28/03/2006 07:12 GMT+7

Vượt qua ranh giới

LÁ XANH (TP.HCM)
LÁ XANH (TP.HCM)

TT - Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được cái ngày định mệnh đó.

XsbFOXNg.jpgPhóng to
TT - Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được cái ngày định mệnh đó.

Năm 2002, tôi học lớp 12 tại một trường THPT của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Vì là năm học cuối cấp nên tôi phải học suốt ngày, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Gia đình, dòng họ ai cũng kỳ vọng vào tôi. Nếu tôi đậu đại học sẽ làm cho cả họ được nở mày nở mặt, được hãnh diện so với các dòng họ khác trong làng.

Cụ trưởng họ ngày nào cũng lên hỏi bố mẹ tôi xem tôi học hành thế nào, đã sắp thi chưa! Và lần nào lên cụ đều mang bánh, trái cây để tôi "tẩm bổ", lấy sức học để thi đạt điểm cao. Bố mẹ tôi thay phiên nhau thức để xem tôi học. Chỉ sau một tháng ôn thi mà người tôi gầy tọp hẳn đi; đầu óc lúc nào cũng căng ra như có sợi dây đang kéo vậy!

Rồi ngày thi đại học đến, cả họ ra cổng tiễn tôi lên Hà Nội thi. Cụ trưởng họ nắm tay bố tôi: “Anh cả phải chăm lo thật tốt cho chắt nó thi đạt kết quả thật cao nhé!”.

Bố tôi "dạ" một tiếng rồi cùng tôi lên xe ôm để ra bến xe. Mọi người giơ tay vẫy vẫy chào tạm biệt tôi và bố. Cụ trưởng họ còn dặn với theo tôi: “Cố gắng thành cô sinh viên nhá...!”.

Tôi giơ tay vẫy chào mọi người. Quả thực lòng tôi rất lo lắng, vì lúc đó tôi biết cả dòng họ đang kỳ vọng rất nhiều vào tôi.

Và điều gì đến ắt sẽ đến, đang thi dở môn văn trong buổi thi đầu tiên, tôi đã ngất xỉu, thế là kỳ thi đại học dở dang. Xe cấp cứu đưa tôi vào bệnh viện. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy bố tôi đang gục đầu trên giường bệnh; chắc bố mệt vì thức lo cho tôi.

Ra viện, tôi cùng bố về nhà. Cả dòng họ chào đón tôi như chào đón một nhân vật quan trọng về thăm vậy. Bố tôi lặng lẽ không nói gì. Cụ trưởng họ nắm tay tôi: “Sao rồi, làm bài tốt chứ con? Cụ rất hi vọng ở con đó!”.

Tôi òa khóc. Bố tôi đành phải nói sự thật. Vậy là cả dòng họ thất vọng. Cụ trưởng họ và bố mẹ tôi bị làng xóm đàm tiếu lời ra, tiếng vào. Buồn và chán, nhiều đêm tôi không ngủ được. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu: tôi đi mua một lọ thuốc ngủ, mang về để ở dưới gối. Nếu tôi chết đi, chắc cả dòng họ sẽ không phải mang tiếng xấu. Mà bố mẹ tôi cũng không phải ngày đêm héo hon vì lòng lúc nào cũng lo lắng cho tôi.

Tôi uống cả lọ thuốc ngủ nhưng không chết vì mẹ tôi phát hiện kịp, đưa tôi đến bệnh viện. Tin tôi định tự tử đã làm cụ trưởng họ giận dữ. Cụ mắng bố mẹ tôi là không để ý đến tôi, để tôi làm liều, xấu mặt cả dòng họ.

Sau khi được bác sĩ súc ruột, tôi qua cơn nguy hiểm. Biết là tôi tự tử vì hỏng thi, bác sĩ Lê Thị Thanh đã hết lòng khuyên bảo tôi. Câu nói của bác sĩ vẫn luôn làm tôi suy nghĩ: "Chết không có nghĩa là hết đâu cô bé ạ! Cháu phải luôn cố gắng nhìn cuộc đời bằng màu hồng; cuộc sống này còn lắm điều thú vị lắm. Rớt năm nay, cháu có thể thi lại vào năm sau mà. Hơn nữa, vào đại học không phải là con đường lập thân duy nhất đâu cháu! Miễn sao mình có đôi tay và cái đầu biết suy nghĩ, mình sẽ làm ra mọi thứ...".

Chính những ngày gặp vị bác sĩ ấy, tôi đã trấn an trở lại. Tôi xin bố mẹ cho phép thi lại đại học vào năm sau. Bố mẹ tôi đồng ý.

Sau lần tôi tự tử hụt, hàng xóm ít xì xào bàn tán, cụ trưởng họ không la mắng bố mẹ tôi nữa. Thế rồi quyết tâm của tôi đã đạt được. Tôi đậu vào một trường đại học dân lập ở TP.HCM. Tuy không phải là trường công lập nhưng đó là thành quả của tôi sau một lần thiếu suy nghĩ: đi tìm cái chết.

Giờ kể lại câu chuyện này, tôi đã là sinh viên năm 3. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến câu văn của nhà văn Nguyễn Khải: "...Ở đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là ta phải có sức mạnh để vượt qua cái ranh giới ấy...”.

LÁ XANH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên