được xem xét cấp phép, theo đó, cho phép ban công có chiều rộng vươn ra lộ giới tối đa là 0,9m.
Nhưng theo thư trình bày, giấy phép xây dựng hiện nay cho phép xây dựng ban công có chiều rộng là 1,4m, nhưng độ vươn ra của ban công so với ranh lộ giới là bằng không (0), tức độ vươn ra của ban công nằm hoàn toàn trong ranh đất.
Vì vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, ông có thể liên hệ với cơ quan cấp phép để trao đổi về việc điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với phần ban công của căn nhà, theo hướng cho phép ban công được nhô ra không gian của lộ giới là 0,9m.
2. Về việc xây ban công của 3 lầu vươn ra không gian của lộ giới 1,2m.
Theo thư trình bày, giấy phép xây dựng chỉ cho phép xây ban công có chiều rộng là 1,4m nằm hoàn toàn trong ranh đất, điều có có nghĩa là phần móng, cột phía trước của căn nhà được xây dựng cách ranh lộ giới là 1,4m.
Như vậy, nếu ông xây dựng phần móng, cột phía trước của căn nhà sát ranh lộ giới và xây ban công lấn chiếm không gian lộ giới 1,2m là xây sai giấy phép xây dựng và sai với quy chuẩn xây dựng cho phép đã nêu ở trên.
3. Về việc xử lý việc xây dựng sai giấy phép
Căn cứ điều 11, nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ, đối với hành vi xây dựng sai giấy phép như đã nêu trên, thì bị phạt từ 5.000.000-10.000.000 đồng, đồng thời bị buộc tháo dỡ phần xây dựng vi phạm.
4. Về việc nghiệm thu hoàn thành xây dựng
Căn cứ điều 25 quyết định số 68/2010/QĐ-UBND ngày 14-9-2010 của UBND TP.HCM, sau khi xây dựng xong công trình, ông phải tổ chức lập biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng. Biên bản này cùng với bản vẽ nghiệm thu là cơ sở để ông lập thủ tục đề nghị cấp chứng nhận sở hữu công trình.
Vì vậy, sau khi xây dựng nhà, nếu ông không tiến hành thủ tục nghiệm thu hoàn thành xây dựng và cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà mới xây, việc này đồng nghĩa với việc ông chưa có quyền sở hữu đối với phần nhà mới xây, do đó, khi có nhu cầu mua bán, ông không thực hiện được quyền định đoạt của mình đối với căn nhà.
Do đó, cách tốt nhất, theo quan điểm của luật sư, ông nên tiến hành nghiệm thu công trình xây dựng và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu đối với căn nhà mới xây, khi có người mua nhà ông không phải lo tiến hành các thủ tục nêu trên.
Trân trọng,
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: diaoc@tuoitre.com.vn.
Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.
Địa ốc Tuổi Trẻ Online
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận