18/05/2016 11:22 GMT+7

Vươn lên số 1 đừng bỏ nét đẹp vỉa hè Sài Gòn

MAI HƯƠNG - PHẠM VŨ ghi
MAI HƯƠNG - PHẠM VŨ ghi

TTO - Tiếp tục Diễn đàn TP.HCM & khát vọng vươn lên, chúng tôi giới thiệu hai đề xuất hướng đến việc xây dựng TP.HCM thành một TP có văn hóa, đáng sống, nghĩa tình.

Giúp đỡ người bị nạn là nét đẹp văn hóa của người dân TP.HCM - Ảnh: Châu Anh
Giúp đỡ người bị nạn là nét đẹp văn hóa của người dân TP.HCM - Ảnh: Châu Anh
Ảnh: NVCC

* Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam (trưởng bộ môn TP.HCM học, khoa xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM):

Khơi dậy phong trào xây dựng nếp sống thị dân

Để xây dựng một TP có văn hóa, đáng sống, nghĩa tình... thì yếu tố con người mang tính quyết định.

Thật đáng tiếc, quá trình phát triển về kinh tế trong mối quan hệ với văn hóa của TP.HCM đã không đồng hành cùng nhau, nếu không muốn nói là đã vênh nhau, chỏi nhau. Kinh tế phát triển nhưng văn hóa lại quay lưng, xoay chiều với kinh tế.

Nếp sống, lối sống, đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ cư dân, thậm chí thị dân chưa đạt chuẩn, chưa xứng tầm của một đô thị lớn và hiện đại, có kinh tế phát triển nhất nước. Cái này chúng ta còn thua kém rất nhiều so với một số đô thị trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Chúng ta thua sút về khía cạnh văn hóa, ứng xử văn hóa không phải là vì còn nghèo. Có lẽ, nguyên nhân cơ bản là do trong một thời gian dài chúng ta không tập trung vào giáo dục đạo đức lối sống, cách ứng xử văn hóa cho người dân, lãng quên nền cổ học tốt đẹp, quý báu của dân tộc.

Hoặc là chúng ta đã lệch lạc, chệch hướng trong giáo dục: việc học kiến thức lại được đặt quá cao so với học làm người. Có lẽ phải trở về với lời dạy sâu sắc, chí lý, đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Phải bắt đầu từ đây.

Để TP.HCM có vị trí số 1 về môi trường văn hóa tốt, cách ứng xử văn hóa, trở thành nơi đáng sống, nhân hậu, nghĩa tình... phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: giáo dục, tính nêu gương, hệ thống pháp luật chặt chẽ, thiết chế văn hóa xã hội tốt...

Trong đó giáo dục phải ở hàng đầu: dạy từ nhà, dạy trong trường, dạy ngoài xã hội. Ba yếu tố này phải tiến hành đồng thời song song với nhau.

Đã đến lúc TP.HCM cần phải khơi lại một phong trào cách mạng thật sự về xây dựng nếp sống thị dân, thực hành lối sống nghĩa tình, nhân văn cho cư dân TP. Mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể, ban ngành... phải đặt tiêu chí thi đua về đạo đức, lối sống, cách ứng xử văn hóa ở nơi làm việc và cả nơi cư ngụ.

Cán bộ chủ chốt trong toàn TP phải được yêu cầu có phong cách, lối sống mẫu mực để làm gương cho đội ngũ công chức, viên chức. Ai vi phạm phải có hình thức xử lý.

Xây dựng TP có vị trí số 1 về lối sống, cách ứng xử văn hóa, đạo đức, theo tôi là chuyện nằm trong tầm tay - không cần phụ thuộc vào tiềm lực ngân sách, không phải huy động vốn đầu tư nước ngoài.

Cần nhất là có lòng, có quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, sự khao khát thực hiện của đại bộ phận người dân.

Ảnh: Tự Trung
Ảnh: Tự Trung

* PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân:

“Vỉa hè phải là nét đẹp của thành phố”

Ngày nay, cùng với phát triển kinh tế thì xã hội lại ngày một xô bồ, nhiều vấn nạn. Lập lại trật tự đô thị cần thật sự nghiêm túc về luật pháp, và phát triển đô thị không thể xem nhẹ những yếu tố liên quan đến con người, có vậy mới bền vững được. Lấy một ví dụ cụ thể là quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè của chính quyền TP.HCM thời gian gần đây.

Suốt lịch sử từ Sài Gòn đến TP.HCM đều mang đặc trưng là một TP năng động, đa dạng, quy tụ người di cư từ khắp mọi miền, kể cả từ nước ngoài. Vỉa hè thể hiện rất rõ nét đặc trưng đô thị đa dạng ấy với nhịp sinh hoạt sôi động từ sáng sớm đến đêm khuya.

Đặc trưng ấy nên giữ và nhất thiết phải được quản lý, sắp xếp để nó là một nét đẹp, độc đáo của TP.

Vấn đề khó lại chính là quan điểm của nhà quản lý: phải chấm dứt tư duy coi vỉa hè là tài nguyên để khai thác thành nguồn thu. Vấn đề tiếp theo nằm ở ý thức con người. Vì điều kiện hạn hẹp của vỉa hè, lại không được quản lý bằng quy định chặt chẽ, người buôn bán không ý thức giữ gìn vệ sinh khu vực mình sử dụng và xung quanh, dẫn đến tình trạng bừa bãi, nhếch nhác.

Lại thêm vào đó, nhiều đoạn đường đông đúc, người đi xe máy tự do leo xe lên lề, len lách đi như đó là lòng đường. Người đi bộ vì vậy càng thiệt thòi, có thể gặp nguy hiểm ngay trên vỉa hè. Tôi cho rằng đó là điều không thể chấp nhận được.

Giải pháp khả thi là phải đồng bộ phối hợp giữa tất cả các đối tượng: chính quyền địa phương, cư dân tại chỗ và người được phép sử dụng vỉa hè.

Giải pháp phải được nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng về các mặt kinh tế và xã hội, dung hòa giữa lợi ích các bên, trong đó ưu tiên một là trật tự đô thị. Nâng cao ý thức của người sử dụng và cả người đi đường bằng luật, bằng những quy định chặt chẽ và được thực hiện nghiêm túc.

Quy hoạch lại, trước hết là dành lối đi thông thoáng và thông suốt cho người đi bộ, đoạn nào rộng rãi, thừa nhu cầu đi bộ mới có thể tính đến phân quyền cho thuê tạm thời trong những khoảng không gian, thời gian nhất định.

Khi cho thuê, phải có những quy định chặt chẽ, tỉ mỉ bắt buộc người sử dụng tuân thủ như: đảm bảo vệ sinh môi trường, thực phẩm; sinh hoạt trật tự, an toàn cho người đi bộ; tiêu chuẩn về mỹ quan đô thị, loại mặt hàng được kinh doanh...

Những khu vực có lề đường rộng, khu dân cư tập trung... có thể quy hoạch một khu vực buôn bán tập trung như hình thức chợ đêm để hình thành những sắc thái riêng cho mỗi con đường, khu vực.

Hội thảo “TP.HCM - Khát vọng vươn lên”

Ngày 19-5, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “TP.HCM - Khát vọng vươn lên” như một cách tiếp nối loạt bài trong diễn đàn cùng tên được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ thời gian qua thu hút đông đảo ý kiến của các chuyên gia, nhà làm chính sách, lãnh đạo cũng như những người tâm huyết và yêu mến TP.HCM.

Được lấy cảm hứng từ những gợi mở và quyết tâm của lãnh đạo TP về việc cải thiện, nỗ lực xây dựng một TP.HCM thành nơi đáng sống, hội thảo “TP.HCM - Khát vọng vươn lên” là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp cùng bàn luận những giải pháp, cơ chế để tăng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới cho TP.HCM vươn lên như khát vọng của nhiều người dân TP.

Tham dự và chủ trì hội thảo sẽ có lãnh đạo UBND TP.HCM, đại diện các sở ban ngành TP.HCM, đại diện các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau... sẽ cùng trao đổi và thảo luận về việc xây dựng một TP.HCM đáng sống.

Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm mô hình phát triển đô thị trên thế giới như là một bài học tham khảo cho quá trình phát triển của TP.HCM.

NHƯ BÌNH

MAI HƯƠNG - PHẠM VŨ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên