04/10/2022 04:41 GMT+7

Vui và buồn chuyện 'âm thịnh dương suy' của cầu lông Việt Nam

TẤN PHÚC - ĐỨC KHUÊ
TẤN PHÚC - ĐỨC KHUÊ

TTO - Giải cầu lông quốc tế Vietnam Open 2022 vừa kết thúc thành công đáng kể, trong đó có chức vô địch lịch sử của Nguyễn Thùy Linh ở nội dung đơn nữ. Nhưng niềm vui đã không trọn vẹn bởi việc trắng các tay vợt nam ngay vòng đầu tiên.


Vui và buồn chuyện âm thịnh dương suy của cầu lông Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phương Nam cùng tay vợt Nguyễn Thùy Linh sau thắng lợi tại Vietnam Open 2022 - Ảnh: Đ.K.

Về thành tích, đây là lần đầu tiên có tới 3 tay vợt Việt Nam lọt vào đến bán kết nội dung đơn nữ. Và chiến thắng của Thùy Linh cũng đánh dấu lần đầu tiên có một tay vợt Việt Nam đăng quang.

Đúc kết về giải đấu lần này, ông Nguyễn Phương Nam, phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, đồng thời là trưởng ban tổ chức giải, đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

* Sức hút của giải đấu với người xem thế nào, thưa ông?

Trong quá trình tổ chức, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn nhưng giải đã diễn ra thành công ngoài mong đợi cả về chuyên môn lẫn trên khán đài. Dù quy định phòng chống COVID-19 của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) có thoáng hơn nhưng cũng có nhiều vấn đề phát sinh mà trước giờ chưa bao giờ gặp phải.

Ngoài ra, BWF cũng có nhiều quy định kỹ thuật mới mà chúng ta buộc phải tuân theo như nhập toàn bộ sàn đấu vì kích thước sân theo quy định mới lớn hơn, cung cấp hạ tầng để BWF đưa đội ngũ chuyên gia sang thực hiện các Game Sport của họ, livestream đến toàn thế giới (trừ Việt Nam), livescore...

Sau hai năm gián đoạn vì COVID-19, Vietnam Open vẫn được đông đảo khán giả đam mê, ủng hộ. Mặc dù giải năm nay, theo quy định BWF, không được tổ chức các trận đấu từ tứ kết vào buổi tối để VĐV có thời gian nghỉ ngơi tốt nhất nên phải đánh vào buổi chiều nhưng khán giả luôn kín nhà thi đấu. Sức hút của cầu lông chuyên nghiệp với người hâm mộ Việt Nam là rất lớn.

* Ông nhận xét thế nào về chuyên môn của giải?

Các trận đấu ở giải năm nay luôn diễn ra hấp dẫn, giằng co và nhiều trận có màn rượt đuổi tỉ số nghẹt thở. Đặc biệt khi đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải chứng kiến có tới 4 tay vợt nữ của Việt Nam vào đến tứ kết, 3 người vào bán kết và 1 người vô địch. Đây là bất ngờ lớn, ngoài mong đợi của người hâm mộ cầu lông nước nhà.

Nhưng kết quả này không nhờ may mắn bởi các tay vợt nữ Việt Nam có nhiều chiến thắng trước những đối thủ có đẳng cấp cao hơn mình như Vũ Thị Trạng hạ hạt giống số 1 Aya Ohori (Nhật Bản), Nguyễn Thùy Linh thắng hạt giống số 4 Ruselli Hartawan (Indonesia)… và bất ngờ nhất là tay vợt trẻ Trần Thị Phương Thúy đánh bại được tay vợt hạng 49 thế giới của Malaysia Kisona Selvadura.

* Không chỉ thành công về mặt thành tích, Vietnam Open 2022 còn trình làng nhiều tay vợt nữ đáng xem. Ông đánh giá thế nào về công tác đào tạo trẻ thời gian qua?

Đây là thành công trong nỗ lực đầu tư, đào tạo của các địa phương và cầu lông nữ Việt Nam trên cơ sở đam mê và khao khát thành công của VĐV. Hy vọng thành tích này khích lệ VĐV trẻ tiếp tục đam mê tập luyện, thi đấu cũng như thúc đẩy công tác đầu tư, đào tạo VĐV trẻ ở các địa phương.

Vui và buồn chuyện âm thịnh dương suy của cầu lông Việt Nam - Ảnh 2.

Trần Thị Phương Thúy cho thấy sự trưởng thành vượt bậc tại Vietnam Open 2022 - Ảnh: Đ.K.

* Nhưng ở chiều ngược lại, cầu lông Việt Nam từng lấy nam làm mũi nhọn với sự xuất sắc của Nguyễn Tiến Minh. Nhưng khi Tiến Minh lớn tuổi, cầu lông nam Việt Nam đã thua trắng ở đấu trường quốc tế. Nguyên nhân vì sao mà cầu lông nữ phát triển thời gian qua, trong khi cầu lông nam lại đi xuống?

Thật ra, cầu lông Việt Nam khó tìm người đủ sức thay thế Tiến Minh trong tương lai gần. Cầu lông nam thế giới đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ngay cả những cường quốc như Malaysia (với Lee Chong Wei), Indonesia (với Taufik Hidayat) cũng "hụt hơi" khi những tượng đài này nghỉ thi đấu.

Với Việt Nam, để đào tạo ra một tay vợt đẳng cấp thế giới thì cần hội tụ rất nhiều yếu tố chứ không hẳn chỉ là công tác đào tạo. Chúng ta cần những tài năng có đam mê lẫn khát vọng vươn lên. Đồng thời, gia đình phải có tiềm lực tài chính để tạo điều kiện cho họ…

Cái khó hiện nay là các giải cầu lông ở Việt Nam hiện ít cả về số lượng lẫn tiền thưởng. Vì thế, lực lượng VĐV trẻ ít, khó tìm ra tài năng thực sự nổi bật. Bên cạnh đó, mức độ xã hội hóa cầu lông chưa cao, chúng ta thậm chí chưa có được nhà tập luyện chuyên dụng cho cầu lông dù đã có đề xuất xin quỹ đất để xây dựng.

Dù vậy, trong khả năng của mình, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam vẫn cố gắng hỗ trợ thu nhập, trang thiết bị tập luyện và kinh phí đi thi đấu quốc tế cho các thành viên đội tuyển.

Sẽ tổ chức thêm nhiều giải cấp độ cao hơn

Ông Nguyễn Phương Nam cho biết: "Nếu tình hình COVID-19 ổn định hẳn, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa về Việt Nam đăng cai những giải đấu cấp độ cao hơn cả Vietnam Open để phục vụ người hâm mộ như chúng ta từng tổ chức Giải vô địch đồng đội nam nữ châu Á 2017.

Để tổ chức những giải này, chúng ta cần phải trang bị thêm nhiều thiết bị, công nghệ cho phù hợp với quy định của BWF như: hệ thống mắt diều hâu, hệ thống ánh sáng chuẩn tập trung vào sân đấu và làm tối khán đài như một sân khấu đúng nghĩa, sản xuất truyền hình trực tiếp đi khắp thế giới tất cả các trận đấu…".

Thùy Linh rạng ngời trong ngày lập kỳ tích tại Vietnam Open Thùy Linh rạng ngời trong ngày lập kỳ tích tại Vietnam Open

TTO - Tay vợt xinh đẹp Thùy Linh đã làm nên kỳ tích khi trở thành người Việt Nam đầu tiên lên ngôi tại Vietnam Open nội dung đơn nữ, sau trận chung kết diễn ra chiều 2-10. Trên bục nhận huy chương, cô gái quê Phú Thọ đã có những phút giây rạng rỡ.

TẤN PHÚC - ĐỨC KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên