31/10/2007 19:05 GMT+7

"Vua ma túy" châu Á qua đời

QUANG HƯƠNG (Theo China Daily)
QUANG HƯƠNG (Theo China Daily)

TTO - Khun Sa, ông trùm ma túy một thời của châu Á, một trong những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất thế giới và là một chiến binh lẫy lừng, đã chết tại Myanmar ở tuổi 74.

8TnvWBYk.jpgPhóng to

Khun Sa tại tổng hành dinh ở Ho Mong, Myanmar, ngày 22-11-1995 - Ảnh: China Daily

Khuensai Jaiyen, cựu thư ký của Khun Sa, cho biết "vua ma túy" đã chết ngày 26-10 vừa qua tại thành phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Hiện chưa rõ nguyên nhân cái chết của Khun Sa, nhưng từ lâu ông đã bị liệt một phần, mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Một quan chức Myanmar (giấu tên) ở Yangon xác nhận Khun Sa đã chết và đã được hỏa táng sáng ngày 30-10.

Khun Sa đã sống ẩn dật tại Yangon từ năm 1996, khi ông đầu hàng chính quyền và được phép điều hành một đường dây buôn bán bí mật. Ở cao điểm quyền lực của mình trong thập niên 1980, Khun Sa lãnh đạo 20.000 binh sĩ được cho là quân đội tư nhân lớn nhất tại đất nước lúc đó còn được gọi là Burma này.

Các quan chức bài trừ ma túy của Mỹ ước lượng Khun Sa phụ trách ít nhất một nửa số heroin được tuồn ra khỏi khu vực Tam giác Vàng - lúc đó là nguồn cung cấp heroin lớn nhất thế giới. Washington đã gán cho Khun Sa biệt danh là “ông vua của cái chết”.

Trong gần 40 năm, thủ lĩnh đầy quyền lực này tuyên bố chiến đấu vì sự tự trị của người Shan, một trong nhiều dân tộc ít người chống lại chính quyền trung ương của Myanmar trong nhiều thập niên. Khun Sa tự tô hồng mình là một người chiến đấu giải phóng người Shan, đứng đầu Quân đội Shan Thống nhất trong Nhà nước Shan ở phía đông bắc Myanmar. Mỹ đã treo thưởng 2 triệu USD cho ai bắt giữ được Khun Sa.

“Họ nói tôi có sừng và răng nanh. Thực ra tôi là một ông vua không vương miện”, ông nói với một phóng viên viếng thăm tổng hành dinh hẻo lánh Ho Mong năm 1990.

Khun Sa sinh ngày 17-2-1933, cha là người Trung Quốc còn mẹ là người Shan. Học vấn ít ỏi nhưng Khun Sa lại "lĩnh hội" được nhiều bài học về cách chiến đấu và buôn bán thuốc phiện từ Quốc dân đảng - tàn dư của các lực lượng bị thất bại trong cuộc nội chiến của Trung Quốc và buộc phải chạy trốn sang Myanmar hồi cuối thập niên 1940.

Đầu thập niên 1960, Khun Sa, còn được gọi là Chang Chi-fu, trở thành một tay tổ tại Tam giác Vàng. Ông gần như bị đánh bại trong cuộc "Chiến tranh thuốc phiện" năm 1967, chiến đấu trong một cuộc chiến cam go với Quốc dân đảng tại Lào. Binh sĩ Lào can thiệp bằng cách bỏ bom cả hai phe và ăn cắp thuốc phiện.

Khun Sa phục vụ chính quyền quân sự Myanmar một thời gian, nhưng bị tù năm 1969 do tự mình liên kết với nhóm người Shan chống chính quyền. Ông được trả tự do năm năm sau đó để đổi lại hai bác sĩ Nga bị những người dưới quyền ông bắt cóc.

Vị thủ lĩnh quỷ quyệt Khun Sa tìm kiếm một môi trường ít thù địch hơn tại Thái Lan, bằng cách thành lập một căn cứ trên núi được Quân đội Shan Thống nhất bảo vệ. Nhưng khi người Thái bối rối vì có một ông vua ma túy ở trên lãnh thổ của mình, Khun Sa bị xua đuổi năm 1982 và lập căn cứ tại Ho Mong, một thung lũng hẻo lánh nằm trên đất Myanmar gần với biên giới Thái Lan.

Khun Sa tuyên bố rằng chỉ có sự phát triển kinh tế tại Nhà nước Shan nghèo khổ, một trong những nguồn cung cấp heroin của thế giới, mới có thể chấm dứt việc trồng thuốc phiện và buôn bán thuốc phiện cho phương Tây. “Người của tôi trồng thuốc phiện. Và không phải họ làm điều này cho vui. Họ trồng thuốc phiện vì họ cần tiền để mua gạo ăn và áo để mặc”, Khun Sa nói.

Khun Sa đã từng liên lạc một chiều với các tổng thống Mỹ, đề nghị bán cho Washington toàn bộ thuốc phiện để lấy tiền thực hiện các kế hoạch phát triển cho người Shan. Nhưng năm 1989, ông bị một tòa án ở New York truy tố về tội buôn bán ma túy và yêu cầu dẫn độ ông sang Mỹ.

Sau những thập niên chiến tranh du kích, đầu năm 1996, Khun Sa ký một thỏa thuận hòa bình với chính quyền trung ương Myanmar. Kể từ đó, Khun Sa sống một cuộc sống được cho là xa hoa dưới sự bảo vệ của chính quyền tại Yangon, thành phố đông dân nhất của Myanmar, mặc dù cái đầu của ông được Washington treo giá 2 triệu USD.

QUANG HƯƠNG (Theo China Daily)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên