24/05/2011 05:17 GMT+7

"Xa đám đông điên dại"

GIÁNG UYÊN (London)
GIÁNG UYÊN (London)

TT - Tôi mượn tựa đề tiểu thuyết Far from the madding crowd của văn hào người Anh Thomas Hardy (1840-1928) để thay lời các đội bóng tạm biệt giải ngoại hạng mùa này. Câu nói đó đặc biệt áp dụng cho ba đội rớt hạng: Birmingham, Blackpool và West Ham.

TT - Tôi mượn tựa đề tiểu thuyết Far from the madding crowd của văn hào người Anh Thomas Hardy (1840-1928) để thay lời các đội bóng tạm biệt giải ngoại hạng mùa này. Câu nói đó đặc biệt áp dụng cho ba đội rớt hạng: Birmingham, Blackpool và West Ham.

Chưa bao giờ ngày cuối cùng lại diễn ra nghẹt thở như cuối tuần rồi. Ngoại trừ Blackburn ghi bàn sớm và không bị lâm vào tình huống rớt hạng phút nào trong trận cuối, cả bốn đội Birmingham, Blackpool, Wolves và Wigan đều có những phút tạm rơi vào nhóm rớt hạng làm CĐV nhấp nhổm không yên.

“Đám đông điên dại” vào ngày cuối mặc đồ hóa trang chim cò loạn xạ trên khán đài (theo đúng truyền thống ở Anh khi khán giả hóa trang và vẽ mặt vào ngày cuối cùng) liên tục gọi điện thoại về nhà kiểm tra tỉ số, hoặc mang theo cả laptop và radio nghe chương trình BBC Radio Five Live tường thuật tất cả các trận cùng lúc, để vừa theo dõi trận đấu trên sân vừa biết diễn biến các nơi khác ra sao, không khí sôi sục đúng nghĩa cầu trường như chiến trường.

Trong số ba đội, khán giả Anh tiếc nhất là Blackpool. Sự có mặt của các cầu thủ áo màu vỏ quýt như một làn gió mới thổi vào giải bóng đá đầy toan tính. Theo cá nhân tôi, xem Blackpool đá thích gấp trăm lần xem Manchester City. Lối chơi mà HLV Holloway dạy cho cầu thủ là lối chơi tổng lực, khi đang dẫn trước vẫn không rút tiền đạo và đưa hậu vệ vào nhằm giữ tỉ số mà vẫn dồn lên ghi bàn. Blackpool đã ghi được 54 bàn, nhiều nhất trong số các đội rớt hạng trong lịch sử Premier League từ năm 1992 đến nay.

Tiếc thay, số bàn đối phương ghi vào lưới họ nhiều hơn rất nhiều nên đội bóng xứ biển phải tạm biệt giải trong sự tiếc nuối của hàng triệu người hâm mộ thứ bóng đá hồn nhiên mà họ cống hiến.

Wigan là một trường hợp hi hữu khi gần như suốt mùa nằm trong nhóm rớt hạng nhưng đã bứt phá vào phút cuối. Cựu tuyển thủ Anh Lineker gọi Wigan là “người sống sót bất diệt” (perennial survivor), làm tôi nhớ VN những năm cuối thập niên 1990 có đội Khánh Hòa được mệnh danh “vua trụ hạng” cũng tương tự. Sáu năm gần đây từ khi lên hạng, Wigan luôn nằm trong nhóm cầm đèn đỏ nhưng tuần rồi đã thắng đối thủ khó chịu Stoke trên sân khách để ở lại Premier League.

Trong cuốn Xa đám đông điên dại Hardy có viết: “Tôi sẽ làm một điều trong cuộc sống này - một điều chắc chắn - đó là yêu em và ao ước đến em, mong mỏi em cho đến ngày tôi chết”. Đó là câu của một trong những người theo đuổi nàng Everdene đã nói, nhưng xem ra với tần suất ly dị ở Anh thời nay áp dụng câu đó cho tình cảm của các CĐV bóng đá đúng hơn. Dù mùa sau không còn được thi đấu ở giải bóng lớn, CĐV sẽ vẫn nhiệt tình đi xe điện, xe lửa, xe buýt, xe hơi hoặc đi bộ đường xa vạn dặm xem đội bóng mình yêu quý.

GIÁNG UYÊN (London)

GIÁNG UYÊN (London)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên