13/08/2008 02:51 GMT+7

Xài nhiên liệu kiểu Đan Mạch

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TT - Có nhiều điều mà người Mỹ phải học người Đan Mạch, ít ra là trong lĩnh vực sử dụng và tiết kiệm nhiên liệu trong thời buổi bão giá này. Đó là kết luận của nhà báo Thomas Friedman trong bài viết trên tờ New York Times ngày 9-8.

huKDEqTD.jpgPhóng to
Xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến ở Copenhagen - Ảnh: flickr
TT - Có nhiều điều mà người Mỹ phải học người Đan Mạch, ít ra là trong lĩnh vực sử dụng và tiết kiệm nhiên liệu trong thời buổi bão giá này. Đó là kết luận của nhà báo Thomas Friedman trong bài viết trên tờ New York Times ngày 9-8.

Xe đạp muôn năm

Khi đặt chân đến xứ cổ tích của Andersen, điều đầu tiên khiến cây bút bình luận của New York Times, tác giả của Thế giới phẳng, ngạc nhiên là quang cảnh thủ đô Copenhagen trong giờ cao điểm. Cũng như mọi nơi, 18g là giờ xe cộ chật đường phố, có khác chăng là có tới 50% số xe tại các ngã tư là xe đạp, cho dù trời đang mưa rả rích.

50% cũng là tỉ lệ người dân vương quốc nhỏ bé này sử dụng xe đạp, phương tiện di chuyển ít tốn kém và không gây ô nhiễm để đi làm, đi học, đi chợ, luôn tiện tập thể thao, ít ra là trong những ngày nắng đẹp. Hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một xe đạp lớn hay nhỏ (bản thân tôi cũng sắm một xe đạp nữ ngay sau khi đến sống ở đây).

Cũng như Mỹ và nhiều nước khác, Đan Mạch đang bị ảnh hưởng vì dầu thô tăng giá nhưng không đến nỗi trầm trọng vì họ tự cung về nhiên liệu. Sau cuộc khủng hoảng nhiên liệu năm 1973 khiến chính phủ phải cấm người dân sử dụng ôtô trong ngày chủ nhật trong một thời gian ngắn, Đan Mạch đã đẩy mạnh việc khoan dầu tại biển Bắc, đồng thời áp dụng đồng loạt nhiều biện pháp tiết kiệm nhiên liệu khiến ngày nay họ có thể hoàn toàn độc lập về chất đốt.

9xdxwJg8.jpgPhóng to

Một hệ thống năng lượng gió ở Đan Mạch - Ảnh: europa.eu

Người Đan Mạch phải trả thuế xăng dầu, thuế CO2 (thải ra) và phải tuân thủ những quy định cực kỳ chặt chẽ về chống thất thoát năng lượng trong các công trình xây dựng, nhằm giảm thiểu tối đa mức tiêu thụ năng lượng trong nhà ở, văn phòng hay công xưởng, chủ yếu dùng vào việc sưởi ấm. Những quy định này cứ vài năm lại thay đổi một lần, lần sau chặt chẽ hơn lần trước, chi phí xây dựng do đó cũng tăng lên, bù lại lượng tiêu thụ năng lượng giảm rõ rệt.

Và cho dù người dân có kêu ca về giá xăng dầu tăng cao, chính phủ vẫn không có chủ trương trợ giá xăng. Quan điểm của họ là khi giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá cả một loạt mặt hàng khác, tự khắc người dân sẽ phải tự tìm cách giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, phát huy sáng kiến tiết kiệm và tái sử dụng nguyên vật liệu. Một lập luận rất... Đan Mạch nhưng hữu lý và thực tế.

Xài nắng và gió

Một trong những giải pháp hữu hiệu của Đan Mạch để giảm mức tiêu thụ xăng dầu là đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng mặt trời và sức gió. Công nghiệp năng lượng sạch của Đan Mạch thuộc vào hàng phát triển nhất thế giới. Các hộ gia đình sử dụng năng lượng mặt trời, khi không dùng hết số điện năng thu được, nhất là trong mùa hè, có thể bán lại cho nhà nước để trang trải chi phí đầu tư vào thiết bị thu ánh nắng, hiện vẫn còn rất đắt tiền.

Riêng lượng điện sinh ra từ gió nay chiếm gần 20% tổng lượng điện năng tiêu thụ tại Đan Mạch. Ở Mỹ, con số này chỉ là 1%. Chả trách người Đan Mạch tự hào đất nước họ là quê hương của công nghiệp điện gió chứ không phải Hà Lan - xứ sở cối xay gió - như nhiều người lầm tưởng.

Ra khỏi thủ đô Copenhagen chừng một giờ đi xe, cảnh tượng thường thấy là những cây quạt gió khổng lồ màu trắng, cánh quay từ từ theo gió trên những cánh đồng rực rỡ màu vàng hoa cải dầu. Địa hình Đan Mạch bằng phẳng, không hề có núi non, rất thuận tiện cho việc hứng gió từ biển Bắc, nhưng công nghiệp điện gió tại Đan Mạch chỉ phát triển mạnh sau cuộc khủng hoảng dầu thô thập niên 1970.

Ngày nay, 1/3 số tuôcbin quạt gió trên thế giới có xuất xứ từ Đan Mạch. Trong vòng 10 năm qua, số lượng xuất khẩu các sản phẩm phục vụ công nghiệp điện của họ đã tăng gấp ba lần. Năm 2006, nguồn thu từ xuất khẩu công nghệ điện năng của Đan Mạch lên tới 10,5 tỉ USD.

Với tình hình giá dầu thô tăng chóng mặt hiện nay, hẳn nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, sẽ tìm đến cách sản xuất điện từ gió như một giải pháp vừa tiết kiệm vừa thân thiện với môi trường. Riêng chúng ta, có lẽ cũng có thể rút ra bài học hữu ích từ việc Đan Mạch, một trong những quốc gia có thu nhập trên đầu người cao nhất thế giới, nỗ lực phát huy và áp dụng những sáng kiến tiết kiệm và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu mỗi ngày.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên