Thanh tra dây chuyền sản xuất tại Công ty Tân Hiệp Phát - Ảnh: Đức Trong |
Thanh tra an toàn thực phẩm bao giờ cũng phải bao gồm các khâu xem hồ sơ giấy tờ, quy trình công nghệ sản xuất, ở đây là sản xuất nước uống thì phải xem vệ sinh chai lọ, nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm đầu ra, quy trình an toàn thực phẩm như thế nào, tuân thủ có đúng hay không... Thanh tra về an toàn thực phẩm mà không lấy mẫu thì thanh tra cái gì? |
BS TRẦN TUẤN (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng) |
Phải lấy mẫu kiểm nghiệm
* PGS.TS TRẦN ĐÁNG (nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm):
Thanh tra chớp nhoáng trong một ngày như vậy làm sao có thể kết luận được ngay? Lẽ ra đoàn thanh tra phải kiểm tra cụ thể lô sản phẩm có chai nước bị tố cáo có ruồi xem có bao nhiêu chai, tình hình mua bán lưu hành trên thị trường ra sao, số còn lại trong lô (nếu có) đang lưu hành ở đâu, có cùng lô có sản phẩm bị khiếu nại (ngoài sản phẩm bị nghi có ruồi) hay không?
Cuộc thanh tra Công ty Tân Hiệp Phát như tôi biết qua báo chí thì chưa có các yếu tố này. Đoàn thanh tra cũng chưa làm rõ được các yếu tố như dây chuyền sản xuất có duy trì được tiêu chuẩn HACCP hay không, theo tôi được biết thì Công ty Tân Hiệp Phát đã đạt tiêu chuẩn này, rồi quy trình sản xuất, pha chế dung dịch, đóng nút chai, yếu tố môi trường... ra sao đều chưa được làm rõ.
Nói tóm lại, tôi cho rằng thanh tra trong một ngày không thể tiến hành bấy nhiêu công việc để trả lời câu hỏi của người tiêu dùng. Kết quả thanh tra do vậy chưa thuyết phục.
* Luật sư NGUYỄN SA LINH (Đoàn luật sư TP.HCM):
Mục đích của việc thanh tra - theo chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm - phải hiểu là không chỉ để kiểm tra quy trình, điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất của công ty mà còn phải kiểm tra chất lượng các sản phẩm được sản xuất từ quy trình đó có đảm bảo an toàn hay không.
Việc đoàn thanh tra không lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm là không đầy đủ trong khi có nhiều khách hàng phản ảnh về vấn đề chất lượng sản phẩm do công ty này sản xuất.
Đáng lẽ đoàn thanh tra cần lấy mẫu sản phẩm của Tân Hiệp Phát cho cơ quan kiểm định chất lượng để kiểm định, sau đó kết luận mới đảm bảo đầy đủ, chính xác, khách quan và thuyết phục.
Kết quả thanh tra chưa đạt
* TS NGUYỄN DUY THỊNH (chuyên gia về công nghệ thực phẩm):
Ở vụ việc liên quan đến Công ty Tân Hiệp Phát, cơ quan thanh tra của Bình Dương chưa trả lời được về chất lượng sản phẩm công ty cung cấp ra thị trường, nhưng đã có kết luận thanh tra thì kết quả thanh tra được coi là chưa đạt.
Cuộc thanh tra về một vụ việc mà người dân đang quan tâm như vụ Tân Hiệp Phát thì một ngày là không đủ, nhưng thanh tra đã làm trong một ngày, gây mất lòng tin của người dân không chỉ với cơ quan thanh tra mà cả niềm tin với tính nghiêm minh của cơ quan quản lý.
Một cuộc thanh tra về an toàn thực phẩm phải bao gồm các khâu kiểm tra về quy trình sản xuất, hồ sơ, quy trình pha chế, lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra. Đặc biệt, việc lấy mẫu phải thuộc nhiều lô, loạt, nhiều thời điểm sản xuất. Ở đây đoàn thanh tra không lấy mẫu thì kết quả là chưa đầy đủ.
Cần nói thêm, trước khi dư luận ầm ĩ về chuyện thanh tra chớp nhoáng thì nhiều người dân rất băn khoăn về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Họ bỏ tiền mua sản phẩm và đang nghi ngờ chất lượng sản phẩm nhưng lại không được trả lời thỏa đáng, khách quan, công tâm.
Theo tôi, phải trả lời cho người dân về câu hỏi họ đang đặt ra, nếu trường hợp Công ty Tân Hiệp Phát bị oan thì đây cũng là việc minh oan cho doanh nghiệp.
Nên lập đoàn thanh tra khác * Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM (ủy viên hội đồng luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam): Lý do mà Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đề nghị thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương lập đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm tại Công ty Tân Hiệp Phát là sau sự việc có nhiều khách hàng phản ảnh đã phát hiện dị vật hoặc sản phẩm nước giải khát của công ty có vấn đề. Pháp luật về thanh tra không quy định, bắt buộc thời gian tối thiểu cho một đợt thanh tra là bao nhiêu ngày, miễn khoảng thời gian đó phải đủ để đoàn thanh tra tiến hành các hoạt động thanh tra kỹ càng, đầy đủ, tuân thủ nguyên tắc của hoạt động thanh tra là bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời. Để không làm cản trở hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức bị thanh tra, thường quyết định thanh tra sẽ tiến hành trong một khoảng thời gian vừa đủ, không quá dài (theo thẩm quyền của từng cơ quan có thẩm quyền). Tuy nhiên, đoàn thanh tra chỉ làm việc trong một ngày mà đã ban hành ngay kết luận thanh tra “rất đẹp” là điều không bình thường. Với cả một quy trình sản xuất của một công ty với nhiều loại sản phẩm, qua nhiều khâu thì việc chỉ thanh tra trong một ngày rất dễ khiến nhiều người nhận thấy việc thanh tra này như “cưỡi ngựa xem hoa”. Từ đó tất yếu có sự nghi ngờ, đặt dấu hỏi về kết quả của một đợt thanh tra vội vàng. Tôi nghĩ cần thiết phải lập một đoàn thanh tra khác để thanh tra lại cho khách quan, đầy đủ hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận