02/09/2006 13:07 GMT+7

WTO & lao động nông thôn

TS PHAN MINH NGỌC (Khoa kinh tế, Đại học Kyushu, Nhật Bản)
TS PHAN MINH NGỌC (Khoa kinh tế, Đại học Kyushu, Nhật Bản)

TTCT - Sự gia nhập WTO sắp tới đây của VN không chỉ để giải quyết vấn đề thương mại mà hơn thế, nó còn là một thay đổi cơ bản trong chính sách phát triển, và là một trong những quyết sách kinh tế quan trọng nhất kể từ sau thống nhất đất nước.

Tự do hóa thương mại, cải cách thị trường lao động và tác động lên thu nhập lao động nông thôn

Nếu chỉ riêng tự do hóa thương mại không thôi sẽ chỉ có tác dụng hạn chế trong việc lấp hố sâu ngăn cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Nếu lao động tiếp tục không được tự do dịch chuyển giữa hai khu vực, như theo cơ chế quản lý lao động và cư trú hiện thời, thì cả thị trường sản phẩm và thị trường yếu tố đầu vào ở nông thôn sẽ tiếp tục bị bóp méo.

Minh họa rõ nét nhất cho sự bóp méo này có thể thấy trong thị trường lao động. Bất chấp những điều chỉnh lớn trong lực lượng lao động nông thôn đến nay, xu hướng chuyển dịch lao động dư thừa từ nông thôn ra thành thị mới chỉ dừng lại ở mức độ rất thấp và những chính sách về thị trường lao động đã tạo ra những rào cản lớn ngăn cách nông thôn với thành thị.

Có những ước tính cho thấy khoảng 35-40% lực lượng lao động nông thôn bị dư thừa và năng suất lao động nông thôn cực kỳ thấp. Phần lớn lao động rời bỏ nông thôn nếu may mắn thì tìm được việc làm trong các nhà máy.

Tuy nhiên, xu hướng hiện nay của các nhà máy này là tăng cường đầu tư vào thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng và cải thiện tính cạnh tranh của sản phẩm, và do đó giảm đáng kể năng lực hấp thu lao động phổ thông nông thôn. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào các nhà máy công nghiệp này thì chỉ có một bộ phận nhỏ trong lao động dư thừa nông thôn có thể thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Vấn đề lao động nông thôn còn trở nên nan giải với hiện thực thất nghiệp và bán thất nghiệp tương đối lớn ở thành thị, nơi mà các doanh nghiệp tư nhân chỉ mới được khuyến khích gần đây, còn các doanh nghiệp nhà nước tuy chiếm tỉ trọng đa số về vốn nhưng chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ về công ăn việc làm, nhiều trong số đó nợ nần và thua lỗ ngập đầu và đang trải qua quá trình tái cơ cấu, sát nhập, giải thể và tinh giảm biên chế. Với những nguyên nhân này, không khó hiểu tại sao tỉ trọng lao động nông nghiệp ở VN có xu hướng giảm rất chậm (quanh quẩn con số 70% trong nhiều năm nay).

Sau khi gia nhập, tác động từ WTO lên thu nhập lao động nông thôn sẽ xảy ra từ hai kênh chính, có liên quan đến nhau.

Thứ nhất là tiền lương thực tế của lao động nông thôn sẽ tăng tương đối so với tiền lương trong khu vực công nghiệp (thành thị). Lý do là vì cho đến nay, mức độ bảo hộ với hàng công nghiệp vẫn lớn hơn hàng nông sản, và do đó sau khi gia nhập WTO, sự cắt giảm thuế và các loại bảo hộ phi thuế quan khác trong ngành công nghiệp ở mức độ lớn hơn trong ngành nông nghiệp sẽ làm giảm giá cả tương đối của các sản phẩm công nghiệp so với các sản phẩm nông nghiệp, dẫn đến thu nhập thực tế của công nhân thành thị sẽ giảm tương đối so với lao động nông thôn.

Ví dụ cho điều này là việc VN cam kết cắt giảm khoảng 30% mức thuế nhập khẩu hiện hành cho 10.600 dòng thuế, và các sản phẩm bị cắt giảm nhiều nhất là những sản phẩm công nghiệp, như dệt may (lớn nhất, tới 63%), gỗ, giấy (33%), máy móc, thiết bị điện tử (24%)... so với mặt hàng nông sản cắt giảm nhiều nhất là cá và sản phẩm cá (38%).

Thứ hai, gia nhập WTO còn có nghĩa là các hạn chế về dịch chuyển trong thị trường lao động sẽ bị gỡ bỏ dưới áp lực của WTO và/hoặc là kết quả tự thân của sự thay đổi trong chính sách về thị trường lao động của chính phủ, trước yêu cầu của thực tế đòi hỏi phải tự do hóa thị trường lao động nhằm khắc phục tình trạng cách biệt nông thôn - thành thị như đã nêu ở trên.

Sự tự do hóa này sẽ khuếch đại thêm tác động của WTO lên thu nhập của lao động nông thôn qua kênh thứ nhất. Lao động nông thôn sẽ di cư ra thành thị tìm việc nhiều hơn. Quá trình di trú này làm tăng mạnh hơn nữa nguồn cung trong thị trường lao động thành thị, do đó dẫn đến giảm mạnh hơn nữa thu nhập tương đối công nhân thành thị. Ngược lại, quá trình này dẫn đến thu hẹp nguồn cung trong thị trường lao động nông thôn, dẫn đến tăng thu nhập tương đối cho lực lượng lao động còn lại ở nông thôn.

Điều này cho thấy tự do hóa thị trường lao động cũng mang lại những hiệu quả phúc lợi lớn như, nếu không muốn nói là hơn, những hiệu quả mang lại từ tự do hóa thương mại. Nói cách khác, nếu gia nhập WTO dẫn đến cải cách thị trường lao động thì thu nhập tương đối của lao động nông thôn sẽ được cải thiện đáng kể, thu hẹp nhanh hơn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Dự báo này trái với những dự đoán bi quan của nhiều nhà phân tích khi họ chỉ dừng lại ở tác động tiêu cực của việc gia nhập WTO lên (lao động trong) ngành nông nghiệp do hậu quả của việc xóa bỏ bảo hộ các sản phẩm nông nghiệp.

TS PHAN MINH NGỌC (Khoa kinh tế, Đại học Kyushu, Nhật Bản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên