Trận mưa lũ lịch sử "trăm năm mới có một lần" quét qua xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đêm 5-8 khiến 20 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn. Riêng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hồ Bốn có bốn thầy giáo mất trắng nhà sau cơn lũ dữ.
Đó là thầy Trần Quốc Ân, thầy Giàng A Chinh và thầy Hờ A Cha (cùng ở bản Trống Là) và thầy Giàng A Che ở bản Trống Gầu Bua. Gác lại nỗi niềm riêng, những ngày qua các thầy cô vất vả băng rừng, lội bộ "đến từng nhà, rà từng bản" để "bắt" trò về trường nuôi dạy như con.
Đến từng nhà, rà từng bản
Bản Trống Gầu Bua (xã Hồ Bốn) - nơi từng bị cô lập trong cơn lũ dữ - đầy "bẫy" sình lầy. Lái chiếc "trâu đất" trở lại bản Trống Gầu Bua, thầy Giàng A Che dí dỏm nói đó là tên gọi mà dân bản đặt cho những chiếc xe máy đã "chinh chiến" qua các cung đường núi cheo leo, hiểm trở dịp mưa lũ về. "Chúng mình gọi vui là con "trâu đất" vì có rửa sạch đến mấy thì đi rồi cũng lấm lem bùn đất tiếp thôi à" - thầy Giàng A Che nói.
Trên đường đi, hễ gặp đứa trẻ nào thầy Che cũng dừng xe lại để chuyện trò, dặn dò kỹ lưỡng các em học sinh nhớ ra lớp học với các thầy cô. Khó khăn nhất là nhiều gia đình mất nhà cửa, các em học sinh phân tán đi ở nhờ các gia đình khác nhau. "Do đó chúng tôi phải "đi từng nhà, rà từng bản" để tìm học trò" - thầy Che quả quyết.
Leo qua một đoạn dốc cao, các thầy mới đến được nhà anh Giàng A Hảng, người có ba con, đứa lớn năm nay học lớp 8, còn đứa nhỏ nhất năm nay vào lớp 1. Cảnh tượng trước mắt khiến ai nấy chứng kiến đều xót xa. Ngôi nhà của A Hảng đã bị sụp đổ hoàn toàn trong cơn lũ, đành dựng lán tạm bên cạnh để có chỗ cho gia đình trú nắng, còn nếu mưa tiếp tục trút xuống, A Hảng đành cho các con đi ở nhờ nhà người thân.
Đứng bên túp lều tạm, A Hảng trải lòng cơn lũ vừa quét qua khiến căn nhà sụp đổ hoàn toàn, may mắn anh còn vớt vát được chiếc xe máy cà tàng và vài chiếc xoong nồi. Những ngày qua A Hảng lái chiếc xe đi làm thuê, mỗi ngày cũng kiếm được 200.000 - 300.000 đồng.
"Nhưng tiền đó để dành cho các con hết, đến xăng cũng không dám đổ để về đâu. Mình dặn các con học cho ngoan đi, đừng có trốn học mà tốn tiền của bố, bây giờ bố không có tiền đâu. Mình bảo con thế nên con cũng hiểu" - người bố tâm tình.
Nhưng khi nhắc đến năm học mới, A Hảng không giấu được ánh mắt lo lắng vì sắp tới ba đứa con đều đi học hết mà nhà thì mất hết rồi. Nhưng A Hảng nói sẽ gắng đi "nợ tiền" khoảng 5-6 triệu đồng cho con đi học, mua cho con cái thước, cuốn vở, giày dép, quần áo...
"Lo cho con đi học trước, mình sẽ lo nhà sau. Ở trường cũng có thầy cô giúp đỡ các con, mình cũng không lo nữa" - A Hảng quả quyết.
"Mong các con được học đầy đủ"
Đi "bắt" học trò cùng thầy Che là thầy Giàng A Câu (36 tuổi, dân tộc Mông) cũng là người con ở xã Hồ Bốn. Từ ngày đầu công tác đến nay, thầy đã có 12 năm gắn bó với nhiệm vụ đi "bắt" học trò.
Thầy Câu nhớ lại những lần đi vào bản vận động học sinh, thấy đường đi sạt lở khiến "tay lái lụa" như các thầy cũng khiếp đảm. Nhớ nhất là những ngày đầu xuống bản vận động, đường trơn trượt, ngã suốt. Có lần đi vận động, thầy Câu đổ cả xe lao xuống dốc. Nhưng nay thì các thầy ai cũng quen đường sá rồi.
"Khó khăn vất vả là vậy nhưng chúng mình ráng vì nhiệm vụ chung, vì tương lai của các con. Chứ hôm nay các con nghỉ lại mất đi một tí kiến thức rồi. Cho nên mình mong ngày nào các con cũng đi học đầy đủ" - thầy Câu mong mỏi.
28 năm gắn bó với công tác dạy học ở miền núi, thầy Hờ A Cha (47 tuổi) bám trường, bám lớp từ bản xa xôi nhất cho đến ngày được chuyển về điểm trường trung tâm, cuộc sống nhờ thế cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng cơn lũ dữ ập đến, căn nhà bao năm tích cóp đã bị cuốn phăng, chỉ còn trơ sỏi đá, ruộng vườn, lợn gà cũng trôi theo dòng nước lũ.
