29/04/2015 09:32 GMT+7

​“Vùng lõm” Bàn Cờ

DUY THANH - H.ĐIỆP
DUY THANH - H.ĐIỆP

TT - Là tác giả bài thơ Người mẹ Bàn Cờ nổi tiếng, ông Nguyễn Kim Ngân không giấu được niềm vui khi hay tin khu Bàn Cờ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà số 51/10/14 Cao Thắng, P.3, Q.3 (TP.HCM), nơi từng là cơ sở Ban tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ - Ảnh: Tiến Long

“Đó là danh hiệu rất xứng đáng, người dân Bàn Cờ mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ các lực lượng phản chiến, lực lượng cách mạng xứng đáng được tôn vinh như thế” - ông Ngân (69 tuổi, ở P.Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) nói.

Người Bàn Cờ mưu trí, dũng cảm

Ngày 25-4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang P.3, Q.3, TP.HCM vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong những năm tháng chiến tranh, đây là nơi tập trung nhiều người lao động, nhưng cũng chính nơi mà cuộc sống khó khăn nhất, vất vả nhất lại chính là cái nôi để nuôi giấu, là nơi hun đúc lòng yêu nước của nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên của miền Nam từ phong trào học sinh, sinh viên ngay tại Sài Gòn.

Ông Ngân có một thời gian dài từ năm 1960-1972 hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh tranh đấu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là “phong trào”) khi là học sinh, rồi sinh viên khoa triết học Trường đại học Văn khoa Sài Gòn.

Nguyễn Kim Ngân viết bài thơ Người mẹ Bàn Cờ vào năm 1970, khi đang học năm cuối đại học, mà ông kể rằng đó là cảm xúc đã hun đúc nhiều năm đối với người dân Bàn Cờ được “bật ra” trên ngòi bút ông chỉ trong vòng một giờ đồng hồ.

Bài thơ được đăng đầu tiên trong tạp chí Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn, sau đó được các báo và tạp chí của sinh viên ở Sài Gòn đăng lại, được người bạn học chung khoa triết tại Đại học Văn khoa là Trần Long Ẩn phổ nhạc và trở nên nổi tiếng.

“Với tôi, tình cảm đối với khu Bàn Cờ, dân Bàn Cờ rất thiêng liêng, máu thịt. Không có dân Bàn Cờ, tôi có thể đã chết hoặc vướng vòng lao lý dưới chế độ cũ rồi.

Thời ấy, đó là một khu dân cư của người lao động nghèo nhưng lại nằm ở giữa các “điểm nóng” bởi xung quanh là các cơ quan quan trọng của chính quyền Sài Gòn.

Vậy mà, người dân Bàn Cờ kiên cường, trở thành “vùng lõm” của cách mạng Sài Gòn. Dân Bàn Cờ đốt xe Mỹ, dân Bàn Cờ lập bàn thờ giữa đường để chống đàn áp tôn giáo” - ông Ngân nhớ lại.

Ông Ngân kể tháng 6-1966, trong sự kiện cảnh sát chế độ cũ bao vây Việt Nam Quốc tự (ở khu Kỳ Hòa) bốn ngày, ông là một trong số gần 400 người bị bao vây trong chùa.

“Sáng ấy tôi cắt dây thép gai, vượt khỏi chùa chạy vào một con hẻm ở khu Bàn Cờ thuộc Q.10 bây giờ để thoát thân thì bị cảnh sát đuổi theo, vây bắt. Họ bắn theo tôi. Vào giây phút ấy, tôi thấy một cô gái đang đứng ủi đồ trong nhà, bèn lao vào và chui tọt vô phòng ngủ. Khi cảnh sát đến hỏi, cô vẫn thản nhiên ủi đồ và nói không thấy có thanh niên nào chạy qua. Đó là lần thứ nhất người dân Bàn Cờ cứu tôi” - ông Ngân lần giở ký ức.

Còn lần thứ hai, theo ông, là cảm xúc mãnh liệt nhất thôi thúc ông viết ngay bài thơ Người mẹ Bàn Cờ, đó là sự kiện xảy ra năm 1970 khi thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn xuống đường biểu tình, chiếm Đại sứ quán Cao Miên tại Sài Gòn gần cả tuần để phản đối chính quyền Lon Nol đàn áp Việt kiều ở Campuchia.

“Một ngày tôi trở lại thì tòa đại sứ đã bị cảnh sát vây quanh, bên trong có nhiều bạn bè tranh đấu của tôi. Tôi tìm đường vô từ phía sau của tòa đại sứ, thuộc khu Bàn Cờ thì một cậu bé dắt tôi vào nhà dân gần đấy.

Tại đây, tôi gặp cô Truyền cũng là sinh viên tranh đấu, đang ở trọ nhà này. Lúc đó, trong nhà tôi thấy bà chủ nhà đang ngồi trò chuyện với một cô gái chừng 20 tuổi. Tôi được Truyền đưa lên gác gỗ, leo qua bancông, nhảy qua tường rào vào bên trong tòa đại sứ.

Sau khi thăm hỏi đồng đội, tôi quay trở ra bằng chính con đường cũ. Khi tôi trở lại gác gỗ thì Truyền báo là cửa vào đã lộ, cảnh sát đang bao vây. Tôi nói Truyền xuống gọi cô gái lên. Tôi bàn với cô ấy là giả làm vợ chồng dưới tỉnh lên thăm người quen là bà chủ nhà. Cô gái ấy đồng ý ngay.

Chúng tôi xuống cầu thang, tôi cầm tay cô gái dắt đến trước mặt bà chủ nhà - lúc này bà đang nói chuyện với một nhóm cảnh sát - rằng: “Vợ chồng cháu xin phép về, khi nào rảnh rỗi sẽ lên thăm cô”.

Tôi thấy sự ngạc nhiên trong đôi mắt bà chủ nhà, nhưng bà rất nhanh trí, nói: “Hai vợ chồng cháu về mạnh giỏi, cho cô gửi lời thăm ba má nhen”. Vậy là tôi và cô gái dắt nhau ra khỏi nhà, vào hẻm, rồi cắt cua. Dưới bóng cây mận già trong hẻm trong ánh đèn đêm, tôi hỏi thì cô gái cho biết tên là Thu, sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn” - ông Ngân kể.

Ảnh: H.Điệp
Tại Bàn Cờ, các trạm giao liên được nghi trang từ các tiệm tạp hóa, nhà in đến các gia đình là cơ sở cách mạng nuôi giấu học sinh sinh viên Trường Cao Thắng, Pétrus Ký, Gia Long... Bàn Cờ với một trận địa trong lòng đất với hệ thống hầm bí mật tất cả đều ngụy trang hết sức tinh vi, kín đáo. Nhưng hơn cả là thế trận lòng dân giàu ý thức và truyền thống cách mạng ở Bàn Cờ, họ không phân biệt già trẻ gái trai kiên quyết bám trụ từng ngõ hẻm để báo động cho các cơ sở mỗi khi có cảnh sát vây ráp tìm cán bộ cách mạng”
Bí thư Quận ủy Q.3 NGUYỄN THỊ LỆ

Nhớ mãi tấm lòng người Bàn Cờ

Ông Ngân nói không có sự mưu trí, dũng cảm của người dân khu Bàn Cờ, có lẽ không chỉ ông mà nhiều người khác đấu tranh chống chiến tranh, chống chế độ cũ có thể đã bị bắt bớ, tù đày.

Còn hơn thế, dân Bàn Cờ biết che chở cho cách mạng, cho sinh viên tranh đấu ngay giữa lòng địch, chỉ cần lộ ra là sẽ phải trả giá rất đắt, không chỉ một người mà cả nhiều gia đình, cả khu dân cư, nhưng người Bàn Cờ vẫn kiên gan, dũng cảm.

Bà Nguyễn Thị Cúc (bí danh Mười Thu) kể rằng việc bà được sống đến ngày hôm nay là nhờ sự bao bọc và hi sinh của đồng đội, của những người anh lớn tuổi trong Thành đoàn, nhưng hơn hết đó là sự bao bọc của chính người dân Sài Gòn khi đó.

“Đó là đêm tháng 5-1968, chúng tôi bị lộ và cảnh sát thì vây bắt đầy đường. Khi đó, chúng tôi đứng trước cổng một ngôi trường và được một người ra mở cổng trường cho chúng tôi vào trong ẩn nấp. Họ chưa từng quen chúng tôi, nhưng họ biết chúng tôi là Việt cộng, rồi cả bộ đội mang súng trốn vào trong trường. Thậm chí hôm sau chúng tôi ra ngoài, người dân ở Bàn Cờ còn mang bánh cho chúng tôi, họ bảo ăn đi cho khỏi đói”.

Bà Mười Thu xúc động nhắc lại những tấm lòng của người dân khu vực Bàn Cờ đã giúp đỡ bà và những đồng đội của bà trong cuộc chiến gian khó kéo dài để thống nhất đất nước.

Ảnh: D.Thanh
Tôi luôn suy nghĩ đất nước này chỉ có một, dân tộc này chỉ có một, chúng ta đã hi sinh nhiều để giành được độc lập, thống nhất, đó là điều quý nhất. Bảo vệ vẹn nguyên Tổ quốc, chống mọi thế lực kìm hãm sự phát triển của quốc gia, hòa hợp dân tộc để gắn kết và tạo sức mạnh Việt Nam bởi nói gì thì nói, tình yêu cao cả nhất là tình yêu đất nước, tình yêu đồng bào. Tôi nghĩ đó là những điều không chỉ riêng tôi, bạn bè sinh viên một thời tranh đấu của tôi, mà của mọi người Việt Nam đều mong muốn và hướng tới
Nhà thơ NGUYỄN KIM NGÂN

Khai hội “Thống nhất non sông” bên bờ Bến Hải

Tối 28-4, tại di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, lễ hội “Thống nhất non sông” do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức đã chính thức khai mạc để chào mừng 40 năm kỷ niệm ngày đất nước thống nhất.

Điểm nhấn của lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu thống nhất” được dàn dựng công phu, tái hiện nỗi đau chia cắt hai miền cũng như niềm hạnh phúc vỡ òa trong ngày hai miền Nam - Bắc được thống nhất.

Có mặt tại dòng sông lịch sử để chứng kiến những hình ảnh của 40 năm trước, hàng ngàn cựu binh cũng như người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã không khỏi bùi ngùi xúc động. Tại buổi lễ, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đón nhận bằng công nhận di tích địa đạo Vịnh Mốc và làng hầm địa đạo Vĩnh Linh là di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội sẽ kéo dài đến hết ngày 30-4. Ngoài chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu thống nhất”, sẽ có các hoạt động chính khác gồm lễ thượng cờ Hiền Lương, hội đua thuyền truyền thống vào sáng 29-4 trên sông Bến Hải và hội trại Thống nhất non sông.

QUỐC NAM

DUY THANH - H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên