31/03/2019 10:09 GMT+7

Vụ thầy giáo để học sinh sáng tạo cảnh 'nóng': người ngại đổi mới càng trì trệ

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Sáng tạo, đổi mới bao giờ cũng khó khăn đối với giáo viên, không chỉ do sơ suất mà còn do áp lực từ nhiều phía.

Vụ thầy giáo để học sinh sáng tạo cảnh nóng: người ngại đổi mới càng trì trệ - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) với trích đoạn 'Thị Mầu lên chùa' - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - chia sẻ: "Mấy ngày nay, tôi và nhiều đồng nghiệp cũng đã bàn nhiều về sự cố của thầy Phạm Quốc Đạt - Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM. 

Chúng tôi đều có chung suy nghĩ là bất cứ thầy, cô giáo nào khi tìm tòi các phương pháp đổi mới sáng tạo trong dạy học, trong giáo dục học sinh đều có thể sẩy chân, gặp tai nạn nghề nghiệp. Không ai có thể chắc chắn rằng mình không có sơ suất. Chỉ khi chọn cách "đóng cửa" với sự đổi mới, sáng tạo, rập khuôn cách dạy đọc chép cho học sinh thì mới mong thoát hiểm".

* Nói như vậy, có vẻ như sáng tạo trong dạy học gian nan và cả nguy hiểm. Điều đó có phải lý do khiến nhiều người sợ đổi mới, sáng tạo không?

- Khó khăn, áp lực đối với giáo viên đến từ nhiều phía: áp lực của chương trình, áp lực phải dạy đủ để học sinh đi thi, có điểm cao, áp lực do đổi mới nhưng cha mẹ học sinh chưa hiểu, chưa tin tưởng sẽ dễ phản ứng tiêu cực. Rồi ở đâu đó giáo viên muốn đổi mới nhưng lãnh đạo quen nếp cũ. 

Thế nên người muốn đổi mới lại chưa có được sự hỗ trợ, khích lệ của lãnh đạo, của đồng nghiệp. 

Điều đó khiến những thầy cô giáo tâm huyết rơi vào cảm giác "một mình". Nếu thiếu bản lĩnh, chưa đủ nhiệt tình, nhiều người sẽ không dại gì dấn bước vào con đường báo trước có thể không an toàn.

Nhưng nói thế không có nghĩa ai cũng sợ cả. Nhiều nhà trường hiện nay đang khích lệ giáo viên phải làm mới mình, nhiều thầy cô giáo coi đổi mới, sáng tạo là cách tự mình truyền cảm hứng cho mình, để có thể gắn bó với một nghề nhiều áp lực mà có người bảo nghề giáo cũng thuộc nghề "ráo mồ hôi là hết tiền". Nhất là những tấm gương thầy cô ở vùng khó vừa đem kiến thức vừa mở lòng.

Vụ thầy giáo để học sinh sáng tạo cảnh nóng: người ngại đổi mới càng trì trệ - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội)

* Vậy để tránh "tai nạn", các thầy cô phải làm gì?

- Là giáo viên, tôi quan niệm không chỉ nắm kiến thức để dạy học mà phải học cách trở thành một nhà tâm lý, hiểu học trò, phán đoán được bọn trẻ nghĩ gì, sẽ làm gì. 

Trong một công việc, tình huống cụ thể, phải hình dung và lường hết các việc bọn trẻ có thể làm để nhắc nhở, ngăn ngừa trước. 

Chiều học trò những cái có thể chiều, nhưng vẫn phải tế nhị thông qua cùng các học trò một số "vùng cấm" như không bạo lực, không phản cảm, không biểu hiện những lệch lạc, sai trái...

Ví dụ như một vở kịch được sân khấu hóa từ tác phẩm văn học, khi mang trình diễn cho nhiều học sinh, thậm chí cho cả quan khách xem, nhất định không thể để học trò "giữ bí mật" nội dung được. 

Các em có quyền sáng tạo, "phiêu" trong trình diễn nhưng phải nhắc nhở, quy định những việc không được làm và không nên làm. Ví dụ như nhân vật lịch sử khi tìm ra phương hướng đấu tranh, không thể đập tay các đồng chí của mình "zê...ê!", như các học sinh muốn thể hiện thế được.

* Nhưng có ý kiến cho rằng trong giáo dục hiện đại không nên có vùng cấm cứng nhắc. Việc này không chỉ thể hiện trong việc sân khấu hóa tác phẩm mà trong các hoạt động giáo dục khác, hay trong việc ra đề thi, đánh giá học sinh qua bài kiểm tra, sản phẩm học tập?

- Giáo dục hiện đại là phát huy tính chủ động, tự học, khả năng hợp tác, làm việc nhóm của học sinh và đương nhiên cần khích lệ sự sáng tạo. Nhưng với quan điểm cá nhân tôi, trong các nhà trường phổ thông, nơi đối tượng giáo dục là trẻ vị thành niên thì những gì người thầy đưa ra nên hướng học trò đến sự tử tế, tốt đẹp, nhân văn.

Tôi ví dụ, một đề thi cho học sinh phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ nhuốm màu tiêu cực, nói đến những mặt trái đang diễn ra. Về lý, thầy cô có thể lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để học sinh bày tỏ suy nghĩ, và các em được tự do nêu quan điểm của mình. 

Nhưng theo suy nghĩ của tôi, nhận thức của học sinh khi còn ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", nếu đưa những ngữ liệu mang tính bi quan, tiêu cực và phản chiếu một chiều về xã hội, các em sẽ chưa đủ khả năng hiểu đầy đủ và sâu sắc các mặt của vấn đề. 

Nếu là tôi, tôi sẽ không chọn ngữ liệu như thế. Điều đó có thể phù hợp với sinh viên đại học, nhưng học sinh phổ thông thì chưa nên.

Vụ thầy giáo để học sinh sáng tạo cảnh nóng: người ngại đổi mới càng trì trệ - Ảnh 3.

Phiên tòa giả định xử án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM ngày 30-3. Theo cô Võ Thị Hồng Lan, hiệu trưởng nhà trường, đây là dịp để các em nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời có buổi học sinh động, giảm bớt nhàm chán trong tiết học môn giáo dục công dân - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cần sự đồng hành

Với giáo viên, để yên tâm dành tâm huyết cho nghề, nhiệt tình đổi mới sáng tạo thì cần sự đồng hành của lãnh đạo nhà trường và sự chia sẻ, hỗ trợ của đồng nghiệp. Một người muốn sáng tạo nhưng cô đơn cũng không tạo nên được sự lan tỏa, hữu ích cho học trò.

Về chuyện của thầy giáo Đạt, nếu lúc này chúng ta chỉ phán xét, thiếu sự cảm thông có nghĩa chúng ta đang bàn lùi với sự tiến bộ. Những người "ngại đổi mới" sẽ lấy đây làm "gương", tạo lý lẽ để càng trì trệ hơn.

Từ đây, cũng có thể nhìn ra nhà quản lý giáo dục sẽ ứng xử thế nào. Nếu vì nhạy cảm nên cấm và dập tắt sáng tạo thì học sinh sẽ không còn cơ hội học những gì mới mẻ, không được rèn năng lực nữa.

Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú)

Cần tư duy sáng tạo hơn về sự sáng tạo

Bà Diana Senechal

Bà Diana Senechal, tác giả cuốn sách 'Mind over memes' - Ảnh: website cá nhân

Mỹ là một trong những quốc gia luôn chú trọng tới việc tạo nên những đứa trẻ sáng tạo, từ đó chúng sẽ trở thành những người lao động có óc sáng tạo, và rồi sẽ tiếp tục vươn lên thành các nhà lãnh đạo có tư tưởng cách tân, đổi mới.

Theo trang tin Quartz, một bằng chứng rõ nhất là chương trình hợp tác có tên Hợp tác vì sự học tập của thế kỷ 21 (Partnership for 21st Century Learning) tại quốc gia này.

Đây là chương trình hợp tác giữa giáo dục, doanh nghiệp, cộng đồng và các nhà lãnh đạo chính phủ ở Mỹ trên tinh thần trẻ em phải được giáo dục khả năng tư duy nhanh và tìm ra các giải pháp lạ thường để ứng phó với việc làm tương lai trong một bối cảnh đang thay đổi.

Cũng tương tự, Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) - nơi cung cấp dữ liệu và nghiên cứu cho các chính sách nhằm phát triển thịnh vượng toàn cầu, bao gồm các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, Canada, Úc và Nhật - cho rằng giáo dục ngày nay cần phải tập trung vào việc nuôi dưỡng và đánh giá sự sáng tạo.

Việc giảng dạy, học tập và đánh giá các kỹ năng tư duy phân tích và sáng tạo sẽ "giúp các học sinh thành công trong những nền kinh tế hiện đại, toàn cầu hóa dựa trên kiến thức và sự đổi mới".

Còn trong cuốn sách Mind over memes, tác giả - nhà văn, nhà giáo Diana Senechal cho rằng cách tốt nhất để tăng cường sáng tạo chính là tạo cho nó không gian và sự thực chất.

Theo bà, một nhà phát minh tạo ra những thứ mới mẻ không phải "bằng sáng tạo" mà bằng cách tìm ra những giải pháp mới cho các vấn đề.

Điều đó đòi hỏi sự làm việc lâu dài, bướng bỉnh, một thái độ sẵn sàng thử nghiệm tới cùng điều gì đó, ngay cả khi những người khác cho rằng không liên quan.

"Chúng ta cần sáng tạo hơn trong cách hiểu của chúng ta về sáng tạo, và cũng phải sáng tạo hơn trong cách thức đo lường sự biểu hiện của kỹ năng này.

Sáng tạo không phải là cái mà các giáo viên và ông chủ có thể kiểm tra hay chấm điểm trực tiếp. Nhưng là cái họ sẽ nhận ra khi ý tưởng tuyệt vời được trình bày và thể hiện, chứng tỏ sự liên quan của nó. Không có đường tắt cho quá trình này, nhưng nó đáng được bỏ công sức và chờ đợi" - bà Diana Senechal viết.

D.KIM THOA

Bị đình chỉ dạy, thầy giáo ở TP.HCM kiện hiệu trưởng, đòi bồi thường 80 triệu Bị đình chỉ dạy, thầy giáo ở TP.HCM kiện hiệu trưởng, đòi bồi thường 80 triệu

TTO - Ngày 29-3, ông Phạm Quốc Đạt - giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM cho biết đã kiện hiệu trưởng nhà trường vì ra quyết định đình chỉ dạy, chuyển ông sang làm công tác thư viện.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên