13/12/2015 20:17 GMT+7

Vườn Tao Đàn và chuyện tình buồn ở chùa Từ Ân

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TTO - Ở trung tâm TP.HCM, chúng ta có một khu vườn rộng, đẹp, mát mẻ mà mọi người ai cũng biết với tên thường gọi là vườn Tao Đàn hay công viên Tao Đàn.

Khu vực trung tâm Vườn Tao Đàn ngày xưa - Ảnh: Tư liệu
Khu vực trung tâm vườn Tao Đàn ngày xưa - Ảnh: tư liệu

Đây là nơi thanh niên đến vui chơi, sinh hoạt, người già đi tập thể dục và cả những du khách tới thành phố cũng ghé qua để hưởng chút không khí trong lành. Đây cũng là một trong những lá phổi của thành phố đang ngày càng đông đúc, mịt mù khói bụi.

Song quá trình lịch sử của khu vườn này ra sao thì không phải ai cũng biết.  

Vườn Tao Đàn và lịch sử của chùa Từ Ân

Biên niên sử 300 năm Phật giáo Sài Gòn - Gia Định ghi nhận có hai ngôi chùa nằm ven phía nam thành Gia Định. Đó là chùa Từ Ân và chùa Khải Tường.

Xin mở ngoặc về phương hướng trong bài viết này. Chúng tôi dùng phương hướng theo ông Trịnh Hoài Đức, tác giả cuốn Gia Định thành thông chí, là hướng nam tính từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa về phía đường Cách Mạng Tháng Tám và phía đối hướng bắc là hướng Thị Nghè.

Hướng đông hướng về sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng) và hướng tây là hướng đi về Tây Ninh. Hiện nay, cách định hướng có khác. Nếu định hướng theo cách hiện nay thì khó xác định được các cổ tích xưa và không trúng với các tư liệu xưa đã viết.

Chùa Khải Tường được các tài liệu xác định là khu vực có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Trường Lê Quý Đôn, chúng tôi sẽ đề cập đến khi có dịp.

Còn chùa Từ Ân ở gần đó thì…

Năm Giáp Tý 1744, chúa Võ Vương chính thức xưng quốc vương và tổ chức Đàng Trong thành một nước ngang hàng với Đàng Ngoài của vua Lê - chúa Trịnh.

Võ Vương tiến hành cải cách hành chính, cải cách xã hội, sửa đổi cách ăn mặc và phong tục, phát động phong trào di dân mạnh để mở mang lãnh thổ, khuyến khích dân chúng ở miền Trung và vùng Đồng Nai di cư đến vùng Bến Nghé, Sài Gòn và Mỹ Tho.

Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc (1725-1821) theo di dân đến thôn Tân Lộc (nay thuộc khu chợ Đũi, Q.3, TP.HCM) lập thảo am, sau này trở thành chùa Từ Ân.

Một bạn đạo của thiền sư (chưa rõ pháp danh) lập thảo am ở gần, sau này trở thành chùa Khải Tường.

Năm 1802 (Nhâm Tuất), vua Gia Long cho trùng tu chùa Từ Ân ở thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định và chùa Khải Tường ở gần đó.

Chùa Tư Ân nằm gần chùa Khải Tường nhưng là chỗ nào? Theo nhà nghiên cứu Trần Hồng Liên thì “Ngôi thảo am này nằm trong khu vực gần vườn Tao Đàn, sau này có tên là Từ Ân. Sau đó không lâu, người bạn tách riêng ra lập ngôi chùa khác đối diện với chùa Từ Ân là chùa Khải Tường” (Trần Hồng Liên - Chùa Từ Ân trong sự phát triển văn hóa ở Gia Định, Sài Gòn Xưa & Nay, Trẻ và tạp chí Xưa & Nay hợp tác xuất bản 2007) và chùa thành lập vào khoảng năm 1752.

Vị trí chùa Khải Tường theo bản đồ 3D năm 1881, nằm kế bên Trường Lê Quý Đôn và quay mặt ra đường Nguyễn Thị Minh Khai ngó sang dinh Độc Lập.

“Phía đối diện của nhà nghiên cứu Trần Hồng Liên” thì có thể nằm trong khuôn viên dinh Độc Lập hoặc chếch về hướng nam chút ít thì lọt vô vườn Tao Đàn, có thể nền chùa nay là khu vực Cung văn hóa Lao động thành phố. Nếu xa hơn nữa thì nền chùa Từ Ân phải nằm lọt trong vườn Tao Đàn và khu vực này có khả năng thuộc về chợ Đũi xưa.

Như vậy, vườn Tao Đàn là địa chỉ của chùa Từ Ân được nhiều tư liệu ghi nhận nhất, song chính xác là nơi nào thì… bó tay!

Và chùa này cũng cùng số phận với nhiều chùa khác, trong số có Khải Tường, đã bị quân Pháp biến thành doanh trại và bị phá hủy sau đó. Năm 1870, chùa Từ Ân “mới” được dựng lên ở đường Tân Hóa (quận 11) với nhiều hiện vật “cũ” của chùa Từ Ân xưa.

Chuyện tình của một hoàng cô

Như vậy có thể khẳng định vườn Tao Đàn hiện nay là khu vườn nằm trên phần đất của một ngôi chùa cổ ngày xưa, chùa Từ Ân.

Chùa chiền ngày xưa thường rộng rãi, có nhiều đất để các ni sư trồng cấy, sản xuất. Một dấu vết cũ của chùa là ngôi mộ của Lâm Tam Lang nằm ở giữa vườn Tao Đàn hiện nay.

Một góc Vườn Tao Đàn ngày xưa - Ảnh: Tư liệu
Một góc vườn Tao Đàn ngày xưa - Ảnh: tư liệu

Hiện người ta chưa biết Lâm Tam Lang là ai, hậu duệ thế nào, chôn cất tại đây khi nào? Từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đi về phía Hòa Hưng, xưa là một nghĩa địa khổng lồ của Sài Gòn.

Song đất của vườn Tao Đàn không nằm trong số đó. Không phải nghĩa địa mà có mồ mả ắt là đất của chùa vì đất các chùa xưa thường là nơi chôn cất.

Theo Biên niên sử 300 năm Phật giáo Sài Gòn - Gia Định kể lại tóm tắt việc chùa Từ Ân từng xảy ra một câu chuyện tình buồn.

Nguyên hòa thượng Liên Hoa, một tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế, “bị” một vị hoàng cô Tế Minh -Thiên Nhựt (không rõ chị hay em vua Minh Mạng) là học trò của hòa thượng đem lòng yêu thương.

Sau khi biết hòa thượng Liên Hoa trốn vào Gia Định, bà hoàng cô liền tìm cách tìm gặp. Và dịp may đã đến.

Khi vua Minh Mạng có ý định vào Gia Định tạ lễ các chùa, bà xin đi và được chấp thuận là người đại diện vua vào Gia Định.

Cần nhớ rằng năm 1790 khi xây thành Gia Định, Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) đã trú ngụ tại chùa Khải Tường.

Tại đây, một thứ phi của ông đã hạ sanh hoàng tử Đởm, chính là vua Minh Mạnh sau này. Vì vậy đối với Minh Mạng, các chùa ở Gia Định có một mối thiện cảm đặc biệt và cũng vì vậy mà sau khi lên ngôi, Minh Mạng đã phong cho chùa Khải Tường là Quốc Ân Khải Tường và Từ Ân là Sắc Tứ Từ Ân.

Khi hoàng cô vào Gia Định tế lễ thì trú ngụ tại chùa Từ Ân. Hòa thượng Liên Hoa sợ quá liền trốn lên chùa Đại Giác ở Biên Hòa để tránh tiếp xúc với hoàng cô.

Không ngờ bà hoàng cô này vì quá mê muội tình trường đã tìm lên chùa Đại Giác. Đêm đó, hòa thượng Liên Hoa đã tự thiêu để bảo toàn danh tiếng của một người tu hành và danh tiết cho hoàng cô.

Vài ngày sau, tháng 11-1833, hoàng cô Tế Minh - Thiên Nhựt uống thuốc độc tự tử.

Năm 1821 (Tân Tỵ) vua Minh Mạng sắc tứ cho hai chùa ở Gia Định: Quốc Ân Khải Tường (nơi vua sanh) và Sắc Tứ Từ Ân. Năm 1833 (Quý Mùi) hòa thượng Liên Hoa (hay tăng cang Thiệt Thành - Liễu Đạt) cáo chức tăng cang chùa Thiên Mụ để về trụ trì chùa Từ Ân. 

Năm 1862 (Nhâm Tuất) Sắc Tứ Từ Ân - tổ đình nổi tiếng nhất Nam bộ - bị suy sụp, cuối thế kỷ 19 dời về đường Tân Hóa (Q.11 ngày nay) (Theo Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh 1600-1992, NXB TP.HCM 2001).

Một thời gian dài, người Sài Gòn gọi vườn Tao Đàn là vườn Ông Thượng. Vì sao lại có tên gọi này và nó có liên quan gì đến những câu chuyện diễn ra ở đây?

Mời bạn đón đọc kỳ sau.

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên