27/12/2022 16:35 GMT+7

Xã hội hóa, nhượng quyền để có tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển?

T.D.V - CHÍ TUỆ
T.D.V - CHÍ TUỆ

‘Cần xã hội hóa, nhượng quyền, … để có nguồn tài chính cho các khu bảo tồn biển. Đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn’.

Xã hội hóa, nhượng quyền để có tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển? - Ảnh 1.

Một góc vịnh Lan Hạ - Cát Bà (Hải Phòng) - Ảnh: NAM TRẦN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh như vậy khi phát biểu kết luận tại hội nghị bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức mới đây.

Nhiều khu bảo tồn biển thiếu kinh phí

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho biết: "Nhiều khu bảo tồn biển (KBTB) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn kinh phí để triển khai hoạt động bảo tồn như Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn.

Đặc biệt một số khu bảo tồn biển kinh phí chỉ đủ để duy trì các hoạt động thường xuyên như: trả lương cho nhân viên. Còn kinh phí tuần tra, kiểm soát, nghiên cứu khoa học, đánh giá đa dạng sinh học, truyền thông nâng cao nhận thức… còn thiếu, dẫn đến việc thực thi pháp luật và quản lý kém hiệu quả, thậm chí là không thực hiện được.

Hầu hết các địa phương chưa quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đủ kinh phí để cho Ban quản lý khu bảo tồn biển hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Chiến phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: "Địa phương có quy hoạch khu bảo tồn nhưng công tác đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn tài chính cho khu bảo tồn chưa tương xứng, việc tự chủ tài chính còn vướng.

Chẳng hạn, khi chúng tôi xây dựng kế hoạch thu phí ở khu bảo tồn biển Hòn Cau, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thì không được duyệt vì không đủ căn cứ pháp lý để thu phí.Theo quy định chỉ danh lam, thắng cảnh mới được thu phí. Hiện tỉnh đang xây dựng hồ sơ để Hòn Cau được công nhận là danh lam thắng cảnh thì mới triển khai thu phí được".

Bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam), cho rằng các khu bảo tồn biển mang lại nhiều lợi ích kinh tế như môi trường, xã hội, tuy nhiên Chính phủ chưa thực sự đầu tư đầy đủ về tài chính cho tất cả các khu bảo tồn biển.

"Phần lớn cán bộ quản lý các khu bảo tồn biển cho rằng du lịch là một nguồn thu tài chính bền vững, đầy hứa hẹn nhưng trên thực tế, chỉ có một số khu bảo tồn biển có nguồn thu trực tiếp từ du lịch như Nha Trang, Hạ Long, Cù Lao Chàm, Côn Đảo…

Các khu bảo tồn biển có sự phụ thuộc lớn vào ngân sách hàng năm của nhà nước sẽ không bao giờ đủ tài chính cho việc quản lý.

Vì vậy, việc nâng cao năng lực về tài chính bền vững là cần thiết đối với các nhà quản lý KBTB để có thể biết cách tìm ra những nguồn tạo thu nhập sáng tạo và thay thế cũng như thực hiện các chiến dịch phát triển và gây quỹ", bà Hiền nói.

Về cơ chế tài chính các khu bảo tồn biển, bà Hiền cho rằng, tạo thêm nguồn thu cho khu bảo tồn biển thông qua các cơ chế tài chính dựa trên thị trường, đồng thời cho phép các cơ quan quản lý khu bảo tồn biển đa dạng hóa nguồn thu từ phí tham quan, phí nhượng quyền, quỹ quay vòng cho nghề cá bền vững, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

Xã hội hóa, nhượng quyền để có tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển? - Ảnh 2.

Khách du lịch ở vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng) - Ảnh: NAM TRẦN

Nhà nước sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng các khu bảo tồn biển

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng tài chính cho các khu bảo tồn biển gồm 4 nguồn chính đó là ngân sách nhà nước; quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thành lập quỹ cộng đồng và các nguồn khác huy động khác theo quy định của pháp luật.

"Các nguồn khác này hiện nay chúng ta đang yếu, chưa huy động được nhà đầu tư vì chưa thuyết trình được vai trò, hiệu quả của các khu bảo tồn biển và mang lại giá trị lợi ích cho họ.

Cả nước chỉ có khu bảo tồn Cù Lao Chàm, vịnh Nha Trang và Côn Đảo hoạt động hiệu quả, tài chính bền vững.

Các khu bảo tồn biển khác cũng có dự án đầu tư nghiên cứu nhưng khi rút đi là hết như ‘ném đá ao bèo’ điều này không bền vững. Chúng ta cần có giải pháp làm sao cho các khu bảo tồn biển cần câu chứ không phải cho mấy con cá.

Trong Nghị định 67 sửa đổi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có xây dựng nội dung hỗ trợ các khu bảo tồn biển, trong đó Nhà nước sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng, thiết yếu các khu bảo tồn biển.

Các khu bảo tồn biển thành lập mới sẽ được hỗ trợ đầu tư nhà, xưởng, khu cứu hộ, nhà cộng đồng, phao neo cắm mốc giới khu bảo tồn, cầu cảng,…", ông Hùng nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng muốn các khu bảo tồn biển tốt thì phải có tài chính. Do đó, các địa phương có cần xây dựng, ban hành quy định về lượng giá giá trị hệ sinh thái biển làm cơ sở cho các khu bảo tồn biển triển khai thu phí dịch vụ, tạo nguồn thu ổn định để phục vụ công tác bảo tồn.

"Xây dựng cơ chế tạo nguồn tài chính bền vững ổn định từ việc xây dựng đề án thu phí tham quan. Tạo nguồn thu từ mối liên doanh, liên kết với cá nhân, tổ chức tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên bền vững trong khu bảo tồn biển.

Đồng thời phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường tại các khu bảo tồn biển và khu bảo tồn đất ngập nước ven biển", ông Tiến đề nghị.

Hải sản cạn kiệt dần: ‘Bảo tồn để đảm bảo sinh kế cho ngư dân’ Hải sản cạn kiệt dần: ‘Bảo tồn để đảm bảo sinh kế cho ngư dân’

TTO - Nguồn lợi hải sản nước ta đang bị suy giảm với tốc độ nhanh trong 5 năm qua, thậm chí một số vùng biển, sự suy giảm đã đến mức báo động. Do đó, cần phải bảo tồn để khai thác bền vững.

T.D.V - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên