Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai giải đấu này?
Các VĐV mạnh không “mặn” với World Cup
Sự khác biệt đầu tiên và cũng lớn nhất: Giải bơi lội vô địch thế giới được Liên đoàn Thể thao dưới nước (FINA) tổ chức hai năm/lần quy tụ toàn những VĐV tên tuổi. Để dự giải, các VĐV phải đạt chuẩn thành tích và phải được các liên đoàn quốc gia đề cử và đại diện quốc gia của mình thi đấu.
Trong khi đó, World Cup bơi lội cũng là giải đấu VĐV có thể tìm kiếm chuẩn Olympic. Mặt khác, do không bắt buộc nên bất kỳ VĐV nào trên thế giới cũng có thể tự do đăng ký và tự túc kinh phí đi thi đấu. Vì không bắt buộc nên không phải VĐV nào cũng mặn mà với giải đấu này vì vậy số lượng VĐV tham dự khá ít.
World Cup bơi lội được tổ chức mỗi năm và năm nay gồm hệ thống tám chặng (mỗi chặng hai ngày) tại tám thành phố khác nhau từ tháng 8 đến tháng 11. Tám chặng này được chia thành ba cụm gồm: cụm 1 Matxcơva (Nga), Chartres (Pháp); cụm 2 Hong Kong, Bắc Kinh (Trung Quốc), Singapore và cụm 3 Tokyo (Nhật Bản), Doha (Qatar), Dubai (UAE).
Lực hút tiền thưởng
Mỗi chặng quy định 32 nội dung thi đấu (16 cho nam và 16 cho nữ). Ở mỗi nội dung, VĐV đoạt HCV sẽ được 12 điểm và 1.500 USD, HCB được 9 điểm và 1.000 USD, HCĐ được 6 điểm và 500 USD. Nếu phá kỷ lục thế giới, VĐV sẽ bỏ túi thêm 20 điểm và 10.000 USD...
Ở mỗi cụm, VĐV có tổng điểm cao nhất sẽ được thưởng 50.000 USD và giảm dần cho các vị trí tiếp theo là 35.000 USD, 30.000 USD, 20.000 USD... Hết năm, ban tổ chức sẽ tổng điểm cả tám chặng để chọn ra VĐV có điểm cao nhất (nam riêng, nữ riêng) để trao phần thưởng 100.000 USD, hạng nhì 50.000 USD và hạng ba 30.000 USD.
Như vậy, nếu một VĐV thi đấu xuất sắc ở cả ba cụm và sau đó lên ngôi vô địch của năm sẽ được tổng tiền thưởng có thể lên đến 300.000 USD.
Chặng thi đấu ở Matxcơva không thu hút nhiều VĐV mạnh do họ đã dốc hết sức cho Giải bơi lội vô địch thế giới. Trang web FINA ghi nhận ý kiến của VĐV người Nam Phi Chad Le Clos: “Tôi không có thời gian nghỉ ngơi sau giải thế giới. Tôi mất cả ngày để di chuyển từ Kazan đến Matxcơva và nhận phòng khách sạn khi đã 2g sáng hôm sau”.
Thông thường, VĐV đến với World Cup bơi lội có hai nhóm đối tượng: VĐV trẻ muốn học hỏi hoặc VĐV đã thành danh “gặt hái” tiền thưởng có tổng giá trị lên đến 2 triệu USD.
[box]Ánh Viên có 15 điểm và 1.500 USD tiền thưởng
Ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân mà Ánh Viên vừa đoạt HCB ở World Cup bơi lội 2015 tại Moscow rạng sáng 13-8 (giờ VN) có tổng cộng 5 VĐV, trong đó chỉ có 2 VĐV là nhà vô địch thế giới Hosszu Katinka (Hungary) và VĐV người Pháp Grangeon Lara (hạng 8 thế giới) từng xếp trên Ánh Viên tại Giải bơi lội vô địch thế giới 2015 đăng ký dự World Cup bơi lội.
Tuy nhiên, vì đã vắt kiệt sức cho Giải bơi lội vô địch thế giới 2015 nên tất cả VĐv đều không giữ được phong độ tốt nhất tại World Cup bơi lội.
Cụ thể, Hosszu Katinka đã giành ngôi vô địch thế giới tại Kazan với thời gian 4 phút 30,39 giây . Còn tại World Cup bơi lội, thành tích của Hosszu Katinka giảm mạnh còn 4 phút 36,25 nhưng vẫn giành HCV. Thành tích của Grangeon Lara cũng giảm từ 4 phút 38,20 giây (hạng 8 tại Giải bơi lội vô địch thế giới) xuống 4 phút 41,54 giây (tại World Cup bơi lội) nhưng vẫn đoạt HCĐ.
Bản thân Ánh Viên cũng không có được phong độ tốt nhất nhưng vẫn giành được chiếc HCB tại World Cup bơi lội tại Moscow. Cụ thể là tại Giải bơi lội vô địch thế giới 2015 tại Kazan, Ánh Viên xếp thứ 10 với thời gian 4 phút 38,78 giây. Nhưng đến Moscow, thành tích Ánh Viên giảm hơn 2 giây, xuống còn 4 phút 40,79 giây nhưng lại đoạt HCB World Cup bơi lội.
Với thành tích 1 HCB và 1 HCĐ tại World Cup bơi lội 2015, Ánh Viên tích lũy được 15 điểm và nhận 1.500 USD tiền thưởng.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận