21/02/2009 14:36 GMT+7

Vui buồn áo lụa

Theo KIM CÚCDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo KIM CÚCDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Công phu từ khâu ươm tơ, dệt vải, cầu kỳ trong việc cắt may, tỉ mỉ trong khâu bảo quản, nhưng những cái khó đó không làm người ta bớt say mê lụa. Ngày nay, lụa không chỉ là một món quà lưu niệm đối với các du khách nước ngoài, mà còn được nhiều người Việt ưa chuộng.

Chúng hóa thân vào nhiều kiểu quần áo thời trang, khăn choàng, túi xách, hài thêu, guốc quai lụa, cravat… bên cạnh những tà áo dài hay áo bà ba truyền thống. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về thế giới tơ lụa ở Sài Gòn cũng không thiếu gam màu ảm đạm khi những tên tuổi lụa nổi tiếng một thời nay gần như vắng bóng.

Lụa Hà Đông “thất sủng”

d5RoL99V.jpgPhóng to
Đầm lụa đơn giản mà quý phái

Những giai điệu ngọt ngào của bài Áo lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (thơ Nguyên Sa) ra đời cách đây đã gần bốn mươi năm. Vậy mà mỗi khi thoáng thấy bóng dáng chiếc áo lụa trên đường phố Sài Gòn, nhiều người lại nghĩ ngay đến những ca từ thiết tha của bài hát ấy: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông… Thế nhưng, trong số những chiếc áo lụa tung bay trên đường phố hôm nay, không có mấy chiếc có nguồn gốc từ Hà Đông (nơi có làng lụa Vạn Phúc danh tiếng).

Nguyên nhân không phải vì lụa Vạn Phúc ngày nay chất lượng kém hơn xưa, mà vì mẫu mã của mặt hàng này rất kén khách. Hầu như chỉ có những người đứng tuổi hoặc ai thích phong cách cổ điển mới chọn lụa Vạn Phúc vì những hoa văn như mai, lan, cúc, trúc chỉ thích hợp để may áo dài truyền thống mặc trong lễ cưới, hỏi hay những lễ hội trang trọng. Bên cạnh đó, còn phải kể đến những hạn chế về màu sắc của những mặt hàng tơ lụa được làm thủ công.

Là một thợ may có nhiều năm kinh nghiệm trong việc may các loại quần áo thời trang tơ lụa, anh Nguyễn Lê Huy (Nhà may Lê Vy, 141 Cách Mạng Tháng Tám, phường 7, quận Tân Bình) nhận xét: “Lụa Vạn Phúc nói riêng và những loại tơ lụa được dệt và nhuộm thủ công hầu như chỉ có những màu cơ bản mà thiếu những màu trung gian như xanh cổ vịt, tím tầm xuân… Màu trung gian thường là những gam màu đẹp và rất cần thiết trong phối hợp trang phục”.

LaM98zIg.jpgPhóng to
Rực rỡ khăn lụa

Trong khi đó, lụa Bảo Lộc được dệt và nhuộm hoàn toàn bằng máy móc hiện đại nên có nhiều màu sắc phong phú và khả năng kết hợp đa dạng để cho ra những phong cách riêng như màu cân bằng (xám than kết hợp với xanh lá, được làm tối bớt bằng màu đen), màu mềm mại (tím đỏ pha trắng làm mờ đi màu xám), màu sẫm (xanh tím đi với xám trung)... Có lẽ chính những hạn chế về hoa văn và màu sắc ấy đã khiến lụa Vạn Phúc ngày càng mất đi vị thế của một làng nghề nổi tiếng giữa thế giới lụa phong phú của Sài Gòn.

Chị Trần Ngọc Bình, chủ đại lý lụa tơ tằm Việt Nam Silk (20 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) cho biết giá lụa Vạn Phúc hiện nay chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba lụa Bảo Lộc. Tại cửa hàng Nhật Nguyệt Silk trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1) cũng thế, hầu hết những thước lụa đẹp, hoa văn phong phú và thích hợp với mọi kiểu thời trang hiện đại đều có nguồn gốc từ Bảo Lộc.

Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Hoài Sang - người chuyên xử lý các chất liệu thiên nhiên cho biết: “Chín năm trước tôi cũng thiết kế trên lụa Vạn Phúc nhưng sau này thường dùng các loại lụa nhập từ nước ngoài về hoặc lụa Bảo Lộc vì lụa dệt thủ công 100% tơ tằm khiến lụa dễ bị tuột màu. Ngoài ra, còn phải kể đến sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã của lụa nhập hoặc lụa Bảo Lộc. Hiện nay, người Trung Quốc đã sản xuất được một loại thun tơ tằm được cho là có tác dụng làm đẹp da người mặc vì được dệt ẩm với sữa tươi”. Đó là nguyên nhân vì sao trong những lô quần áo lụa của Hoài Sang xuất sang các nước Nhật, Pháp, Mỹ lại vắng bóng lụa Hà Đông. Thực tế đó khiến người ta không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến câu ca dao như lời mời mọc:

Em về Vạn Phúc cùng anhÁo lụa em mặc càng thanh vẻ người

Về chuyện này, nhà thiết kế Võ Việt Chung lại có một cách nghĩ khác: “Lụa Vạn Phúc chiếm một thị phần rất nhỏ tại Sài Gòn là vì những người bán chưa khai thác hết công năng của chúng. Lụa Vạn Phúc đâu chỉ có thể may áo dài. Chính tôi đã thiết kế nhiều mẫu khác như sườn xám, kimono… Theo tôi, người Nhật khi sang đây rất thích mua lụa Việt là vì có sự khác biệt trong cách thiết kế hoa văn. Nếu như lụa Nhật có hoa anh đào, có chùa chiền thì ta có mai, lan, cúc, trúc… Cũng như lãnh Mỹ A, tôi tin rằng một khi có một bộ sưu tập nào đó, mọi người lại đổ dồn về lụa Vạn Phúc”.

Niềm tin ấy của nhà thiết kế trẻ ba lần đoạt giải Mai vàng hoàn toàn có cơ sở. Năm 2003, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Trí đã nhuộm thành công bảy màu trên lụa Tân Châu. Liên tiếp sau đó, Võ Việt Chung đã đưa lãnh Mỹ A lên các sàn diễn thời trang quốc tế danh tiếng qua các bộ sưu tập Lãnh (tại Kuala Lumpur, Malaysia), Sự hồi sinh (tại Berlin, Đức)… Sau đó, Võ Việt Chung cùng gia đình độc quyền sản xuất các loại quần áo thời trang từ lãnh Mỹ A và xuất sang Nhật, Pháp trong hai năm qua.

Lụa nào cũng phải nâng niu

6VU3dTae.jpgPhóng to
Không gian sang trọng dành riêng cho thời trang lụa

Con đường Đồng Khởi (quận 1) dài chưa đầy một cây số đã có 20 cửa hàng kinh doanh tơ lụa. Ở đó, nhiều cửa hàng như Catinat, Hồng Silk, Mi Silk, T&M Silk… đều có thâm niên trên chục năm. Những cửa hàng này cũng như một số khác rải rác trên các đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Mạc Thị Bưởi chuyên bán những sản phẩm may sẵn từ lụa như quần áo thời trang, khăn choàng, hài thêu, guốc quai lụa… cho du khách nước ngoài. Đa phần những cửa hàng này đều có thiết kế riêng, cả về mẫu mã sản phẩm và mẫu hoa văn.

Tại chuỗi cửa hàng Khaisilk, món hàng giản dị nhất có lẽ là chiếc khăn lụa hoa văn vuông có giá hơn một triệu đồng. Bù lại, những hình ảnh rất hiện đại như cả nhà chơi golf xuất hiện trên nền lụa truyền thống thì quả là một mẫu thiết kế độc đáo và khó có thể tìm thấy ở các cửa hàng khác. Người bán hàng tại đây cho biết khách hàng đa phần là du khách Nhật - những người yêu thích màu sắc rực rỡ, tươi tắn. Những màu sắc ấy thích hợp để may kimono hoặc áo đầm mang phong cách búp bê mà thiếu nữ Nhật rất ưa chuộng.

Dzc9Kd0s.jpgPhóng to
Ba du khách nữ người Hà Lan chờ đo ni để may áo lụa tại nhà may Tuyết Lan

Bên cạnh đó, những mẫu thêu tay tinh tế trên trang phục cũng là một điểm thu hút du khách Nhật nên được các cửa hàng đặc biệt chăm chút. Tại nhà may Tuyết Lan (99 Đồng Khởi, quận 1), một thương hiệu đã có thâm niên gần 25 năm, trong không gian nho nhỏ được bài trí khá giản dị, điều cuốn hút trước nhất là những mẫu váy, áo lụa thêu tay, thêu hoa chân rất tinh xảo. Cả xưởng may trên đường Lê Lợi và cửa hàng này chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài nên mỗi mẫu trang phục khách đặt may đều phải hoàn thành “tốc hành”, thường chỉ mất hai ngày, thậm chí 24 giờ. Do vậy, các mẫu thêu tay cũng được thực hiện tại chỗ.

QEiQNUWc.jpgPhóng to
Một mẫu thêu tay trên nền nhung tại [chlê]

Công phu hơn, một số nơi còn đặt gia công những mẫu thêu tay trên nền lụa ở tận các làng nghề ở miền Bắc. Một địa chỉ khá nổi tiếng với loại hình này là cửa hàng thời trang lụa có cái tên khá lạ “[chlê]” trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3).

Bước vào [chlê], thật bất ngờ, giữa hàng trăm mẫu thiết kế sang trọng, ấn tượng, bà chủ xinh đẹp Nguyễn Quỳnh An chọn một chiếc đầm nhung thêu hoa và tự hào giới thiệu: “Những mẫu thêu này chúng tôi đặt gia công từ những người nông dân ở các làng quê miền Bắc. Sáng họ tranh thủ ra đồng cày cấy, chiều về ngồi tỉ mỉ thêu thùa. Cái hay nằm ở chỗ tưởng như nghiệp dư ấy. Nhờ cách làm này mà mỗi mẫu áo thêu là một tác phẩm độc đáo, không hề lặp lại. Khách hàng rất thích những sản phẩm hoàn toàn thủ công này”.

Nhìn cách chị Quỳnh An chăm chút cho từng chiếc áo lụa và hướng dẫn tỉ mỉ cách giặt lụa cho khách, chúng tôi hiểu rằng mỗi chiếc áo lụa là một tác phẩm nghệ thuật do chị phác thảo những ý tưởng đầu tiên. Chị khẳng định: “Dù là những chiếc áo lụa thông thường được giặt bằng dầu gội đầu hay loại lụa cao cấp giặt hay hấp bằng thuốc chuyên dụng, lụa nào cũng phải nâng niu!”.

Người ta yêu thích lụa không chỉ vì sự óng ả bên ngoài hay những kiểu dáng đẹp khi đã được may lên quần áo. Có người yêu lụa vì trân trọng sự công phu của quá trình làm nên tấm lụa. Một điều khá bất ngờ là có nhiều du khách nước ngoài rất am tường về lụa Việt.

Chúng tôi gặp một người đàn ông Hà Lan trung niên tên Ruud Wassmer khi ông đang cùng vợ chọn mua khăn choàng tơ lụa tại T&M Silk (155 Đồng Khởi, quận 1). Ông cho biết: “Tôi từng đến tham quan một xưởng dệt lụa ở Hội An, thấy quy trình dệt lụa rất công phu và thú vị. Tôi nhớ mãi hình ảnh người thợ cẩn thận kéo tơ ra một sợi dài rồi cắt thành ba đoạn nhỏ, đoạn ở giữa chính là đoạn tơ tốt nhất để dệt nên những tấm lụa thượng hạng”.

Những người như Ruud Wassmer không phải hiếm, chị Nguyễn Thị Thu Hoài tại Liberty Silk kể: “Nhiều du khách châu Âu rất sành về lụa, để phân biệt lụa thật 100% hay lụa pha, họ kéo một sợi tơ ra đốt bằng diêm quẹt. Lụa thật đốt lên bay mùi sừng, như mùi tóc cháy và sợi tơ chỉ bị đun lại chứ không bốc cháy thành lửa ngọn như các loại lụa pha”.

Kr5nHFwy.jpgPhóng to
Điệu đàng hài thêu

Khách Âu đặc biệt quan tâm đến độ nguyên chất của lụa vì chúng đảm bảo cho các trang phục không bị bết dính vào da khi mặc trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Đó là một ưu điểm mà không phải chất liệu nào cũng có. Để giữ được những tinh túy của chất liệu này, cần phải nói đến vai trò của những người thợ may, bởi quy trình cho ra một bộ đồ tơ lụa đặc biệt hơn so với những chất liệu thông thường.

Không phải nhà may nào cũng nhận thực hiện những trang phục tơ tằm vì nếu xử lý không khéo dễ bị… đền hàng, mà giá tơ lụa không hề rẻ. Đối với thợ may, lụa là một chất liệu “đỏng đảnh”. Do có độ rút đáng kể nên trước khi may, người thợ phải qua một bước xử lý vải để đạt được độ rút vừa phải, thường là ngâm lụa vào nước ấm. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đối với từng loại tơ lụa, độ nóng, lạnh và thời gian ngâm bao lâu chủ yếu phụ thuộc vào sự phán đoán theo kinh nghiệm của người thợ.

Nếu “nhẹ như không” là một ưu điểm của lụa thì đó cũng chính là cái khó đối với các thợ may. Lụa nhẹ nên thường bị “chạy vải”, đòi hỏi từng đường cắt, đường may phải thật vững. Với các loại vải thông thường, có thể dùng kim mũi nhọn, nhưng với lụa phải dùng kim mũi tròn và đường may thưa, tức là bảy mũi một phân thay vì chín hay 11 mũi. Có như vậy thì bề mặt lụa mới giữ được vẻ óng ả, bóng mịn mà không bị vết sướt nào.

Lụa nào cũng phải nâng niu. Dù là lụa Vạn Phúc hay lụa Hội An, lụa Bảo Lộc hay lụa Tân Châu thì cũng đều là tinh hoa của ngành dệt may Việt Nam - một chất liệu đặc biệt linh hoạt mà nói theo bà chủ cửa hàng [chlê] thì “mặc đến nơi sang trọng không thấy mình quê mùa, mặc đến chỗ bình dân không thấy mình phô trương”.

Theo KIM CÚCDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên