Đáp lại những bức xúc về việc chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình khi cấp giấy chứng nhận đối với hệ thống văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM thì đến nay chưa có thêm thông tin xử lý tiếp theo. Vấn đề này cần đưa vào diện theo dõi để làm rõ ngọn ngành câu chuyện và phải có người chịu trách nhiệm về việc này.
Những câu hỏi phải có đáp án
Trong bài bình luận về vụ việc trên báo ngày 10-11, Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi thẳng rằng: "Ai phải chịu trách nhiệm "bẻ cò" quy trình trên luật này để cán bộ có điều kiện kiểm tra "trực tiếp"? Theo tôi, đây là câu hỏi để chốt lại vấn đề. Nhưng để có những luận cứ rõ ràng, qua đó kết luận vụ việc nghiêm minh hơn thì còn nhiều câu hỏi khác cần có đáp án.
Đó là: còn địa phương nào khác ngoài TP.HCM có tình trạng này? Bao nhiêu hộ dân đã bị ảnh hưởng? Có hay không những "uẩn khúc bí mật" khi cán bộ đi kiểm tra, là những "uẩn khúc bí mật" nào? Đặc biệt hơn nữa là trong lúc xã hội đang được cổ xúy tinh thần sống và làm việc theo pháp luật, ai đã "đẻ" ra thủ tục trên cả luật này? Động cơ chính của việc kiểm tra này là gì?
Ước tính thiệt hại xã hội của việc này là thời gian, tiền bạc của người dân, là tiền thuế khi những giao dịch mua bán - chuyển nhượng bị chậm trễ là bao nhiêu? Và như đã nói, vụ việc tác động thế nào đến lòng tin của người dân vào lực lượng cán bộ thực thi?
Theo dõi vụ việc mà nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ đã kể ra từ chính trường hợp của họ và những bình luận về những tổn thất xã hội, chúng ta hoàn toàn hiểu được dư luận đã bức xúc thế nào và vì sao mong muốn có một "chuyên án" làm sáng tỏ mọi vấn đề là thế. Qua đó, chính người dân còn có thể cung cấp thêm những chi tiết tréo ngoe và hoàn toàn trái luật mà họ phải trải qua.
Thách thức cải cách hành chính
Khi một vụ việc có cách xử lý trên luật như vụ việc này xảy ra, không quá khi nói đây còn là một thách thức ghê gớm cho việc cải cách hành chính mà nhiều cấp lãnh đạo, người dân đã luôn nhắc đến, mong mỏi đợi chờ và đang có những quyết tâm để có sự cải cách thực sự.
Đáng tiếc, sự việc trên khiến nhiều người nhớ lại câu nói nửa đùa nửa thật rằng "hành là chính" mà cũng kha khá lâu rồi ít "bị" nhắc đến khi mọi người chứng kiến được sự thay đổi ở nhiều bộ phận cán bộ, nhiều cơ quan, nhiều thủ tục.
Ngoài việc tìm hiểu ai đã "bẻ cò", cần nhìn vào vấn đề vì sao những người thực thi cũng nhắm mắt làm theo. Xét cho cùng, đây không phải là một "thủ đoạn" gì quá thâm sâu mà chỉ có người đứng đầu mới có thể nghĩ ra và tìm cách lách luật như các vụ việc khác. Sự thờ ơ làm sai của cả ngành có được xem là đáng báo động chưa?
Thật sự tréo ngoe và xót xa, có vẻ thách thức hơn khi lâu nay nhiều cán bộ có cách thoái thác công việc, làm việc kém hiệu quả khi cho rằng nhiều quy định hiện hành khiến cán bộ sợ sai, chùn tay khi xử lý công việc. Vậy thì hành vi "đẻ" ra quy định trên luật để gây phiền hà cho người dân, lãng phí cho xã hội hoàn toàn mang tính chất ngược lại.
Vì thế sau chấn chỉnh thực sự cần một "chuyên án" để làm sáng tỏ hết vấn đề xem ra là một việc cần thiết hơn hết. Nếu mọi việc không có động cơ, chủ đích nào tiêu cực thì ít nhất, việc làm sáng tỏ một quy trình "hành là chính" cũng đem đến một bài học chung cho các bộ phận đang ngày ngày tiếp dân, giúp dân xử lý các vấn đề chính đáng.
Tự "đẻ" ra "điểm nghẽn"?
Nhớ lại tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, trong phiên khai mạc ngày 21-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (thời điểm ấy) đã đề nghị Quốc hội chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật với quyết tâm: dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Nay Quốc hội vẫn còn trong kỳ họp và thật trùng hợp là câu chuyện tự ý trực tiếp kiểm tra hiện trạng nhà được "khui" ra. Đây không phải là "cấm" mà là việc "mở" - mở ra thủ tục trên luật, mở ra "điểm nghẽn".
Quá chua xót khi nói rằng: hãy làm đúng luật đã là hết "điểm nghẽn", chưa tính đến chuyện lẽ ra từ cấp cơ sở và va chạm thực tế, lẽ ra các văn phòng đăng ký đất đai còn phải có nhiều sáng kiến, đóng góp ý kiến để tháo gỡ các "điểm nghẽn" triệt để nhất.
Các nơi đã dừng "đi thực tế"
Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có văn bản chấn chỉnh và Tuổi Trẻ phản ánh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở đã có giấy chứng nhận gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp thì ghi nhận các địa phương, Văn phòng đăng ký đất đai ở TP.HCM đã triển khai việc dừng kiểm tra hiện trạng nhà đã có giấy chứng nhận.
Mới đây, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP Thủ Đức đã ban hành văn bản triển khai nội dung chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình đã có giấy chứng nhận. Theo đó, đối với nhà đất đã có giấy chứng nhận thì tiếp nhận và giải quyết thủ tục chuyển quyền, đăng ký biến động mà không kiểm tra hiện trạng, trừ các loại hồ sơ vẫn kiểm tra theo quy định.
Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận 6 (gọi tắt chi nhánh quận 6) cũng có văn bản thông tin đến UBND quận 6 về việc không kiểm tra hiện trạng. Chi nhánh quận 6 sẽ giải quyết hồ sơ đăng ký biến động trên cơ sở thông tin về tài sản trên giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp chủ sở hữu tài sản có yêu cầu đăng ký thay đổi tài sản", chi nhánh quận 6 thông tin. Quận 1 cũng đã có chỉ đạo bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo chấn chỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh công văn chấn chỉnh (số 11663) sở này cũng ban hành đồng thời công văn (số 11664) kiến nghị UBND TP.HCM rà soát, điều chỉnh quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP cho phù hợp Luật Đất đai và đảm bảo tính nghiêm minh của công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng theo đúng chỉ đạo của UBND.
Nhìn lại thực tế ở TP.HCM, trước đây nạn xây dựng không phép, sai phép khá nhức nhối. Cuối năm 2019 UBND TP ra quyết định 30 ban hành quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Từ quy chế này, các quận huyện và cơ quan liên quan triển khai việc kiểm tra hiện trạng.
Trường hợp nào không phải kiểm tra hiện trạng?
Theo ông Nguyễn Hải Long - cố vấn pháp lý Công ty Luật TNHH AGL, căn cứ Luật Đất đai và nghị định hướng dẫn, Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng, trách nhiệm giải quyết khá nhiều các thủ tục liên quan nhà đất.
Tại TP.HCM, từ các quy định hiện hành trên và văn bản chấn chỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường, người dân cần biết rõ các trường hợp cơ bản về tiếp nhận, xử lý hồ sơ nhà đất của Văn phòng đăng ký đất đai sau đây:
Trường hợp không phải kiểm tra hiện trạng: Giải quyết hồ sơ chuyển quyền, đăng ký biến động đối với nhà đất đã có giấy chứng nhận, Văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ theo quy định (không kiểm tra hiện trạng). Chủ sở hữu tài sản chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thực hiện giao dịch nếu tài sản đã có thay đổi so với giấy chứng nhận.
Trường hợp kiểm tra hiện trạng: Trường hợp chủ sở hữu tài sản có yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký thay đổi tài sản. Ví dụ đất chưa có nhà nay có nhà hoặc quy mô nhà ở, tài sản khác trên đất đã khác hoặc nhà đất có sai lệch về diện tích, ranh giới, vị trí... Văn phòng đăng ký đất đai sẽ kiểm tra hiện trạng, xác minh để cấp giấy chứng nhận cho chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận