TTO - Nhắc về kỳ World cup 1974, ngay lập tức người ta sẽ nghĩ về Beckenbauer, về Johan Cruyff, về bóng đá tổng lực, về nỗi tiếc nuối "cơn lốc màu da cam"…

Nhưng, tôi lại muốn mở đầu bằng một câu chuyện khác. Chuyện người Việt thưởng ngoạn World cup, mà có lẽ với những bạn trẻ bây giờ sẽ không biết ngày xưa sẽ theo dõi sự kiện này như thế nào.

World Cup 1974: Người Việt tiếp cận bóng đá thế giới - Ảnh 2.

Năm 1974, khi đó tôi là một cậu bé 8 tuổi. Như bao cậu bé Việt Nam khác, quả bóng tròn là trò chơi yêu thích của tôi. Chúng tôi đã bắt đầu biết được trên thế giới có "vua" Pele, ở Việt Nam có tiền đạo Vinh "đầu sói" được bầu chọn là chân sút xuất sắc của bóng đá châu Á, có "lưỡng thủ vạn năng" Phạm Văn Rạng, có trung vệ Tam Lang…

Chúng tôi đã biết nổi giận khi đọc tin "cầu vương" Lý Huệ Đường bảo bóng đá Việt Nam là ếch ngồi đáy giếng! Sách gối đầu giường của chúng tôi ngày ấy là một cuốn truyện viết về những cậu bé Việt Nam đá bóng giỏi, lừng lẫy thế giới mang tên "Bồn lừa".

Cũng năm 1974 ấy, chúng tôi đã có một mùa Hè hấp dẫn với World Cup khi háo hức theo dõi các bài viết của ký giả Huyền Vũ đăng trên tờ báo thể thao Nguồn Sống.

Ôn Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm 1914 tại Phan Thiết - mất năm 2005 tại Mỹ.

Ông được xem là một cây bút thể thao huyền thoại của Việt Nam, là người tường thuật bóng đá trên sóng phát thanh hấp dẫn bậc nhất. Đặc biệt, có lẽ ông là nhà báo thể thao đầu tiên của Việt Nam tác nghiệp tại World Cup, và đó chính là năm 1974 tại Tây Đức.

World Cup 1974: Người Việt tiếp cận bóng đá thế giới - Ảnh 3.

Ký giả thể thao Huyền Vũ

Khi vào nghề viết thể thao, tôi tâm niệm mãi một lời giải thích của ông khi viết trên báo lý giải vì sao mình bỏ công việc làm trọng tài khi chuyển sang viết báo thể thao: "Khi đã làm ký giả, tôi phải rời bỏ nghiệp trọng tài để ngòi viết của mình được vô tư hơn"! Đấy, hơn nửa thế kỷ trước, người ta đã biết tránh cái chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi" rồi.

Bên cạnh chuyện theo dõi World cup 1974 qua các bài viết của Huyền Vũ, năm ấy giải vô địch bóng đá thế giới cũng đến gần với người Việt hơn nhờ vào sự giúp đỡ của nước chủ nhà Tây Đức khi tặng băng ghi hình khá sớm.

Tôi còn nhớ mình đã xem được không ít trận, dĩ nhiên làm gì có chuyện trực tiếp, mà phải sau đó vài ngày. Đến ngờ, tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác nghẹt thở khi đội bóng mình yêu thích - Tây Đức bị Hà Lan dẫn 1-0 khi ngay phút thứ 2 của trận chung kết, được thực hiện bởi Johan Neeskens.

Cứ tưởng là một sự sụp đổ, nhưng không, kể từ đó trở đi, Johann Cruyff đã bị Berti Vogts khóa chặt và chủ nhà chiến thắng chung cuộc 2-1 nhờ Paul Breitner gỡ hòa cũng từ chấm phạt đền, và Gerd Mueller nâng tỷ số lên 2-1.

Những băng ghi hình phát lại các trận đấu này trên băng tần 9 của đài truyền hình Sài Gòn, thường chậm vài ba ngày.

Nhưng có hề gì, trong một thế giới mà thông tin liên lạc chưa choáng ngợp như bây giờ, xem chậm vài ngày thì cũng chả khác trực tiếp là mấy. Đó là quả thật là một món quà của Tây Đức tặng cho người yêu bóng đá ở miền Nam Việt Nam.

Nghĩ cũng cần nhắc lại thêm một chút về các kỳ World Cup trước như 1962 ở Chile, 1966 ở Anh, người Việt mê bóng đá chỉ có thể đọc tin vắn trên báo rồi đợi cả vài tháng sau khi kết thúc mới có một bộ phim tổng kết giải phát trên truyền hình!

World Cup 1974: Người Việt tiếp cận bóng đá thế giới - Ảnh 4.

Cho dù làng bóng đá thế giới sau này có Maradona gây tốn không biết bao nhiêu giấy mực để so sánh với Pele; hay có Ronaldo CR7 đoạt vô vàn danh hiệu cá nhân, nhưng người ta cũng chả biết gắn cho họ cái danh gì cho xứng, khi mà ba mỹ từ đỉnh nhất đã có chủ: Vua dành cho Pele. Hoàng đế cho Beckenbauer và Thánh dành cho Johan Cruyff!

Nói về World Cup 1974, tôi bỗng dưng nhớ tới đoạn Chu Du trước khi chết đã ngửa mặt lên trời mà than Trời sinh Du sao còn sinh Lượng? Vâng, nếu "Thánh" Johan Cruyff mà có đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa thì có lẽ ông cũng phải ngửa mặt lên trời mà than: Trời đã sinh Cruyff sao còn sinh Beckenbauer?

Không ai có thể quên được một Beckenbauer bị gãy xương đòn, nhưng vẫn dùng dây treo cánh tay để tả xông hữu đột trong trận bán kết gặp Ý năm 1970. 

Ông được làng báo thể thao đặt cho từ "Hoàng đế" là bởi đã khai sinh ra vai trò libero - một trung vệ không chỉ biết giữ nhà mà còn liên tục xông lên phía trước để tham gia tấn công. "Hoàng đế" bước vào kỳ World cup 1974 ở tuổi 29 chín muồi, và tràn đầy hy vọng đoạt cúp nhờ lợi thế sân nhà.

Nếu có một con kỳ đà khủng nào có thể cản trở "Hoàng đế" Beckenbauer đăng quang World cup 1974, thì đó chỉ có thể là "Thánh" Johan Cruyff. Johann sinh năm 1947, nhỏ hơn Beckenbauer hai tuổi.

World Cup 1974: Người Việt tiếp cận bóng đá thế giới - Ảnh 6.

Đội trưởng Tây Đức Franz Beckenbauer bên cạnh đội trưởng Đông Đức Bernd Bransch

Nếu Beckenbauer tặng cho bóng đá thế giới món quà mang tên Libero, thì Johan Cruyff chính là người mang đến cho làng túc cầu thế giới món quà mang tên "bóng đá tổng lực". 

Mặc dù người khai sinh bóng đá tổng lực là HLV đội Hà Lan lúc bấy giờ - Rinus Michels, nhưng người ta cho rằng Rinus có công sinh, còn Johan mới là người nuôi dưỡng!

"Hoàng đế" hay "Thánh", ai sẽ thắng ở World cup 1974? Đó là câu hỏi lớn nhất trước khi bóng lăn trên các sân cỏ Tây Đức mùa hè năm ấy.

Quả thật, cả hai đã làm mưa làm gió trong tất cả các trận đấu. Tuy nhiên, phần lớn thế giới đều yêu quý "Thánh" Johan hơn. Đơn giản bởi lối đá tổng lực của Hà Lan năm ấy quá đẹp mắt. Và cái biệt danh "cơn lốc màu da cam" ra đời từ năm ấy.

World Cup 1974: Người Việt tiếp cận bóng đá thế giới - Ảnh 7.

Một sự kiện tốn khá nhiều giấy mực của báo chí thể thao thời ấy là trận thua của Tây Đức trước Đông Đức ở vòng bảng giai đoạn 1. Trận cuối của bảng này, Tây Đức chỉ cần hòa Đông Đức là đứng đầu bảng. Nhưng họ đã thua với tỷ số 0-1.

Một trận thua mà những ai có đầu óc bảo thủ đã lên án tuyển Tây Đức dữ dội. Đơn giản bởi, những người này xem bóng đá không phải là đá bóng, mà là chính trị.

Tuy nhiên, nếu Tây Đức đứng đầu bảng thì sao? Vào giai đoạn 2, họ sẽ rơi vào chung bảng với Hà Lan! Tuyển Tây Đức hoàn toàn không muốn gặp sớm đội bóng đá "Thánh" Johan. Vì vậy, họ đã chấp nhận thua để chỉ đứng nhì bảng ở giải đoạn 1.

Tôi nghĩ, đó là bài học "bỏ con tép bắt con tôm". Nếu đầu óc bị bừng bừng theo cái chuyện Đông-Tây để phải thắng tuyển Đông Đức thì chưa chắc Tây Đức đã vô địch được World cup 1974.

Họ dành cái vũ khí chủ nhà lợi hại ấy cho trận chung kết với Hà Lan, chứ không muốn dùng nó cho trận đấu bảng. Và chưa kể, bảng B của giai đoạn 2 toàn đại gia như ngoài Hà Lan còn có Brazil và Argentina!

World Cup 1974: Người Việt tiếp cận bóng đá thế giới - Ảnh 8.

__________________________

HUY THỌ
AN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0