Những ngày qua, thầy Cha nén lại nỗi niềm riêng, lặng lẽ, cần mẫn cùng đồng nghiệp chung tay khôi phục trường học để kịp đón học trò trước ngày khai giảng. "Ở nhà mình cũng lo lắm, xót xa lắm nhưng lo lắng cũng không giải quyết được gì nên mình bỏ hết tất cả để đến trường" - thầy Cha bộc bạch.
Ngồi tại căn nhà ở tạm, thầy Cha dự tính đợi khi các em vào năm học mới ổn định, thầy cố gắng tích cóp, vay mượn để đợi đến mùa khô sẽ dựng lại nhà, san đất làm nhà. "Làm nhà nhiều lần nên tốn kém nhiều quá, giờ mình dự tính làm nhà cấp 4 thôi, miễn sao có nơi cho vợ và các con các cháu ở ổn định, nhờ đó mình cũng yên tâm công tác" - thầy Cha suy tính.
Theo sát, chăm nom học sinh 24/24
Các thầy cô kể khi đến nhà vận động, một số phụ huynh bảo giờ không có nhà để ở, chẳng muốn cho con đi học đâu. Nhưng thầy cô ráng động viên bố mẹ tạo điều kiện để con em xuống trường vì ở trường có chỗ ăn, chỗ ở, cứ an tâm cho con đi học thôi. Chưa kể ở trường cũng có rất nhiều thầy cô giáo người Mông, coi các con như là người nhà của mình.
Do đó khi đón các con về trường, các thầy cô giáo sẽ thay phiên nhau túc trực 24/24 để chăm nom các em như con cái mình. Đặc biệt với học sinh khối lớp 1 còn bỡ ngỡ vì lần đầu tiên xa nhà, có em còn chưa biết tự cầm đũa để ăn, chưa biết vệ sinh cá nhân nên thầy cô giáo sẽ theo sát, giúp đỡ cho các em thích nghi với môi trường mới.
TP.HCM xây dựng trường học hạnh phúc
Đến ngày 27-8, hầu hết các trường THCS, THPT ở TP.HCM đều đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để sẵn sàng đón học sinh tựu trường vào ngày 28-8.
Cô Bùi Thị Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình - cho biết: "Các em học sinh sẽ có hai buổi tập trung, nhận lớp, gặp giáo viên chủ nhiệm để sinh hoạt nội quy và rèn nề nếp trước khi chính thức bước vào năm học mới. Việc giảng dạy theo chương trình sẽ bắt đầu từ ngày 6-9".
Năm học 2023 - 2024, học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11 ở các trường tiểu học, THCS, THPT trên cả nước sẽ học theo chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018).
"Chúng tôi đã có kinh nghiệm thực hiện chương trình mới đối với khối 6, 7 của hai năm trước. Do vậy, năm nay mọi thứ đã vào "guồng". Ngay từ đầu tháng 6-2023, tôi đã phân công giáo viên dạy khối 8 cho năm học này.
Suốt ba tháng hè vừa qua, các giáo viên bộ môn đã cùng nhau soạn kế hoạch bài dạy (trước đây gọi là giáo án - NV), đi tập huấn, họp góp ý, chỉnh sửa... Đến nay, trong tay mỗi giáo viên đều đã có kế hoạch bài dạy của tất cả các chủ đề trong năm học. Mọi thứ đã sẵn sàng" - cô Tâm thông tin.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, TP Thủ Đức - cho hay: "Ngày 28-8, trường sẽ tập trung học sinh ba khối 10, 11, 12. Ngày 31-8, chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội Open day dành cho học sinh khối 10.
Không chỉ giới thiệu về cơ sở vật chất, thầy cô, chương trình giáo dục của nhà trường, lễ hội còn có nhiều hoạt động về thể chất, kỹ năng, tạo sự đoàn kết và niềm hứng khởi cho học sinh khối 10 trước khi nhập học chính thức".
Cũng theo cô Trúc, năm học mới nhà trường sẽ mở thêm nhiều câu lạc bộ, ngoài những câu lạc bộ học thuật còn có câu lạc bộ cờ vua, cờ tướng, bóng bàn, mỹ thuật, khéo tay hay làm... "Chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thiện việc cải tiến thư viện, mở góc cà phê sách, tạo môi trường cho học sinh thư giãn sau giờ học chính khóa" - cô Trúc nói.
Nói về những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh: "Đây là sẽ năm học chúng tôi triển khai việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Từ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đến các TT GDTX, TT GDNN và GDTX. Sở GD-ĐT sẽ hoàn thiện và ban hành kế hoạch, bộ tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc".
Tại buổi lễ triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 mới đây, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng đồng tình: "Nếu không có trường học tử tế thì sẽ không có trường học hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng môi trường giáo dục tử tế, công bằng, thực chất...
Với môi trường giáo dục tử tế, trước hết thầy cô phải tử tế, tận tâm với học trò, quan hệ với đồng nghiệp chan hòa, có sự trân trọng và có mối quan hệ tốt với phụ huynh, tạo điều kiện tối đa cho học sinh phát huy năng lực"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận