Phóng to |
Nhà máy bột mì của Vedan VN tọa lạc trên diện tích 80ha ở vùng đất đồi tại xã Bù Nho (huyện Phước Long, Bình Phước). Nhà máy có công suất khoảng 1.600 tấn mì nguyên liệu/ngày đêm (công suất cao nhất), đồng thời phát sinh một lượng nước thải rất lớn, hàng nghìn mét khối mỗi ngày.
Rạch thoát nước bốc mùi hôi thối
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến điểm xả thải cuối cùng của Nhà máy bột mì Vedan VN tại Bình Phước. Đó là nơi tiếp giáp giữa rạch thoát nước của nhà máy và suối Cụt. Nước thải của nhà máy đổ ra suối này, được dẫn về suối Rạt và hòa vào dòng nước sông Bé. Nhiều người dân sinh sống ở đây phản ảnh một hiện tượng khá bất thường: cứ có một cơn mưa ập xuống là mùi chua, thối… của tinh bột mì bị phân hủy bốc lên nồng nặc. Chúng tôi tiến lại sát con rạch sâu hoắm, bên dưới là dòng nước đục ngầu cứ liên tục đổ thẳng vào suối Cụt. Mùi chua, hôi thối… thốc lên mũi. Cách điểm cuối cùng của con rạch khoảng 50m về phía thượng nguồn là điểm xả thải từ hệ thống các hồ sinh học của nhà máy. Tại thời điểm chúng tôi tới, không có một giọt nước nào chảy từ các hồ sinh học đổ vào con rạch thoát nước, nhưng dòng nước chua, thối từ con rạch thoát nước vẫn cứ chảy cuồn cuộn đổ ra suối Cụt.
Chúng tôi tiếp tục men theo con rạch nhỏ về phía thượng nguồn, nhiều đoạn bị cỏ che phủ không còn nhìn thấy bên dưới. Đến đoạn giữa mới cảm nhận được con rạch dẫn nước thải này đã có từ lâu. Bởi lẽ nếu chỉ là rạch thoát nước mưa thôi sẽ không có cặn bã của chất thải, xác bã mì… bám đầy cây cỏ dọc hai bên bờ rạch. Bề mặt của rạch sủi bọt xèo xèo, tạo thành lớp váng tinh bột mì bị phân hủy, nhìn chẳng khác nước thải được chứa trong các hồ của nhà máy.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhà máy cho rằng làm gì có mùi chua, thối… tại khu vực tiếp giáp với suối Cụt. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo nhà máy đích thân cùng chúng tôi đến khu vực này và trực tiếp nghe người dân nói về mùi hôi thối của con rạch. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy vẫn cho rằng đó là mùi hôi thối của bùn và lá cây rụng xuống con rạch.
Xả công khai nước thải không qua hệ thống xử lý
Trong một diễn biến khác, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã kiểm tra vấn đề môi trường tại Nhà máy bột mì Vedan. Trên thực tế có một lượng lớn nước thải sản xuất của nhà máy chỉ được lắng lọc sơ bộ và xả thẳng ra con rạch dài hàng kilômet rồi đổ ra suối Cụt. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhà máy, lấy mẫu nước thải phân tích, hiện đang trong quá trình xem xét để có kết luận xử lý.
Dù vậy, lãnh đạo nhà máy vẫn khăng khăng đó chỉ là nước thải từ khâu rửa bùn đất của củ mì nên không có lẫn chất ô nhiễm, không cần phải đưa vào hệ thống xử lý. Điều này trái ngược với một số thông tin tại báo cáo giám sát chất lượng môi trường sáu tháng đầu năm 2008 của nhà máy, do chính nhà máy thuê đơn vị tư vấn xây dựng. Theo đó, nhà máy có hai loại nước thải: nước rửa củ mì và nước thải sản xuất tinh bột thường. Phân tích thành phần các chất ô nhiễm trong nước rửa củ mì cho thấy COD (nhu cầu oxy hóa học) hơn 2.000mg/lít, BOD (nhu cầu oxy sinh học) hơn 1.600mg/lít, tổng chất rắn lơ lửng hơn 1.000mg/lít… Nồng độ các chất ô nhiễm này vượt quá xa so với tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường. Không lẽ nước rửa củ mì chỉ lẫn bùn đất lại có nồng độ các chất ô nhiễm cao đến như vậy?
Trong sơ đồ quy trình công nghệ được nêu trong báo cáo giám sát môi trường của nhà máy (được gửi đến Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Phước) cũng cho thấy nước thải của hệ thống làm sạch, bóc vỏ nguyên liệu và nước thải từ hệ thống vắt ly tâm đều được đưa về hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp vi sinh. Nhưng trên thực tế, tại nhà máy có một hệ thống cống dẫn nước thải của khâu rửa nguyên liệu đổ thẳng ra con rạch (theo lãnh đạo nhà máy, đây là con rạch chủ yếu để thoát nước mưa). Lượng nước thải này không qua hệ thống xử lý như thể hiện trong quy trình công nghệ được nhà máy báo cáo với cơ quan chức năng!
Giới chuyên môn đang lưu ý một vấn đề không thể không quan tâm. Đối với củ mì nguyên liệu để sản xuất tinh bột mì, trong lớp vỏ có chứa một lượng cyanure và đây là nguồn gây ô nhiễm rất độc hại nếu không được xử lý đạt yêu cầu.
Không rõ cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước có biết việc Nhà máy bột mì Vedan VN xả nước thải sản xuất ra môi trường, không qua hệ thống xử lý? Mãi đến ngày 23-9 sự việc mới được đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính. Theo lãnh đạo nhà máy, trước đó Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Phước đã ký văn bản “thống nhất với các nội dung của báo cáo giám sát chất lượng môi trường định kỳ sáu tháng đầu năm 2008 của nhà máy”!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận