20/04/2010 08:08 GMT+7

Vụ sập dầm cầu cạn Pháp Vân (Hà Nội): Lỗi do nhà thầu thi công

TUẤN PHÙNG ghi
TUẤN PHÙNG ghi

TT - Ngày 19-4, ông Phạm Thanh Bình - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long - đại diện chủ đầu tư dự án xây dựng cầu cạn Pháp Vân kéo dài) - đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh sự cố sập bốn dầm cầu tại gói thầu 3A.

BEYO6fba.jpgPhóng to
Ông Phạm Thanh Bình - Ảnh: T.Phùng
TT - Ngày 19-4, ông Phạm Thanh Bình - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long - đại diện chủ đầu tư dự án xây dựng cầu cạn Pháp Vân kéo dài) - đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh sự cố sập bốn dầm cầu tại gói thầu 3A.

* Ông có thể cho biết đã có nhận định nào về nguyên nhân sự cố?

- Hiện các chuyên gia và cơ quan chức năng đang tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân cụ thể. Dưới góc độ đánh giá chủ quan thì do dầm số 2 bị nghiêng, sau đó đổ vào dầm số 3 theo hiệu ứng domino đổ tiếp dầm số 4 và 5. Vì sao dầm số 2 nghiêng hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Nhưng ban đầu có thể nói hệ thống giằng chống liên kết các phiến dầm rất kém. Có thể đây là nguyên nhân cơ bản làm lệch đổ các thanh dầm.

Chúng tôi khẳng định chống dầm bằng sắt hay gỗ không có ảnh hưởng lớn, quan trọng là thanh gỗ hay sắt có đủ chịu lực và chống đúng hay không. Nếu chỉ gá hờ lên, không có điểm tì thì cũng không có giá trị gì.

Dầm chữ I chỉ chịu lực khi để dựng đứng và khi để nằm ngang thì không thể chịu lực. Điều này hoàn toàn đúng thiết kế kỹ thuật. Nếu các thanh chống vào dầm theo hình chữ A đúng kỹ thuật thì không xảy ra vấn đề gì. Nhưng ở đây kiểm tra thấy các liên kết ngang còn lỏng lẻo, sơ sài. Sau sự cố, việc chống dầm đã được kiểm tra, bổ sung. Qua rà soát cũng phát hiện cạnh nơi xảy ra sự cố có một số thanh chống hờ và đã khắc phục.

* Ông đánh giá sự cố do lỗi kỹ thuật hay lỗi thi công?

- Lỗi này hoàn toàn do chủ quan của nhà thầu. Với lỗi thi công thì nhà thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm với sự cố này.

* Có ý kiến cho rằng vị trí gối các phiến dầm lệch, kết hợp với việc giằng chống không tốt cũng làm đổ dầm?

- Cũng có thể là do gối cao su không đảm bảo, cũng có khả năng dầm không được đặt đúng vào tim gối cao su. Khi đặt lệch sẽ làm gối bị lệch tạo ra độ nghiêng của dầm.

* Sự cố xảy ra trong điều kiện bình thường không có tác động của ngoại lực hay thời tiết bất thường. Vậy có bất thường không?

- Sự bất thường này đang được các chuyên gia xem xét để tìm ra nguyên nhân chính xác. Tất cả lý do hiện nay đều đang là phỏng đoán.

* PMU Thăng Long đã có đánh giá thế nào về biện pháp tổ chức thi công của nhà thầu, từng cảnh báo gì nhà thầu chưa?

- Việc cảnh báo các dầm chữ I phải có liên kết và chống đảm bảo trong lúc chưa kịp làm dầm kết nối ngang đã nhiều lần được tư vấn giám sát và PMU Thăng Long nhắc nhở nhà thầu thực hiện. Rất nhiều cuộc kiểm tra an toàn tư vấn nhưng thực tế nhà thầu chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắc phục. Từ khi triển khai dự án đến giờ cả tư vấn lẫn PMU Thăng Long phải nhắc trên dưới chục lần. Những nhắc nhở này liên quan đến nhiều vấn đề an toàn chứ không phải riêng chống giữ dầm.

9qrA3pW5.jpgPhóng to

Hiện trường vụ sập dầm cầu Pháp Vân đang được cơ quan công an xem xét - Ảnh: Tuấn Phùng

* Tại sao không có biện pháp mạnh hơn sau những lần nhắc nhở?

- Thực tế nhà thầu có cải thiện rất nhiều chứ không phải không cải thiện. Hiện nhà thầu đang chuẩn bị thi công dầm ngang. Theo phỏng đoán có thể do công nhân chuẩn bị thi công dầm ngang đã có động tác làm lỏng các mối nối liên kết hoặc dỡ bớt thanh chống.

* Đã nhắc nhở nhà thầu nhưng vẫn xảy ra sự cố. Vậy PMU Thăng Long và tư vấn giám sát đã làm tròn trách nhiệm chưa?

- Tròn trách nhiệm hay không thì chúng tôi sẽ tuân thủ theo các quy định của Nhà nước về trách nhiệm của các bên trong việc quản lý dự án và theo quy định trong hợp đồng. Còn trách nhiệm đến đâu thì cứ theo đúng các quy định quản lý nhà nước về quản lý trong xây dựng để thực hiện. Hiện nay sản phẩm chưa phải của chủ đầu tư mà đang là của nhà thầu. Để xảy ra sự cố thì nhà thầu phải có giải pháp không để ảnh hưởng chậm toàn tiến độ và chịu toàn bộ chi phí khắc phục.

* Việc khắc phục sẽ tiến hành thế nào và sự cố có làm chậm tiến độ toàn công trình?

- Tiến độ hạng mục này không ảnh hưởng đến tiến độ toàn công trình. Việc các thanh dầm bị đổ chưa liên kết vào các hạng mục khác nên việc thay thế bốn phiến dầm tương đối đơn giản. Hơn một tuần có thể đổ xong. Nhưng cái hiện nay các nhà quản lý và đơn vị liên quan tập trung tìm hiểu là nguyên nhân tại sao lại đổ.

Báo cáo Thủ tướng về sự cố cầu cạn Pháp Vân

Ông Nguyễn Văn Công - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của bộ trưởng Bộ GTVT - cho biết 19-4 bộ này đã báo Thủ tướng về việc rơi bốn phiến dầm tại cầu cạn Pháp Vân.

Bộ trưởng Bộ GTVT đã có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sự việc, có văn bản báo cáo bộ trước ngày 24-4.

Yêu cầu các bên khẩn trương rà soát hồ sơ thiết kế các hạng mục công trình, thiết kế biện pháp tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và thực tế thi công tại hiện trường; có giải pháp khắc phục ngay các tồn tại liên quan đến quá trình thi công các hạng mục công trình của gói thầu 3A nói riêng và toàn bộ dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía nam vành đai 3 Hà Nội, không để xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian thi công còn lại của gói thầu và dự án.

Sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Bộ GTVT đã cử ông Lê Thanh Hà, phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, có mặt tại hiện trường để kiểm tra cụ thể tình hình, làm việc với các bên liên quan. Đánh giá sơ bộ nguyên nhân ban đầu của vụ việc, Bộ GTVT cho rằng bốn phiến dầm rơi là do sơ suất của nhà thầu trong quá trình thi công.

Cũng trong sáng 19-4, Cơ quan CSĐT thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội) đã khám nghiệm hiện trường sự cố sập bốn thanh dầm cầu cạn Pháp Vân.

TUẤN PHÙNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên