Liên quan đến vụ việc bà Nguyễn Thị Mỹ (quận 6, TP.HCM) tố giác tới cơ quan công an làm rõ dấu hiệu tội phạm trong việc công chứng hợp đồng đặt cọc bán căn nhà của bà đang thế chấp tại Vietcombank Tân Bình, bạn đọc đang băn khoăn về việc tại sao việc đặt cọc 'lọt cửa' công chứng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Hứa Thị Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng Luật Công chứng quy định về trình tự, thủ tục rất chặt chẽ khi công chứng viên thực hiện xác nhận việc ký kết hợp đồng đặt cọc (nói riêng) và các giao dịch (nói chung).
Công chứng viên phải kiểm tra các giấy tờ, hồ sơ liên quan; kiểm tra xác thực nhân thân (căn cước, nhân dạng, dấu vân tay) các bên giao dịch...
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng công chứng số 7 cho rằng kiểm tra hồ sơ lưu thì thành phần hồ sơ đặt cọc phù hợp quy định vì có văn bản xác nhận của Vietcombank Tân Bình đồng ý cho giao dịch đặt cọc, có lưu hồ sơ, giấy tờ tùy thân của bà Mỹ là người ký kết đặt cọc.
Bước đầu Công an quận 6 có kết luận chữ ký, dấu tay điểm chỉ trên hồ sơ đặt cọc không phải do bà Mỹ ký. Như vậy đã có người khác thay bà Mỹ ký kết.
Theo luật sư Thảo, đối chiếu quy định có thể nhận định có 2 khả năng xảy ra liên quan ký kết hợp đồng đặt cọc tại phòng công chứng. Một là có đối tượng giả mạo giấy tờ tùy thân, mạo danh bà Mỹ qua mặt công chứng viên để ký kết. Thứ hai là công chứng viên chấp nhận cho người khác không phải bà Mỹ ký thay hợp đồng đặt cọc.
"Khả năng công chứng viên bị qua mặt vẫn xảy ra tại nhiều đơn vị công chứng. Trường hợp này công chứng viên cũng là nạn nhân và có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự đối với thiệt hại (nếu có).
Trường hợp còn lại thì công chứng viên đã vi phạm pháp luật công chứng và có thể phải đối diện với trách nhiệm hình sự. Cơ quan công an sẽ làm rõ, xử lý theo thẩm quyền", luật sư Thảo nói.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, căn nhà của bà Mỹ đang được thế chấp cho Vietcombank Tân Bình thì bất ngờ phát hiện bị đặt cọc.
Vietcombank Tân Bình chấp nhận bản photocopy ủy quyền là sai
Theo luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Công chứng có quy định hợp đồng ủy quyền phải được xác lập tại tổ chức hành nghề công chứng mới có giá trị pháp lý.
Hợp đồng ủy quyền có giá trị trong 1 năm kể từ ngày xác lập nếu trong hợp đồng ủy quyền không có thỏa thuận thời hạn khác (dài hoặc ngắn hơn).
Còn về bản photocopy các văn bản, giấy tờ, hồ sơ... hoàn toàn không có bất kỳ giá trị pháp lý nào được pháp luật thừa nhận. Pháp luật chỉ thừa nhận bản chứng thực sao y được sử dụng thay thế cho bản chính.
Từ quy định trên, ứng với trường hợp vụ việc của bà Mỹ, luật sư Hải chỉ ra rằng hợp đồng ủy quyền của bà Mỹ với ông Phan Hùng Cường (số 7758, được công chứng ngày 29-4-2020) chỉ có thời hạn là 1 năm. Thực tế là hợp đồng ủy quyền này cũng đã chấm dứt vào ngày 26-10-2020.
Trong khi đó đến ngày 19-10-2021, Vietcombank Tân Bình lại dựa trên bản photocopy ủy quyền 7758 do ông Cường mang đến để chấp thuận cho bà Mỹ được đặt cọc bán nhà là hoàn toàn sai quy định.
Lãnh đạo Vietcombank Tân Bình cũng thừa nhận rằng việc ngân hàng chấp nhận bản photocopy là sai quy định. Tuy nhiên, do ngân hàng biết giữa ông Cường và bà Mỹ có mối quan hệ tình cảm và ông Cường từng thay mặt thực hiện thủ tục liên quan căn nhà và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay của bà Mỹ, nên tạo điều kiện cho bà Mỹ nhận cọc bán nhà để trả nợ vay ngân hàng.
"Rõ ràng trường hợp này ngân hàng đã không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, quy định, mà giải quyết kiểu thông lệ, du di... Quan hệ tình cảm (nếu có) không phải là yếu tố để ngân hàng viện dẫn khi giải thích về nghiệp vụ", luật sư Hải nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận