Những khi mẹ nhức đầu, Huyền xoa bóp cho mẹ - Ảnh: Yến Trinh |
Biết chứng động kinh của mẹ tái phát, Huyền lật đật lấy dầu xoa bóp cho mẹ. Huyền nói dù đã quen với cảnh này nhưng mỗi lần như vậy, nước mắt lại chực trào ra.
" Phải học thật nhanh"
Nhà Huyền có bốn chị em, dưới Huyền còn một em gái đang học lớp 11. Lúc Huyền còn nhỏ, mẹ đi hái điều mướn tự nhiên lên cơn co giật rồi mắc chứng động kinh đến giờ. Lên lớp 5, cha bệnh qua đời, mấy mẹ con sống nhờ vào ông bà ngoại.
Hai chị của Huyền lần lượt từ Đồng Nai lên Sài Gòn sống với người cô, sau này vừa đi làm vừa học tại chức. “Thấy để mẹ ở quê xa xôi nên hai chị mới bàn cho cả nhà chuyển lên đây ở trọ, tiện lo cho bệnh của mẹ” - Huyền nói.
“Ba luôn dặn mấy chị em phải coi chừng mẹ” - Huyền nói, nên những khi bà Loan (mẹ Huyền) co giật, mấy chị em lật đật lấy cái vá bới cơm cho mẹ ngậm, sợ mẹ cắn vào lưỡi. Lâu dần, cái vá trở thành nỗi ám ảnh và cũng là biểu hiện của sự lo âu dành cho mẹ của những người con.
Hồi học trung học phổ thông, vừa chăm mẹ vừa đi học nên Huyền chỉ tranh thủ học bài buổi đêm. Những gì thầy cô dạy trên lớp, Huyền cố gắng ghi nhớ ngay. “Mẹ chờ tôi đi ngủ mới chịu ngủ, nên phải học thật nhanh, thức khuya mẹ lại mất giấc”. Những đợt thi cử, Huyền thường chờ mẹ ngủ trên gác rồi trở xuống dưới học bài.
Ngày đậu đại học Huyền mừng lắm. Nhưng từ nay cô tân sinh viên ngoài gánh nặng học phí còn một nỗi lo: mấy chị em đi học đi làm cả ngày, đành để mẹ ở nhà một mình. Nhưng mẹ bị chứng hay quên. Huyền nói có lần mẹ đi cả tiếng đồng hồ, mấy chị em chia nhau đi tìm mãi mới thấy mẹ đang tha thẩn trong một con hẻm. Từ đó, nỗi sợ mẹ đi lạc cũng thường trực trong mấy chị em.
Ngày dài...
Tiền ăn ở của mấy mẹ con và tiền học của Huyền do hai người chị chung nhau lo. Huyền kể có những ngày không xoay đâu ra tiền, mấy mẹ con ăn đỡ mì gói mua dự trữ từ đầu tháng. Huyền thì không sao, nhưng nhìn mẹ bệnh tật gắng gượng nuốt những cọng mì thì đau lòng lắm. Biết cảnh nhà thiếu thốn nên một tháng nay Huyền đi phụ quán chè để lo học phí.
Sáng sớm, bạn dậy nấu chè đậu đen, đổ rau câu do chủ quán đặt làm. Mỗi ngày bạn nhận 50.000 đồng. “Tiền đó tôi đưa mẹ đi chợ, đỡ phải lấy tiền của hai chị. Mấy ngày nữa tôi lãnh lương sẽ để dành đóng học phí kỳ 1” - Huyền nói. 14g mẹ ngủ trưa, Huyền đạp xe ra quán chè cách đó 2km để làm đủ thứ việc: lau tủ chè, dọn hàng, xếp bàn ghế, phục vụ khách, rửa ly tách...
Thường ngày, mẹ ở nhà một mình từ trưa đến chiều nên bạn lâu lâu lại gọi điện thoại cho cô chủ phòng trọ hỏi “Mẹ con có qua cô chơi không?” rồi nhờ cô trông giùm mẹ. Những ngày bận rộn lịch học sắp tới, Huyền nói sẽ dậy sớm hơn để nấu chè giao cho quán.
“Cũng may anh chủ quán cho tôi tự xếp thời gian làm việc, ngày nào học sáng thì trưa tôi đi xe buýt từ Thủ Đức về rồi ra quán bán, học cả ngày thì bán buổi tối...”. 23g, dọn dẹp ở quán chè xong Huyền mới đạp xe về. Vừa tới cửa bạn đã thấy mẹ ngồi đợi. Tối nào cũng vậy.
Trải qua một ngày quá sức của cô sinh viên 18 tuổi nhưng Huyền không tỏ ra mỏi mệt, Huyền chỉ sợ mẹ lo cho mình. Dáng người cao gầy, Huyền hay chèn thêm nụ cười răng khểnh vào cuối những câu chuyện, dù vui hay buồn như nuôi dưỡng tinh thần cho mẹ.
Cô Bùi Nguyễn Cẩm Nguyên, giáo viên dạy toán lớp 10 và lớp 12 của Huyền ở Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), nói Huyền rất ngoan và cố gắng trong việc học. “Huyền rất chịu khó, thông minh và học toán rất khá. Tôi có gặp chị gái của Huyền khi dự họp phụ huynh, ghé phòng trọ của em một lần và rất cảm động vì mấy chị em biết đùm bọc nhau” - cô Nguyên nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận