22/04/2016 18:07 GMT+7

Vụ một hành vi, hai bản án khác nhau: tuyên y án sơ thẩm

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Ngày 22-4, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm với bốn bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại Long An. Các bị cáo này đều kháng cáo kêu oan.

Các bị cáo đang nghe HĐXX tuyên án - Ảnh Hoàng Điệp
Các bị cáo đang nghe HĐXX tuyên án - Ảnh: Hoàng Điệp

Thông tư không buộc phải có tài sản thế chấp

Thông tư 28 quy định về bảo lãnh ngân hàng

Điều kiện đối với bên được bảo lãnh

1. Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh và giao dịch phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh là hợp pháp.

3. Có khả năng thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ cam kết với các bên liên quan trong quan hệ bảo lãnh.

Theo đó, trong phần tự bào chữa trong phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Tâm tiếp tục khẳng định mình không có ý định làm chứng thư giả, nhu cầu cần mua cá của ông là thật, ông cũng không bàn bạc với các bị cáo khác để thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của công ty Dachan.

Ông Tâm khai khi gặp được Việt, nhân viên một ngân hàng tại TP.HCM, ông Tâm đã dẫn Việt về nhà để thẩm định các tài sản của mình.

Luật sư bào chữa cho ông Tâm cho rằng, bản án sơ thẩm cho rằng ông Tâm làm ăn thua lỗ và nợ nần, nhưng thực tế, ông có nợ nhưng không thua lỗ.

Một số tài sản là đất đai, ao nuôi cá đều do ông Tâm mua bằng tiền vay ngân hàng, và đến thời điểm xảy ra vụ án, số nợ đã thanh toán được 80%. Tài sản của ông Tâm còn lại là cá trong ao (riêng mua giống đã 1 tỉ, nếu cá trưởng thành thì 5 ao cá của ông Tâm có thể bán được 5 tỉ), tài sản của ông Tâm vẫn còn đủ để thế chấp bảo lãnh. Hoặc nếu phát mãi, bán đấu giá thì ông Tâm vẫn còn tài sản.

Ngoài ra, luật sư cũng khẳng định, theo quy định tại điều 10 thông tư 28/2012 của Ngân hàng Nhà nước, trong 3 điều kiện để bảo lãnh thì không có quy định nào khẳng định buộc phải có tài sản bảo đảm mới được làm chứng thư bảo lãnh.

Thực tế, ông Tâm đã cung cấp toàn bộ tài liệu để Việt làm thủ tục bảo lãnh và cấp chứng thư.

Như vậy, việc bản án sơ thẩm nhận định ông Tâm không có tài sản, không có tiền ký quỹ, ông Tâm đi làm bảo lãnh không có tài sản, chủ động làm giả là không có căn cứ pháp lý.

Tại tòa, luật sư đã phân tích rõ ngay từ đầu ông Tâm đã không có ý định chiếm đoạt tài sản. Do đó, luật sư và ông Tâm đề nghị HĐXX tuyên ông Tâm không có tội.

Bác chứng cứ của luật sư, tuyên y án sơ thẩm

Bác mọi chứng cứ của luật sư, VKS khẳng định ông Tâm không có tài sản mà vẫn muốn có chứng thư bảo lãnh nên ngay từ đầu ông có ý định chiếm đoạt tài sản của công ty Dachan.

Tuy nhiên, VKS lại thừa nhận rằng sau khi biết chứng thư bảo lãnh này là giả, ông Tâm đã yêu cầu những người giúp mình làm chứng thư trả lại tiền đã được thỏa thuận mà ông Tâm đưa trước đó. Bị cáo Hồng đã đi đòi tiền để trả lại cho ông Tâm.

Ở quan điểm này, luật sư bào chữa khẳng định cho đến thời điểm biết chứng thư bảo lãnh bị làm giả, các bị cáo giúp sức cho bị cáo Tâm và cả bị cáo Tâm hoàn toàn không biết chứng thư đó là giả, và họ không có ý định làm chứng thư giả.

HĐXX cho rằng căn cứ vào lời khai tại phiên tòa và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án khẳng định các bị cáo đã có hành vi phạm tội nên bác mọi kháng cáo, mọi quan điểm bào chữa của luật sư. HĐXX tuyên các bị cáo y án sơ thẩm.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Tâm là chủ doanh nghiệp Tâm Thịnh (Mang Thít, Vĩnh Long), kinh doanh nuôi trồng thủy sản, quá trình làm ăn, công ty bị thua lỗ phải nợ nần.

Để tiếp tục kinh doanh, ông Tâm liên hệ nhiều cá nhân và tổ chức tìm ngân hàng để vay tiền hoặc cấp chứng thư bảo lãnh thanh toán mà không cần thế chấp tài sản và ký quỹ để được công ty bán cho thức ăn nuôi cá.

Sau đó, ông Tâm tìm và bàn bạc, yêu cầu Trần Quốc Việt (nguyên nhân viên giao dịch của một ngân hàng tại TP.HCM); Đào Thị Ánh Hồng (giám đốc Công ty XNK Vietsin Rosa ở quận 1, TP.HCM); Lê Đức Minh (nhân viên môi giới vay vốn ngân hàng) và Bùi Sơn Đông (chạy xe ôm) làm cho một chứng thư bảo lãnh thanh toán trị giá 3 tỉ đồng để Tâm mua thức ăn chăn nuôi trả chậm của công ty Dachan với giá dịch vụ là 240 triệu đồng.

Sau khi có được chứng thư, Tâm dùng chứng thư (không biết là giả) của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Phú Thọ để mua trả chậm 135 tấn thức ăn cho cá trị giá 1,5 tỉ đồng.

Khi phát hiện chứng thư giả, công ty Dachan đã báo cho Tâm biết, Tâm đi báo công an nhưng không được thụ lý. Sau đó Dachan đi báo công an và ông Tâm bị khởi tố, xét xử.

Bản án sơ thẩm TAND tỉnh Long An tuyên ông Tâm 14 năm tù, Đào Thị Ánh Hồng 8 năm tù; Lê Đức Minh 8 năm tù; Bùi Sơn Đông 6 năm tù.

Ngoài ông Tâm kháng cáo kêu oan, các bị cáo Đông, Hồng, Minh cùng kháng cáo kêu oan vì bị kết án đồng phạm với ông Tâm.

Tuy nhiên, cũng hành vi cần chứng thư, sử dụng chứng thư bị làm giả nhưng TAND quận Thủ Đức xác định ông Tâm là bị hại và được hoàn trả lại tiền dịch vụ.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên