Lê Giang khóc khi chia sẻ với Trấn Thành trong Sau ánh hào quang - Ảnh: ĐÔNG TÂY PROMOTION
Chuyện nghệ sĩ lên sóng truyền hình kể chuyện đời tư không phải là mới.
Gần 10 năm trước, nghệ sĩ đã giãi bày cuộc đời của mình qua màn ảnh nhỏ trong những chương trình như Lần đầu tôi kể, Nói ra đừng sợ, Khoảnh khắc thay đổi số phận…
Gần đây, khi hài đang thoái trào, trò chơi truyền hình hay nghệ sĩ thi thố với nhau không được khán giả đón nhận mặn mà như trước thì đời tư nghệ sĩ liên tục được khai thác.
Có thể kể đến các talkshow như Sau ánh hào quang, Người kể chuyện tình, Chuyện tối nay với Thành… Ngoài ra, một số game show cũng lồng ghép vào chương trình khá nhiều chuyện đời tư nghệ sĩ.
Nhưng khi Lê Giang kể từng bị chồng cũ bạo hành trên sóng truyền hình, câu chuyện trở nên ồn ào bởi ai cũng biết chồng cũ của Lê Giang là nghệ sĩ Duy Phương - cây hài đắt sô thuở trước và khá nhiều người trong giới biết về cuộc hôn nhân đầy sóng gió của họ.
Nhiều nghệ sĩ bày tỏ thái độ không đồng tình trước những sóng gió đã cũ bỗng dưng bị người trong cuộc "khai quật" công khai.
Nghệ sĩ là những người nhạy cảm và có nhiều nỗi niềm trong cuộc sống. Chỉ cần có người dẫn dắt câu chuyện là họ có thể trải hết lòng mình ra… Nhưng điều đáng nói là trách nhiệm của bộ phận biên tập của nhà sản xuất và khâu kiểm duyệt của nhà đài.
Ông Lê Hải - từng đóng vai anh Bờ Vai trong chương trình Lần đầu tôi kể
Đánh đúng vào thị hiếu luôn tò mò, thích được biết, được hiểu về cuộc sống của nghệ sĩ, người nổi tiếng nên các chương trình có yếu tố đời tư đều thu hút khán giả, thu hút quảng cáo.
Thế nhưng nếu các chương trình kể chuyện đời tư trước đây thường hướng về nghị lực của nghệ sĩ trong hành trình tìm chỗ đứng nghề nghiệp, thì nay một số chương trình khai thác đời tư, lạm dụng nước mắt nghệ sĩ quá mức.
Thậm chí có xu hướng nghệ sĩ dùng sóng truyền hình để nói xấu, tố nghệ sĩ khác và nâng tầm mình lên.
Một nam nghệ sĩ cho biết có một chương trình như thế mời anh tham gia. Họ muốn khai thác về chuyện gia đình nhưng anh từ chối, bảo chỉ muốn nói về nghệ thuật, quá trình làm nghề, vậy là họ lơ không mời anh nữa.
Một nữ nghệ sĩ tên tuổi cũng được mời chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề. Trong quá trình trò chuyện, chị buột miệng chia sẻ từng bị chồng cũ đánh đập.
Sau khi ghi hình, về suy nghĩ lại, chị gọi cho biên tập viên yêu cầu cắt đoạn chia sẻ đó. Nhưng rồi sau đó, toàn bộ câu chuyện vẫn được giữ nguyên khi lên sóng, nữ nghệ sĩ đành ngậm đắng nuốt cay…
Và một yếu tố quan trọng với những người làm chương trình thể loại này, theo ông Lê Hải, đó là phải biết thực hư của câu chuyện đó như thế nào.
Muốn vậy, những người thực hiện phải có sự am hiểu để biết đâu là sự thật, đâu là cảm xúc nhất thời của nghệ sĩ khách mời để có thể biên tập tốt.
Riêng với Sau ánh hào quang, theo đại diện HTV, đây là chương trình hồi ký truyền hình, nghệ sĩ nói về những khó khăn của mình sau ánh hào quang mà ít người biết đến.
Các tập tiếp theo vẫn phát sóng bình thường, tuy nhiên "bộ phận biên tập sẽ rút kinh nghiệm, cân nhắc tính toán để không bị hiểu lầm như vậy" - vị này cho biết.
Với tâm lý, văn hóa người Á Đông chúng ta, những chuyện riêng tư, thầm kín không ai muốn chia sẻ, tung hê. Việc nhà sản xuất tiếp tay dẫu vô tình hay cố ý thì đều không đúng về đạo đức. Ngoài ra, nhà sản xuất chương trình có thể phải đối mặt với các tố tụng pháp lý. Cụ thể, nếu người thứ ba cho rằng thông qua chương trình mình bị nhà sản xuất (cùng với khách mời) xúc phạm danh dự nhân phẩm, họ hoàn toàn có quyền kiện ra tòa theo quy định tại điều 592 BLDS 2015.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận