Trong số này có bốn khu Ramsar của Việt Nam là vùng bãi bồi cửa sông ven biển thuộc vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định (gia nhập công ước Ramsar ngày 20-9-1988); vùng ngập nước Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai (gia nhập công ước Ramsar ngày 4-8-2005); khu hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn (gia nhập công ước Ramsar ngày 2-2-2011) và vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam, đồng thời là thứ 2.000 của thế giới vừa được công ước Ramsar công nhận ngày 2-2-2012.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu đến bạn đọc những thông tin về vườn quốc gia Tràm Chim được mô tả trên trang web ramsar.org.
Với trên 7.000 ha đồng cỏ và rừng tràm, vườn quốc gia Tràm Chim được thành lập năm 1998 là một trong những tàn tích cuối cùng của hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười - nơi chiếm diện tích khoảng 700.000 ha của vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc tây nam Việt Nam.
Phóng to |
Vùng đất ngập nước trù phú - vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: Nguyen Van Hung/ramsar.org |
Khu Ramsar Tràm Chim là một trong rất ít nơi trên thế giới có loài lúa gié hoang quý hiếm (hoặc còn được gọi là lúa hạt đỏ hay lúa bánh mì nâu, tên khoa học Oryza rufipogon) còn tồn tại. Vườn quốc gia Tràm Chim còn là nơi sinh sống của tám loài chim và năm loài cá đang bị đe dọa trên toàn cầu, bao gồm loài ô tác Bengal (còn gọi là ô tác Nam Á, tên khoa học Houbaropsis bengalensis) và loài cá hô khổng lồ (tên khoa học Catlocarpio siamensis) có thịt rất ngon.
Không những thế, vườn quốc gia Tràm Chim còn là nơi cư trú của hơn 20.000 cá thể các loài chim nước trong mùa khô, đặc biệt trong số này phải kể đến loài chim sếu đầu đỏ phương Đông quý hiếm (tên khoa học Grus antigone sharpii).
Phóng to |
Những đồng cỏ trù phú tại vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: Nguyen Van Hung/ramsar.org |
Nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, vườn quốc gia Tràm Chim đóng vai trò như một hồ chứa tự nhiên giúp điều chỉnh và duy trì nhịp thủy văn - có nước vào, có nước ra - của toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, trong mùa mưa nước lũ từ sông Mekong sẽ tràn qua bờ kênh và gây ngập lụt khu vực Ramsar Tràm Chim. Sau đó, nước lũ từ từ rút chậm trở lại vào sông Mekong, giúp giảm nguy cơ lũ lụt ở vùng hạ lưu, bảo vệ nơi sinh sống của khoảng 20.000 người dân dọc theo các tuyến đê phía đông và phía nam đồng bằng sông Cửu Long.
Phóng to |
Một đàn sếu đầu đỏ quý hiếm tại vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: Nguyen Van Hung/ramsar.org |
Cảnh quan vườn quốc gia Tràm Chim đẹp nên thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Nơi đây còn có ý nghĩa quan trọng về mặt giá trị lịch sử trong các cuộc chiến tranh Mỹ - Việt Nam thời trước.
Khu Ramsar Tràm Chim còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú hỗ trợ cuộc sống của 80% người dân tại đây, chẳng hạn những đồng cỏ trù phú cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc, các cây lấy gỗ cung cấp củi làm than nhiên liệu và đặc biệt là nguồn cá dồi dào, cung cấp thành phần chất đạm dinh dưỡng cho người dân địa phương.
Phóng to |
Loài chim ô tác Bengal - Ảnh: Arkive |
Từ năm 2006, chính quyền địa phương đã chú trọng các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ vườn quốc gia Tràm Chim. Phát triển cộng đồng và các chương trình xóa đói giảm nghèo đang được thực hiện trong khu vực vùng đệm của vườn quốc gia này, bao gồm cả việc cho vay vốn tín dụng, trồng rừng tràm, kết hợp mở rộng canh tác và đào tạo cán bộ trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất.
Phóng to |
Cá hô khổng lồ - Ảnh: softpedia.com |
Tràm Chim còn là vườn quốc gia “điểm” thực hiện giai đoạn I của “Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững đất ngập nước sông Cửu Long” dưới sự quản lý của Ủy ban sông Mekong (MRC) phối hợp với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc/ Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF) và Tổ chức Hợp tác phát triển Thụy Điển (SIDA).
Gần đây nhất, giai đoạn 2007-2011, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) còn hỗ trợ vườn quốc gia Tràm Chim với một loạt hoạt động nghiên cứu và dự án thí điểm để phục hồi môi trường sống tự nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận